Đêm dài cùng hy vọng

30/09/2007 01:19 GMT+7

Cầu sập, người chết, người mất tích, người bị thương tật nằm mê man, bất tỉnh. Cầu sập, những bà mẹ, những người vợ trẻ, người con, người cháu bơ phờ trắng đêm đau theo những cơn đau của chồng, cha, con... mình.

Từ cái ngày oan khốc đó, chị Nguyễn Thị An (ngụ ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) chẳng có đêm nào chợp mắt. Chỉ 3 ngày mà người phụ nữ này dường như đã già đi rất nhiều so với tuổi 45 của mình. Suốt mấy đêm dài đằng đẵng trong phòng cấp cứu Bệnh viện 121 (Cần Thơ), chị An nát tan thần hồn khi nhìn đôi mắt đờâ đẫn của đứa con trai Lưu Hoàng Pha, 19 tuổi. Từ một thanh niên tràn đầy nhựa sống, nay Pha như người tàn phế, não bị chấn thương, tay trái gãy ba khúc. Pha chẳng nói, chẳng nghe gì được, cứ nằm như người vô tri giác, miệng rên rỉ, chân quẫy đạp. Mỗi lần con lên cơn đau, chị An lại cầm tay vỗ về, khi Pha co giật chị lại cố giữ tay con. Cứ thế suốt đêm, chị đứng vỗ về con. Mỗi khi Pha nhướng đôi mắt đục lờ đờ, tim chị như đau thắt lại cầu mong con tỉnh trí nhận ra mình. Một đứa con khác của chị An là Lưu Hoàng Phúc (23 tuổi, anh của Pha) đã chết thảm khốc dưới chân cầu. Chồng chị lên cơn điên điên dại dại trong khi chị phải chăm sóc Pha, nên tang lễ Phúc đành phó mặc cho hàng xóm. Chị An nghẹn lời: "Nhà có 2 đứa thì đứa chết thảm, đứa bị thương tật đầy mình. Pha đau lắm nên nó đạp lung tung, tôi phải lấy dây trói 2 chân lại vào thành giường. Làm mẹ mà nhìn con như thế đau xé ruột gan...".

Nằm gần giường Pha là ông Lưu Văn Khâm, chú của Pha, cũng là nạn nhân trong thảm họa sập cầu. Cháu ông Khâm là Hồ Văn Hận lặng lẽ phụ chăm sóc chú với đôi mắt đỏ quạch. Vợ Hận đang có thai sắp sinh nhưng anh đành bỏ vợ ở nhà để qua đây chăm sóc chú. Hận kéo chúng tôi ra ngoài hành lang bệnh viện nói chuyện vì sợ ông Khâm không sống nổi khi hay tin dữ. "Hai đứa con chú tôi là Lưu Thanh Điền và Lưu Tấn Mãi đã được liệm rồi. Mỗi khi chú hỏi, tôi phải nói gạt là tụi nó đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa Cần Thơ", giọng Hận đầy đau đớn. Một người con khác của ông Khâm là Lưu Quốc Duy cũng bị thương trong vụ sập cầu. Vừa được bác sĩ băng bó đầu, tay chân xong Duy đã tìm cách trốn viện để về lo đám tang cho hai em xấu số. Hận kể cứ mỗi khi thấy ti vi trong phòng bác sĩ chiếu cảnh sập cầu, anh lại chạy qua nhờ bác sĩ kéo màn che lại để chú mình đừng thấy vì sợ ông không chịu nổi. Nhiều khi lúc 2 giờ đêm, ông khóc rưng rức như đứa bé và chửi bới đòi Hận phải tháo băng tay cho ông ra ngoài. Dường như linh tính của một người cha cảm nhận được 2 đứa con mình đã gặp chuyện chẳng lành...

Nhiều bệnh nhân khác ở đây cứ phải nén tiếng thở dài khi Phạm Ngọc Tuấn (27 tuổi, ngụ ở Mỹ A, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) cứ luôn mồm ú ớ. Vợ Tuấn là chị Võ Thị Diễm (25 tuổi) đã phải bỏ hai đứa con gái 3 và 4 tuổi đang bị sốt ở nhà để qua bệnh viện chăm sóc chồng. Lòng chị như lửa đốt, vừa thương chồng vừa lo con thơ dại, muốn về thăm con một chút nhưng vừa rời tay là Tuấn lại đạp phá, la ú ớ...

Anh Nguyễn Văn Tiệp (40 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) cũng bị thương khá nặng, vừa được cứu chữa tỉnh lại trong Bệnh viện đa khoa Tây Đô, anh năn nỉ nhờ các bác sĩ, y tá mua giúp các tờ báo để đọc tin về vụ sập cầu. Đọc xong anh chết lặng khi thấy 4 người bạn thân chung tổ là Nguyễn Văn Tân (Nam Định), Nguyễn Tấn Hồng (Cần Thơ), Trương Quang Viễn (Ninh Bình) và Đỗ Đình Hưởng (Thái Bình) có tên trong danh sách những người tử nạn.

Màn đêm lại xuống, lại sẽ có những người thức trắng, lại thêm những giọt nước mắt lăn dài. Mong sao người thân của mình sức khỏe khá hơn, những người vợ, người mẹ, người anh... đó mong manh niềm hy vọng.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.