Mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á

19/10/2009 22:21 GMT+7

Nhiều phần tử nguy hiểm đã bị tiêu diệt nhưng khủng bố vẫn là mối đe dọa to lớn ở Đông Nam Á.

Chuyên gia cao cấp thường trú tại Indonesia của International Crisis Group (Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế) chuyên nghiên cứu về an ninh quốc tế, bà Sidney Jones, phát biểu với Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Singapore hôm 16.10 rằng người ta không biết nhiều về các cơ sở còn lại của các nhóm cực đoan và quan hệ phức tạp của chúng. Mối nguy khủng bố ở Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung vì thế vẫn rất nghiêm trọng.

Nhân tố Yemen

Trong danh sách 9 tên khủng bố cộm cán bị cảnh sát Indonesia bắn chết từ sau vụ đánh bom liều chết vào hai khách sạn Marriott và Ritz-Carlton ở thủ đô Jakarta ngày 17.7, nguy hiểm nhất chính là tay trùm Noordin M.Top. Top sinh năm 1968 ở bang Johor miền nam Malaysia, chạy sang Indonesia năm 2002 và trở thành một thủ lĩnh của nhóm Jemaah Islamiyah (JI), tiếng Ả Rập có nghĩa Giáo đoàn Hồi giáo, mang lập trường chống đối phương Tây.

Nhóm này đặt căn cứ địa ở Indonesia và tỏa chân rết khắp Malaysia, miền nam Philippines, Singapore và Brunei. Sau đó, Top lập một nhóm riêng có tên Tanzim Qaedat al-Jihad (Căn cứ của Jihad). Top nổi tiếng có tài chế tạo bom, tuyển và huấn luyện người đánh bom tự sát và quyên tiền cho hoạt động của nhóm. Top bị truy nã 7 năm trời cho đến khi bị bắn chết trong cuộc bố ráp đêm 16 rạng 17.9 ở huyện Surakarta, tỉnh Trung Java. Tài liệu thu được trong máy tính khẳng định Top là “thủ lĩnh al-Qaeda tại Đông Nam Á”.

Sau Top, bà Jones xếp Syaifudin Jaelani ở vị trí thứ hai. Jaelani, 32 tuổi, cùng anh trai Muhammad Syahrir, 41 tuổi, từng là một kỹ sư máy bay, chỉ trở nên “nổi tiếng” và nằm trong danh sách truy nã của cảnh sát Indonesia từ tháng 8 năm nay, theo báo Jakarta Post. Cảnh sát Indonesia tin rằng Syaifudin Jaelani là người có nhiều khả năng thay thế Noordin M.Top. Nhưng cả hai anh em nhà Jaelani đã tử thương trong cuộc bố ráp đêm 9.10 ở một khách sạn nhỏ tại Ciputat cách thủ đô Jakarta chừng 20 km.

Em trai út của y tên Fajar bị bắt sáng cùng ngày. Dù vậy, bà Jones tin rằng những gì Syaifudin để lại là một mối nguy lớn. Tên này sinh ra và lớn lên ở thủ đô Jakarta và sang Yemen học tại một trường nổi tiếng đào tạo nhiều phần tử cực đoan giai đoạn 1995 – 2000, và rất giỏi tiếng Ả Rập. Khoảng năm 2006, y về sống ở Bogor, tỉnh Tây Java, có 2 con. Nhờ tài ăn nói, y trở thành người hòa giải trong cộng đồng Hồi giáo ở đây và được bầu làm giáo chủ tại một nhà thờ. Cho đến khi “xuất đầu lộ diện”, Syaifudin đã núp bóng làm một người bán thảo dược nhưng thực chất là một kẻ tuyển dụng người đánh bom liều chết.

Cảnh sát tin rằng y chưa bao giờ nằm dưới trướng của JI, nhưng lại chính là người đã tuyển cho Top hai kẻ gây ra vụ tấn công ngày 17.7, Dani Dwi Permana và Nana Ikhwan Permana. Y vượt cả Top về tài tuyển mộ khi thu dụng Dani, một thanh niên 18 tuổi con một gia đình trung lưu. Syaifudin cũng được tin là người nhận 100.000 USD cho vụ tấn công 17.7.

 
Ảnh: Thục Minh

“Số cá nhân tự tìm đến với JI cũng nhiều như số mà các thủ lĩnh chiêu dụ được” Chuyên gia an ninh Sidney Jones

Nhưng còn quá nhiều điều mà người ta chưa biết như các mối quan hệ của y ở Yemen và những bạn học cũ ở nước này. Y gặp gỡ Top khi nào và thông qua ai? Y đã tuyển được bao nhiêu sinh viên và mạng lưới cơ sở ra sao? Quan hệ với các nhóm khủng bố trong, ngoài nước...?

Ý thức hệ

“Điều rất đáng lưu tâm là những người này, tất cả đều xuất thân từ gia đình khá giả, học hành đàng hoàng”, bà Jones nói về danh sách gồm 9 tên khủng bố bị bắn chết, 13 tên bị bắt gần đây và 8 tên đang bị truy nã. Vì vậy, điều khiến những thanh niên có tương lai xán lạn dấn vào con đường khủng bố, theo bà Jones, không phải vì lý do kinh tế. Bà cũng bác bỏ ý kiến cho rằng những đối tượng này hành động với lý tưởng chiến đấu cho tự do, bởi nó không như các phong trào đòi ly khai ở miền nam Thái Lan hay miền nam Philippines.

Theo bà Jones, chính lý tưởng “tử vì đạo” len lỏi trong thế giới Hồi giáo cộng với khả năng thuyết phục tài tình của những thủ lĩnh khủng bố khiến một bộ phận giới trẻ bị cuốn vào một lộ trình đẫm máu. Nhiều tên sau nhiều năm ngồi tù khi được thả ra lập tức gia nhập lại mạng lưới cũ.

Tại Indonesia, giáo chủ Abu Bakar Bashir được xem là lãnh tụ tinh thần của một bộ phận người Hồi giáo, kể cả tên khủng bố Top. Giáo chủ Abu sinh năm 1938. Năm 1972, ông lập ra trường nội trú Hồi giáo Al Mukmin ở Ngruki, tỉnh Trung Java. Xem lại lý lịch của các phần tử JI đã lộ diện, cảnh sát nhận ra, nhiều tên từng học ở Al Mukmin. Giáo chủ Abu được mô tả là “cha đỡ đầu” của JI, nhưng ông phủ nhận mối liên hệ đó cũng như bác bỏ chuyện Al Mukmin là nơi ươm mầm khủng bố, dù rằng ông công khai ca ngợi những phần tử JI bị tử hình hay bỏ mạng trong các cuộc bố ráp.

Nhiều thanh niên còn tự nguyện tìm đến các “thần tượng” được ca ngợi trên trang Muslimdaily.net, website của mạng JI ở Indonesia. “Số cá nhân tự tìm đến với JI cũng nhiều như số mà các thủ lĩnh chiêu dụ được”, bà Jones nói. Về mặt tài chính, JI tồn tại được nhờ vào nguồn lực tại chỗ là chính. Đó là các khoản đóng góp của những người Hồi giáo có cảm tình, 1,5 – 2% thu nhập của những người tham gia, buôn bán lậu vũ khí, cướp tiệm vàng, đe dọa và “xin đểu” doanh nhân nước ngoài... Còn tài trợ từ nước ngoài chỉ dành cho từng vụ đánh bom cụ thể vào các khách sạn, bà Jones cho biết.

Bà Jones cho rằng rồi sẽ có một “Top” khác trong số những đàn em của y hay từ những nhóm cực đoan khác ở Indonesia mà cảnh sát còn chưa biết rõ, thậm chí là những kẻ quay về từ miền nam Philippines. Sẽ khó để diệt tận gốc nạn khủng bố ở Đông Nam Á khi mà vẫn còn nhiều thanh niên Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore tìm đến học tại những trường chuyên hướng giới trẻ đến lý tưởng tử vì đạo  ở Indonesia, Malaysia, Yemen, Pakistan, Afghanistan, Sudan...

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.