Nhân chứng vụ thảm sát Fort Hood lên tiếng

16/10/2010 00:48 GMT+7

Mùi máu, mùi lưu huỳnh, khung cảnh hỗn loạn và từng thây người gục ngã là những gì các nhân chứng kể lại về vụ xả súng tại trại Fort Hood ngày 5.11.2009.

Sống sót sau 2 đợt điều quân đến Iraq, trung sĩ Patrick Ziegler trở về Mỹ để nhận một vị trí được nhiều người thèm muốn tại trường Huấn luyện sĩ quan. Anh chỉ còn phải ghé trại lính Fort Hood ở bang Texas để kiểm tra sức khỏe nữa là có thể bước sang một chặng mới trong đời binh nghiệp. Sau khi ăn quấy quá bữa trưa, Zeigler bước vào Trung tâm Lính Sẵn sàng (SRP) và ngồi chờ ở Trạm 13, một khu vực đông đúc với hàng chục binh sĩ đang tụ tập.

Đột nhiên một tiếng thét vang lên: "Allahu akbar!" (Đấng Tối cao Allah) và liền sau đó là tiếng súng nổ liên tục. Chỉ trong vài giây, Ziegler là một trong 32 người trúng đạn trong vụ xả súng tồi tệ nhất lịch sử quân đội Mỹ. Hôm 14.10 vừa qua, anh đã xuất hiện trên bục làm chứng chống lại thiếu tá Nidal Malik Hasan, 40 tuổi, thủ phạm hạ sát 13 người và làm bị thương 32 người khác.

Lấy bỏ một phần não

Ziegler kể anh đông cứng người khi nghe tiếng thét đó vì anh hiểu nó nghĩa là gì, nhưng viên trung sĩ vẫn cho rằng đây chỉ là cuộc huấn luyện. “Tôi vẫn không nhận ra tình huống lúc đó... kế đến tôi thấy một chấm đỏ đặc trưng của súng có tia định vị chiếu vào người mình rồi bất ngờ giống như có người cầm gậy sắt quất thẳng vào đầu tôi”, tờ Houston Chronicle dẫn lời Ziegler. Do có quá nhiều mảnh vụn đạn và xương sọ trong đầu Ziegler nên các bác sĩ không thể lấy hết chúng ra. Họ phải múc bỏ gần 20% não của anh, khiến Zeigler bị liệt nửa người và hiện vẫn phải khó nhọc tập đi. Thủ phạm Hasan cúi đầu khi Zeigler bước lên bục nhân chứng và kể lại cảm giác khủng khiếp khi viên đạn xé toạc xương sọ của mình.

Hầu hết 11 nhân chứng xuất hiện hôm 14.10 đều cho hay lúc đó họ còn tưởng vụ xả súng là một cuộc huấn luyện bất ngờ. “Anh ta nhắm thẳng vào tôi. Tôi tự hỏi đây là chuyện đùa chắc? Huấn luyện ngay tại RSP”, trung úy Brandy Nicole Mason nhớ lại. Hasan ra tay vào lúc 13 giờ 20. Chỉ trong chốc lát, những người có mặt ở đó từ binh sĩ đến thường dân đều phải núp dưới bàn hay bò trên sàn nhà trong cơn hoảng loạn tột cùng.

 
Hung thủ Nidal Malik Hasan - Ảnh: VP cảnh sát trưởng hạt Bell

"Tôi bò dưới đất và máu bắt đầu túa ra từ đầu tôi. Tôi tự nhủ mình cần ra khỏi nơi đó càng nhanh càng tốt”, Zeigler nói. Sau đó anh bất tỉnh và được các binh sĩ khác kéo ra ngoài. Đa số đều quá bất ngờ và bị sốc để kịp phản ứng. Vài người kể họ không nhận thấy mình bị thương cho đến khi máu đổ ra, trong khi một số khác nằm giả chết với hy vọng có thể đánh lừa được tay súng hung hãn. Những người cố gắng nhảy qua cửa sổ đều lọt vào tầm ngắm của Hasan.

Binh sĩ Keara Bono cho hay cô đang đọc sách trong khi chờ hoàn tất thủ tục sang Iraq thì bị bắn vào đầu. Gần một năm đã trôi qua nhưng cô vẫn nhớ rõ cảm giác kinh hoàng khi đột nhiên thấy đầu mình bỏng rát. “Ngay lúc đó, tôi ngửi thấy toàn mùi máu vì mặt của tôi ướt đẫm những máu là máu”, CNN dẫn lời Bono.

Hung thủ máu lạnh

Người cứng lại vì đau do các vết thương ở lưng và chân vẫn chưa bình phục hẳn, trung sĩ Paul Martin từ từ đứng dậy trên bục nhân chứng và chỉ thẳng về phía thủ phạm. “Chính là hắn ta”, Martin nói một cách rõ ràng. Chính Hasan, sĩ quan phụ trách kiểm tra tâm lý cho binh sĩ tại Fort Hood đã bắn từng người tại SRP lúc đó. Cùng với các nhân chứng khác, trung sĩ Martin vạch rõ sự hung tàn của Hasan khi hắn đã bắn thêm nhiều phát vào những binh sĩ đã ngã xuống.

Trong lúc lần lượt các nhân chứng kể lại câu chuyện của mình, thủ phạm Hasan im lìm và hầu như chẳng có phản ứng nào. Hắn ngồi yên trên xe lăn, người liệt từ eo trở xuống sau khi bị nữ trung sĩ cảnh sát Kimberly Munley bắn hạ. Trong lúc đấu súng tay đôi với Hasan, Munley cũng gục ngã vì trúng đạn vào tay và 2 chân, nhưng cô đã chấm dứt được cuộc tàn sát.

Cuộc điều trần, kéo dài khoảng vài tuần, sẽ quyết định liệu thiếu tá Hasan có bị kết án tại tòa án binh hay không. Thủ phạm bị cáo buộc 13 tội giết người có dự mưu và 32 tội cố ý mưu sát. Cuộc điều tra sau vụ thảm sát cho thấy Hasan đã nhiều lần bộc lộ dấu hiện của một kẻ Hồi giáo cực đoan trước khi ra tay nhưng hắn vẫn không bị ngăn chặn mà có thể thoải mái bắn giết tại Fort Hood, căn cứ quân đội Mỹ đông nhất thế giới với khoảng 52.000 quân nhân đồn trú. Mặc dù Hasan không bị liệt vào tội khủng bố nhưng vụ việc là lời cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ khủng bố nội địa, phát sinh ngay trong lòng nước này.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.