Giáo dục trung học ở đảo quốc Sư tử

04/10/2006 15:29 GMT+7

Lần này E-mail toàn cầu xin giới thiệu câu chuyện của giáo dục trung học ở Singapore được gửi về từ ĐH Harvard bởi du học sinh Nguyễn Tiến Anh. Đây là một sinh viên đã trưởng thành từ môi trường giáo dục của Đảo quốc Singapore.

Nói về giáo dục Singapore, người ta thường dùng hai chữ "thành công" - dù rằng, trên một phương diện nào đó, nó cũng là một nền giáo dục đầy áp lực.

Ở Singapore cũng có nhiều cấp độ, chất lượng giáo dục khác nhau. Chỉ trong hệ thống trường chính quy, cũng có sự khác biệt lớn giữa các trường tư thục lâu đời và các trường công lập của nhà nước mới thành lập.

Giáo dục Singapore được đánh giá là hiệu quả, có chất lượng cao nhưng cũng rất căng thẳng, phụ huynh Singapore nổi tiếng trên thế giới là gây sức ép cho con cái. Nếu chỉ nói về kinh nghiệm riêng của tôi tại Trường Anglo-Chinese School (Independent) - một ngôi trường trên 100 tuổi với những tiêu chuẩn giáo dục khắt khe thì tôi lại liên tưởng đến một kiểu na ná của Hà Nội Amsterdam và Trường Lê Hồng Phong TP.HCM ở VN nhưng khắt khe hơn nhiều.

Nói chung, hệ thống giáo dục ở Singapore rất thực tế và hiệu quả. Thực tế là ở chỗ hệ thống giáo dục được chia thành nhiều cấp, nhiều "luồng"/ban (stream - tôi dịch là luồng để tránh nhầm với phân ban ở Việt Nam) khác nhau để phù hợp với khả năng và định hướng của học sinh. Ví dụ như học xong cấp 1 (6 năm), học sinh có thể được phân vào 3 luồng khác nhau cho trung học: Luồng bình thường, luồng khá giỏi và luồng học nghề. Các bạn ở luồng bình thường sẽ học 5 năm, các bạn ở luồng khá giỏi sẽ học trong 4 năm, và các bạn học ở luồng học nghề sẽ học trong 5 năm, nhưng theo một chương trình chú trọng về học nghề kỹ thuật hơn là văn hóa. Kết thúc trung học sẽ là kỳ thi lấy chứng chỉ GCE 'O' Levels, là chứng chỉ theo hệ thống giáo dục Anh, nhưng có thay đổi để thích hợp với Singapore. Tiếp theo, học sinh lại có sự lựa chọn, những người có đủ khả năng thì sẽ học tiếp 2 năm dự bị đại học để lấy chứng chỉ 'A' Levels, cũng theo hệ thống giáo dục Anh, còn những người khác có thể vào các trường dạy nghề kỹ thuật (Institute of Technical Education) hay các trường cao đẳng kỹ thuật (Polytechnic). Sau 2 năm học dự bị đại học, hoặc sau khi tốt nghiệp cao đẳng, học sinh có thể dự tuyển vào các trường đại học chính quy, sử dụng điểm thi 'A' Levels làm điểm thi tuyển. Ở bậc dự bị đại học, cũng có sự phân ban như ở Việt Nam, nhưng học sinh vẫn có thể chọn một số môn học, và chỉ phải thi 5 năm môn cho kỳ thi 'A' Levels.

Tại Singapore không bao giờ có sự gian lận trong thi cử, học tập. Sự nghiêm túc trong thi cử, học tập ấy là một phần trong nếp làm việc rất nghiêm túc, chuyên nghiệp trong nhà trường, trong giảng dạy và ngay cả những hoạt động khác của học sinh. Ngoài ra, dụng cụ học tập, sách giáo khoa, các trang thiết bị khác có thể là khá đắt đỏ, nhưng rất hoàn thiện và đầy đủ.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên của các trường được đào tạo khá tốt, và nhà nước có chương trình học bổng đặc biệt để thu hút sinh viên giỏi làm giáo viên, và Tổ chức Viện giáo dục quốc gia (National Institute of Education) là nơi nâng cấp trình độ giáo viên và nghiên cứu những phương pháp giáo dục mới.

Tiếng nói của học sinh luôn được lắng nghe, tôn trọng đúng mức vì thế nó tạo nên nhiều động lực để học hỏi cũng như sớm tạo nên sự độc lập, tự tin và khả năng sáng tạo rất lớn trong học sinh.

Tất nhiên, không phải mọi việc đã hoàn toàn chỉn chu, cũng có nhược điểm về áp lực tâm lý nói chung trong một nền giáo dục Đông Nam Á, nhưng đó là một sự thành công có tính chất gợi mở cho những ý tưởng giáo dục VN rất nhiều...

Trần Bung  (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.