Cơ quan quản lý biết nhưng xử không nghiêm

05/11/2008 23:50 GMT+7

Loạt bài phản ánh về những sai phạm trong kê toa, bán thuốc tại nhiều phòng mạch ở TP.HCM đăng trên Thanh Niên đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều độc giả và các bác sĩ chân chính. Còn đại diện cơ quan quản lý nói gì về thực trạng này?

Người bệnh gánh hết nguy hiểm!

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hà Hào Hiệp, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, thừa nhận: “Tình trạng thầy thuốc phòng mạch tư vừa kê đơn, vừa bán thuốc khá phổ biến tại các địa phương. Điều này không chỉ thiệt hại về kinh tế do không kiểm soát được về giá cả, mà còn gây nguy hại về sức khỏe cho người bệnh. Bởi vì, không ít thuốc bán tại phòng mạch tư bị xé lẻ, bóc nhãn mác, không rõ hạn sử dụng. Trong khi đó, thuốc có thể gây dị ứng, gây tử vong. Đơn thuốc không minh bạch thể hiện có mối liên quan về quyền lợi kinh tế của người kê đơn với nhà thuốc. Nó cũng là sự không sòng phẳng giữa giá thuốc với chất lượng thuốc được kê bán. Bởi nếu đàng hoàng, chắc chắn không cần phải hóa trang đơn thuốc”.

Liên tục những ngày qua, rất nhiều bạn đọc gọi đến Báo Thanh Niên phản ánh cụ thể về những phòng mạch kê toa, bán thuốc sai quy định. Trong đó, đáng lưu ý nhất là phòng mạch một bác sĩ của bệnh viện nhi tại TP.HCM cho trẻ sử dụng thuốc dexamethason (dạng thuốc kháng viêm, giảm đau, gây giữ nước, thèm ăn, tăng cân giả tạo, nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại như: loét dạ dày, loãng xương, ảnh hưởng thận...) để tăng cân giả tạo cho các bệnh nhi. Còn nhiều bác sĩ chân chính thì đề nghị ngành y tế cần xử lý nghiêm hơn tình trạng phòng mạch bán thuốc, dùng xảo thuật đối với người bệnh. "Tình trạng này tồn tại lâu nay là do có sự cả nể, cơ quan quản lý làm không nghiêm. Chúng tôi không chấp nhận những con sâu làm mờ y đức, kinh doanh làm giàu trên bệnh tật người dân" - một bác sĩ bức xúc. 

Chúng tôi tiếp tục ghi nhận tất cả những phản ánh của bạn đọc, và sẽ chuyển danh sách những phòng mạch sai phạm trong kê toa, bán thuốc đến cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý.

Điều đáng nói, xảo thuật trong kê toa, bán thuốc không phải bây giờ mới nảy sinh. Trong một hội nghị về thực hành nhà thuốc tốt tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã bức xúc phát biểu: “Chúng tôi đã tận mắt thấy những đơn thuốc viết chữ theo kiểu “ký tự”.

Nhìn vào những đơn thuốc đó, đố ai có thể biết bệnh nhân mắc bệnh gì. Nếu là người có chuyên môn cũng khó có thể đọc được tên thuốc. Kê đơn không minh bạch như vậy thì chỉ hiệu thuốc được “chỉ định”, hoặc chính phòng mạch đó mới có thể hiểu được. Trong trường hợp bệnh nhân không mua theo “chỉ định” có thể dẫn đến tình huống: người bán có thể nhầm lẫn và dẫn đến hệ quả là người bệnh uống sai thuốc, điều đó vô cùng nguy hiểm. Còn nếu mua theo “chỉ định”, thì người bệnh sẽ chịu giá đã bao gồm hoa hồng cho người kê đơn”.

Ông Quang nhấn mạnh: “Ngành y tế các địa phương phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trên địa bàn mình. Việc tăng cường thanh, kiểm tra cần phải song song với xử phạt nghiêm. Địa phương cũng cần có các hình thức nâng cao nhận thức, lương tâm trách nhiệm người thầy thuốc. Việc xử phạt cũng cần được áp dụng để đủ sức răn đe. Tùy mức độ vi phạm, cần áp dụng các hình thức: phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động, thậm chí rút giấy phép hành nghề”. Theo ông Quang, hiện "Các hình phạt đã đủ mạnh, nhưng vấn đề tùy thuộc vào ý chí cơ quan quản lý tại địa phương: Có đủ quyết tâm hay không ?”.

70 - 80% phòng mạch có bán thuốc

Thuốc xé lẻ, đóng gói tại phòng mạch - Ảnh: Thanh Tùng

Vậy ý chí của cơ quan quản lý địa phương, mà cụ thể ở đây là Sở Y tế TP.HCM, ra sao? Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế, thừa nhận: “Tình trạng bác sĩ trong nước vừa kê toa, vừa bán thuốc tồn tại khá phổ biến lâu nay. Trước đây có khoảng 99% phòng mạch có bán thuốc, nhưng nay con số này còn khoảng 70 - 80%. Để “bù” lại giá khám bệnh, bác sĩ lẫn lộn tiền thuốc, khiến người bệnh cảm thấy mình bị lừa gạt”.

 

Đọc làm sao với toa thuốc này?

Bác sĩ Châu khẳng định việc bác sĩ phòng mạch vừa khám bệnh, vừa kê toa, bán thuốc là vi phạm quy định và đây là một thực trạng nhức nhối, ngành y tế cần tập trung xử lý nghiêm hơn. “Để cải thiện tình trạng bác sĩ ghi toa cẩu thả như Báo Thanh Niên nêu, tới đây Sở Y tế triển khai việc kê toa điện tử, ngoài việc tên thuốc được đánh máy, còn để kiểm soát việc cho thuốc của bác sĩ”. Ngoài ra, sau loạt bài phản ánh của báo "trước mắt Sở Y tế ra công văn gửi các đơn vị y tế yêu cầu phải thực hiện nghiêm việc kê toa cho người bệnh" - bác sĩ Châu nêu giải pháp.

Tương tự, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), cũng khẳng định: "Qua thực trạng Báo Thanh Niên phản ánh, Sở Y tế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm kể cả cá nhân của phòng mạch tư hay đơn vị y tế công sai phạm quy chế kê toa, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ thu hồi giấy phép hành nghề”.

Thanh Tùng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.