Thành "sao" nhờ... tin nhắn

16/09/2007 22:15 GMT+7

Sau khi Hải Yến rồi Thảo Trang "rơi rụng" trong Vietnam Idol do nhận được ít bình chọn từ khán giả, nhiều khán giả quan tâm đến cuộc thi đã bày tỏ sự thất vọng trên các diễn đàn âm nhạc. Thực tế, đây chỉ là một trong những trường hợp thành "sao" nhờ... tin nhắn, đang ngày càng nở rộ đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc.

Có lẽ xuất phát từ việc có nhiều "sao" được chấm giải cao trong các cuộc thi ca hát nhưng không được công chúng đón nhận nên gần đây, khi tổ chức bất cứ cuộc thi nào người ta cũng dựa vào kết quả bình chọn của khán giả. Những cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Người dẫn chương trình truyền hình, Bài hát Việt, Album vàng, Giải thưởng truyền hình HTV Award, Ngôi sao vọng cổ truyền hình rồi đến Vietnam Idol... đều chọn người thắng cuộc theo phương cách này.

Lý giải cho việc "lơ" dần ban giám khảo là những chuyên gia, nhạc sĩ, nghệ sĩ lâu năm trong nghề, ban tổ chức các cuộc thi đều đưa lý do: đây là một cuộc thi nhưng cũng là sân chơi dành cho các bạn trẻ yêu ca nhạc, vọng cổ hay có ước mơ làm MC... Song lời giải thích trên tỏ ra kém thuyết phục khi tiêu chí hàng đầu của các cuộc thi đều là tìm ra những ngôi sao đúng nghĩa từ ca sĩ, nhạc sĩ, MC, nghệ sĩ cải lương có tài năng thật sự.

Sau cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2006, ca sĩ đoạt giải nhất Phương Trinh được ban tổ chức "hứa" sẽ đưa ra nước ngoài học thêm về thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn để trở thành ngôi sao thực thụ nhưng đến nay, dù có số phiếu khán giả bình chọn nhiều nhất, Phương Trinh cũng chưa thể thành "sao"!

Tương tự, ban tổ chức cuộc thi Vietnam Idol cũng thông tin rằng người đoạt giải sẽ ký hợp đồng thu âm với Công ty Music Face Entertainment của nhạc sĩ Đức Trí. Điều đó minh chứng một điều: những thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi gần đây sẽ được ban tổ chức, các phương tiện truyền thông đẩy lên thành "sao", chứ hoàn toàn không chỉ là một "sân chơi" đơn thuần như trước. Sự bế tắc ở đây chính là việc nôn nóng mỗi năm tung ra thị trường hàng loạt "sao" được thị trường chấp nhận nhưng lại bỏ mặc việc thẩm định nghề nghiệp từ những người có nghề.

Liên lạc với đại diện ban tổ chức các cuộc thi bình chọn "sao" qua tin nhắn, điện thoại là Công ty Cát Tiên Sa và Công ty Đông Tây Promotion (đơn vị tổ chức cuộc thi Vietnam Idol), chúng tôi chỉ nhận được thông tin rất mơ hồ về số lượng, thành phần khán giả tham gia bình chọn, nếu không muốn nói là chẳng có gì! Cả hai công ty tổ chức trên đều cho biết chỉ nắm được số điện thoại qua tổng đài cho mỗi lần bình chọn và không thể đưa ra việc phân tích thành phần khán giả, nơi cư ngụ, nghề nghiệp lẫn trình độ văn hóa của người tham gia bình chọn...

Đây là những tiêu chí rất quan trọng để việc bình chọn đưa ra kết quả được nhiều người công nhận. Bỏ qua khả năng thí sinh vận động người thân, bạn bè nhắn tin, gọi điện; bỏ qua việc các ngôi sao hay thí sinh có số lượng fan đông, áp đảo việc bình chọn; xét trên tổng thể, kết quả bình chọn từ tin nhắn hay qua điện thoại dựa vào khán giả có quá nhiều điều bất cập.

Dựa hoàn toàn vào kết quả bình chọn từ tin nhắn (hay điện thoại) sẽ dẫn đến việc nhiều khán giả am hiểu thì không bình, trong khi các fan hay nhóm khán giả chẳng có mấy kiến thức về âm nhạc lại "hăng say" bỏ phiếu! Kết quả bình chọn Ngôi sao tiếng hát truyền hình và Vietnam Idol gần đây đã cho thấy một điều rằng: nếu chỉ dựa vào khán giả thì chất giọng của thí sinh chỉ xếp vào hàng thứ yếu trong lúc nhan sắc và vóc dáng sẽ lên ngôi. Và con đường luẩn quẩn: tìm ngôi sao - bình chọn bằng tin nhắn - không được khán giả công nhận - không thể thành "sao", xem ra vẫn còn phổ biến lắm!

* Nhạc sĩ Phú Quang: "Việc khán giả bình chọn những ngôi sao ca nhạc là rất bình thường ở các nước phát triển vì công chúng đã có nền tảng về nghệ thuật. Ở ta, những người có trình độ thì lại không hoặc rất ít khi bỏ phiếu bình chọn mà chỉ những ai rảnh rỗi mới làm thế. Thế nên chúng ta sản sinh quá nhiều giá trị ảo được đề cao quá mức. Nếu có một giải thưởng tầm quốc gia có uy tín, được khán giả công nhận thì những cuộc thi Thần tượng âm nhạc hay Ngôi sao tiếng hát... chỉ còn là một cuộc chơi không hơn không kém, không thể "đánh lận con đen" với những ngôi sao thực thụ được!".

* Nhạc sĩ Huy Tuấn: "Bình chọn qua tin nhắn chỉ thích hợp với thị trường âm nhạc có trình độ nhận thức và thẩm mỹ cao. Trong khi đó, chúng ta không thể đòi hỏi trình độ của công chúng Việt Nam như kỳ vọng được. Phần lớn khán giả "chịu khó" bình chọn đều ở tuổi teen, còn tầng lớp sành nhạc, những người trưởng thành và đủ trình độ để đánh giá, thẩm định một tài năng thì không ai ngồi mà nhắn tin cả. Do đó, nên gọi đó là những ngôi sao tuổi teen, tuổi ô mai thì đúng hơn".

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.