4h chiều nay (7/11), Việt Nam gia nhập WTO

07/11/2006 00:04 GMT+7

Chiều qua PV Thanh Niên đã có mặt tại trụ sở WTO và được tận mắt thấy chiếc bảng điện tử đặt trước phòng họp của Đại hội đồng với dòng chữ lớn và hình ảnh lá cờ Việt Nam: 11 giờ sáng ngày 7.11 (tức 4 giờ chiều giờ VN), họp phiên đặc biệt kết nạp Việt Nam trở thành thành viên 150 của WTO.

* Hoàn tất các thủ tục, văn bản để trình QH phê chuẩn văn kiện gia nhập WTO
* Vào WTO là phương tiện chứ không phải là mục tiêu
* Phải chú ý giải quyết các vấn đề xã hội
* Đáng lo là nhiều doanh nghiệp còn dửng dưng
* Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động

Chiều tối qua 6/11, giờ Thụy Sĩ, Phái đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm dẫn đầu đã có mặt tại Geneva (Thụy Sĩ). Ra đón đoàn tại sân bay có ông Ngô Quang Xuân, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại WTO; Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ. Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Lương Văn Tự cho biết: mọi công tác chuẩn bị cho buổi lễ kết nạp Việt Nam đã được chuẩn bị rất chu đáo và sẽ diễn ra trang trọng. Ông Tự cũng cho biết tất cả các thành viên WTO đang mong chờ được chứng kiến sự kiện trọng đại này của Việt Nam. Chiều qua PV Thanh Niên cũng đã có mặt tại trụ sở WTO và được tận mắt thấy chiếc bảng điện tử đặt trước phòng họp của Đại hội đồng với dòng chữ lớn và hình ảnh lá cờ Việt Nam: 11 giờ sáng ngày 7.11 (tức 4 giờ chiều giờ VN), họp phiên đặc biệt kết nạp Việt Nam trở thành thành viên 150 của WTO.

Sáng nay đúng 11h (giờ Thụy Sĩ), Đại hội đồng WTO gồm 149 nước thành viên sẽ tiến hành phiên họp đặc biệt để tiến hành lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Đại sứ Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân cùng các quan chức của Việt Nam và toàn bộ thành viên đoàn đàm phán WTO của Việt Nam cùng tham dự. Sau buổi lễ kết nạp, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy sẽ ký Nghị định thư gia nhập dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

PV Xuân Danh tại Thụy Sĩ

Bên lề lễ ký kết Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng sẽ gặp ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc WTO, ông Eirik Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO, Chủ tịch Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam. Sau đó Phó thủ tướng sẽ tham gia cuộc họp báo cùng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, Tổng giám đốc Pascal Lamy trả lời các phóng viên báo chí quốc tế và Việt Nam về sự kiện Việt Nam gia nhập WTO.

Chiều cùng ngày, Đại sứ Ngô Quang Xuân cũng sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi để cảm ơn bạn bè quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong quá  trình đàm phán gia nhập WTO với sự tham gia của 200 quan chức ngoại giao có mặt tại Thụy Sĩ chứng kiến lễ kết nạp của Việt Nam.

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ: Vào WTO là phương tiện chứ không phải là mục tiêu

Hiện nay, dường như có một sự hiểu nhầm trong dư luận, coi vào WTO là một mục tiêu. Ngay cả nhiều cơ quan Nhà nước cũng cho là như vậy nhưng theo tôi, phải coi việc vào WTO là phương tiện, là cơ hội chứ không phải là mục tiêu. Tác động tích cực của việc gia nhập WTO thì đã rõ như tăng thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu... nhưng vấn đề tức thời phải tính ngay đó là thuế nhập khẩu. Hiện nay thuế suất của chúng ta bình quân là  17,6% bây giờ xuống khoảng 13,8% như thế là thu ngân sách sẽ tụt đi chưa kể nhiều loại thuế khác khiến thu ngân sách sẽ giảm đi 21%. Vấn đề đặt ra là phải bù thu cho ngân sách bằng cái gì? Một vấn đề khó nữa đó là một số ngành sẽ giảm sức cạnh tranh. Ví dụ như sữa, đường phải giảm thuế suất. Hàng trong nước sản xuất giá thành cao nhưng thuế giảm xuống thì hàng của nước ngoài tràn vào. Như vậy ngành sản xuất các mặt hàng đó sẽ gặp khó khăn.

Sau 7/11 sẽ công bố chính thức các cam kết, các doanh nghiệp phải tính thuế suất từng sản phẩm.

Ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH: Phải chú ý giải quyết các vấn đề xã hội

"Theo tiến trình của ta thì dự kiến từ nay đến cuối tháng 11, QH  sẽ nghe nội dung này và sẽ thảo luận, xem xét, thông qua về việc Việt Nam gia nhập WTO. Vấn đề là các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chính phủ, các thành viên của đoàn đàm phán phải làm sao trả lời hết được mọi câu hỏi của đại biểu QH. Đại biểu QH phải nói rõ được cho dân hiểu, gia nhập WTO thì người dân được lợi cái gì, mất mát cái gì, phải làm cái gì, WTO là thế nào vì nhiều người dân đã biết gì đâu? Hiện nay thì Chính phủ chưa có tờ trình. Trong quá trình theo dõi, giám sát của UBTVQH thì cũng đã yêu cầu Chính phủ làm rõ nhiều vấn đề như báo cáo rõ những nội dung của nghị định thư, những nội dung đó tác động đến nền kinh tế của ta thế nào? Việc gia nhập WTO sẽ tác động rộng rãi, sâu sắc đến kinh tế-xã hội đất nước. Gia nhập WTO, tôi nghĩ, ta phải chú ý giải quyết các vấn đề xã hội chứ nếu nó vênh ở chỗ này thì sự phát triển kinh tế của đất nước nó đến mức nào đó sẽ chững lại và nó có nguy cơ khác.

Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp: Đáng lo là nhiều doanh nghiệp còn dửng dưng

"Việc gia nhập vào WTO rất đúng lúc và nó sẽ tạo ra cho chúng ta một vị trí mới. Nhưng chúng ta cũng phải xem kỹ xem chúng ta đã sẵn sàng chưa. Khi chúng ta vào WTO, ta đứng trước 2 vấn đề: có những thuận lợi rất cơ bản  mà một nền kinh tế có thể hưởng thụ được nhất là một nền kinh tế đang chuyển đổi cơ chế như Việt Nam, đồng thời lại đứng trước những thách thức mà đến giờ ta chưa hình dung hết quy mô của nó. Cho nên, khai thác hết cơ hội vị trí thành viên WTO đem lại cho chúng ta đồng thời khắc phục kịp thời những mặt trái của nó ở mức tối đa đều là 2 mặt ta phải quan tâm. Ta có thể phát huy được hết các ưu thế nếu giải quyết được các thách thức đặt ra. Chúng ta có đủ khả năng vượt qua nó không?

Cái đáng lo nữa là hình như nhiều doanh nghiệp của ta còn dửng dưng với cái này. Không biết sợ. Không phải do mình mạnh mà mình chưa hiểuvấn đề, rơi vào tình trạng nước đến chân mới nhảy.

Mạnh Quân (ghi)

Ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng thương mại châu u (Eurocham) tại VN, Tổng GĐ Ngân hàng HSBC: Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động

Cộng đồng doanh nhân châu u tại Việt Nam hoan nghênh và vui mừng chào đón việc Việt Nam gia nhập WTO. Sự kiện này sẽ tạo nên một thay đổi tích cực đối với các ngân hàng nước ngoài vì họ có thể tiếp cận sâu hơn vào thị trường tài chính, ngân hàng tại đây. Với sự gia nhập này, thị trường tài chính ngân hàng sẽ được mở cửa nhiều hơn, các ngân hàng nước ngoài sẽ được hoạt động bình đẳng với các ngân hàng trong nước. Một số những hạn chế về nhận tiền gửi ngoại tệ, số lượng chi nhánh... sẽ được cởi bỏ, theo đó các ngân hàng nước ngoài có thể mở rộng hơn nữa mảng dịch vụ tài chính cá nhân và dịch vụ ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có thể nói, Việt Nam là một thị trường quan trọng của Tập đoàn HSBC tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong tương lai, khi thị trường được mở cửa, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng khách hàng, mở rộng mạng lưới hoạt động và đa dạng hóa sản phẩm. Chúng tôi mong muốn trở thành một ngân hàng dành cho khách hàng địa phương. Tôi nghĩ người hưởng lợi cuối cùng từ việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ là người tiêu dùng Việt Nam khi sự cạnh tranh sẽ đem lại cho họ những sản phẩm chất lượng cao với giá cả rẻ hơn.

Trung Bình (ghi)

Xuân Danh
(Từ Geneva, Thụy Sĩ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.