Lên trời phá án

05/11/2009 11:44 GMT+7

Khác với điều tra tội phạm truyền thống như cướp, giết, hiếp..., để "tóm" được một chú "hacker mũ đen" (tin tặc), buộc lính công nghệ phải "cao đòn" hơn chúng.

Bài bản đấu tranh cũng khác xưa nhiều, vì đây là thu thập chứng cứ điện tử, mà chúng lại ở... trên trời!

Khi "sim rác" lên ngôi

Lâu rồi không dịp về quê, hôm nọ nhân chuyến công tác, tôi tranh thủ tạt về thăm thầy bu. Định bụng về bất ngờ cho vui nên không báo trước. Đến con đê ven làng, bắt gặp "ông cậu" họ năm nay trạc 12 tuổi đang vắt vẻo trên lưng trâu.

Luyên thuyên một hồi, chợt cậu rút trong quần soóc ra "quả" di động đen trắng, bấm "choanh choách" truyền tin ngay về làng. Choáng! Đường về nhà phải qua mấy thửa ruộng đang vào mùa. Mấy bà thím tay gặt thoăn thoắt, chốc chốc lại ngừng tay móc điện thoại ra nghe. Tiếng trâu nghé ọ hoà với chuông điện thoại thành bản nhạc "tân cổ giao duyên", vui đáo để!

Chuyện quê dông dài, muôn đời giống nhau, nhưng lần này về thấy các cụ, các bác kể nhiều về hãng điện thoại nọ, công ty di động kia về tận làng tiếp thị, thôi thì sướng lỗ tai, vui con mắt. Nhà nào bây giờ cũng sở hữu vài chiếc cho tiện. Gọi nhau ra đồng, về ăn cơm, đi chợ cũng nheo nhéo di động.

Khỏi nói về tiện ích mà viễn thông đem lại cho đời sống bà con quê tôi. Sở hữu một chú "dế" không còn là việc... trên trời nữa, cái chính là vì rẻ quá, từ máy, sim, đến giá cước dịch vụ. Gần đây các hãng tung ra sim khuyến mãi, gọi - nghe cứ gọi là xả láng. Hết tiền quẳng đi mua cái khác, nên cũng chẳng lạ gì khi nhìn bu tôi vừa móm mém nhai trầu, vừa sai thằng cháu ra đầu thôn mua cho cái sim mới...

Quê đã vậy nói gì đến phố. Chưa có con số thống kê đầy đủ nào về tỉ lệ dân cư thành thị sử dụng điện thoại, nhưng tôi đoán dễ phải gần 100% dân Hà Nội xài di động. Cũng bởi vậy mà hàng loạt dịch vụ ăn theo mọc lên như nấm sau mưa. Khắp phố nhan nhản cửa hiệu bán sim số đẹp, sim khuyến mãi, thẻ cào...

Để thắng trong cuộc đua khốc liệt, các "ông lớn" như VinaPhone, Viettel, MobiFone... liên tục đưa ra các chương trình kích thích tiêu dùng. Chẳng hạn chỉ với 50.000 đồng, đã có thể sở hữu chiếc sim 11 đầu số, tài khoản 150.000 đồng. Rẻ và tiện ích nên có nhiều ông ngoài 2-3 số thuê bao chính thức, vẫn tiện ghé qua hàng điện thoại rinh về cả nắm sim kiểu này để dùng dần.

Bộ Thông tin - truyền thông quy định, khi mua sim điện thoại phải xuất trình chứng minh thư và đăng ký thông tin cá nhân. Nếu không thì tài khoản bị từ chối kích hoạt. Tuy nhiên, trên thực tế thì hàng vạn cái sim bán ở các quán điện thoại, đều đã được chủ cửa hàng khai báo với nhà cung cấp từ trước, bằng chính chứng minh thư của họ. Như vậy, về lý thuyết tài khoản vẫn có thông tin chủ thuê bao, nhưng người sử dụng thực tế thì chỉ có... Trời mới biết!

Chính vì tình trạng mất kiểm soát của nhà cung cấp dịch vụ đối với người sử dụng, nên hiện đang rộ lên "đòn khủng bố" người khác bằng "sim rác" điện thoại.

"Từ năm 2006 đến nay, không đêm nào nhà tôi được yên giấc, điện thoại bàn đổ chuông liên tục, cứ nhấc máy lên, đầu kia lại ngắt máy, đặt xuống nó lại gọi, trung bình mỗi đêm từ 7 đến 10 cuộc nháy máy kiểu vậy. Chưa hết, máy di động của tôi mỗi ngày nhận từ 3 đến 5 tin chửi rủa rất tục tĩu, vô văn hoá. Tôi chả hiểu kẻ nào ác ý, xấu chơi thế, mà tôi nào có thù oán với ai..." - anh C - công nhân Cty TL - nói với chúng tôi trong sự uất ức đến nghẹn ngào.

Chị H - cán bộ một tạp chí tại Hà Nội - cũng bức xúc: "Anh tính, tôi đang mang thai tháng thứ sáu mà sáng nào mở máy ra cũng nhận lời "chúc" bị sẩy thai hoặc sinh ra quái...".

Anh K - tổng giám đốc một công ty lớn - thì trình báo việc thường xuyên nhận tin nhắn đe doạ giết, tạt axít. Bà B thì lại khác, U.60 rồi mà vẫn bị ông nhà nghi ngờ, chỉ vì các tin nhắn sướt mướt, tình tứ từ số máy lạ cứ tấp nập bay đến số của bà...

Không thể đo đếm hết nỗi bức xúc của các khổ chủ. Ngày lại ngày, sự quấy rối tích tụ thành cơn "địa chấn" trong các gia đình. Vợ chồng nghi kỵ nhau "tòm tem" nên mới có điện thoại đêm, anh em đồng nghiệp ngờ vực nhau chơi xấu. Tâm lý bất an, luôn phải cảnh giác kẻ thù giấu mặt khiến nhiều người khủng hoảng. Chưa kể những cuộc điện thoại đêm như tế bào ung thư, gặm nhấm sức khoẻ không chỉ một người trong gia đình.

Anh C cho biết: "Chúng tôi làm ca, cả ngày quần quật 12 tiếng, có vài giờ nghỉ đêm cho lại sức mai còn làm việc kiếm đồng rau cháo nuôi con, vậy mà nó cứ quấy hàng chục lần cho đến sáng, anh tính không chết mới là lạ. Sau nhà tôi phải bỏ không dùng điện thoại bàn".

"Phá án" từ... trên trời!

Số đơn thư trình báo bị quấy rối điện thoại như bươm bướm bay về ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang - trụ sở Phòng CSHS Hà Nội. Thành lập từ 1.4.2009, vừa "vào sân" lính trẻ Đội phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã "đá ngay".

Khác với điều tra tội phạm truyền thống như cướp, giết, hiếp..., để "tóm" được một chú "hacker mũ đen" (tin tặc), buộc lính công nghệ phải "cao đòn" hơn chúng. Bài bản đấu tranh cũng khác xưa nhiều, vì đây là thu thập chứng cứ điện tử, mà chúng lại ở... trên trời!

Thật mà, các đường truyền vô tuyến, hữu tuyến chuyển đi thông tin liên quan đến tội phạm đều trong không gian. Phá án dưới đất đã gian lao, nay lại phải tìm ở trên trời những thông số kỹ thuật, dữ liệu dưới dạng tín hiệu số, quả không "ngon ăn". Địa bàn đấu tranh thì có thể hình dung thế này cho nhanh: Bằng một cái nháy chuột, một ông nọ tận Arập Xêút có thể cuỗm sạch tiền trong tài khoản ngân hàng ở Hà Nội, vì vậy "sân bãi" cho trận đấu trí của dân hình sự công nghệ cao không tính bằng đơn vị cây số, tính bằng diện phủ sóng có lẽ chuẩn nhất.

Trở lại với những lá đơn tố khổ kia. Để "lòi mặt chuột" chủ nhân các tin nhắn, cuộc gọi độc địa ấy thật không dễ. Anh em đã phải trải qua nhiều đêm "soi" tài liệu đến " toét" mắt. Đối chiếu, tính toán để tìm ra quy luật, toạ độ, quan hệ của đối tượng nghi vấn... Có được hiềm nghi rồi lại chụm đầu tính phương án buộc kẻ xấu chơi phải lộ diện, đưa về đấu tranh khai thác.

Mỗi lá đơn như là một vụ án con, vì vậy chỉ huy đội thường căn dặn anh em phải làm tỉ mỉ, thận trọng, khách quan. Việc xét hỏi xem ra cũng rất nhọc, vì tên nào bị "số 7" gọi lên cũng đã kịp "làm sạch" mình, tức là vất đi những thứ có liên quan đến để chối tội. Nhưng cũng chỉ cãi quanh được một lúc, vì môn này lính công nghệ cao đã "chiếu tướng" đến ai, nghĩa là phải có "gì" trong tay rồi. Làm rõ được một đối tượng giấu mặt sau đống "sim rác", niềm vui cũng lâng lâng như phá án xong. Nghề này thì đâu cũng thế, bình an trở lại trong mỗi gia đình luôn được lấy làm niềm vui của mình.

Vào trận mới được vài tháng, vừa làm, vừa học mà đã phá được mấy chuyên án trinh sát, chục đầu mối vụ việc như thế này, lính công nghệ cao đã bắt đầu một tiếng nói của mình...

Khi kẻ xấu chơi lộ mặt

Kẻ "ám sát" giấc ngủ của ta, thường thật gần. Đội phòng, chống tội phạm công nghệ cao - PC14 Hà Nội vừa làm rõ đối tượng 3 năm liền quấy rối anh C là Phạm Duy Ph (SN 1972, trú tại Nhân Hoà, Nhân Chính, Hà Nội), là đồng nghiệp cùng phân xưởng Cty TL. Bất ngờ hơn, cũng chừng đấy năm, các anh P, Đ, B và một số công nhân khác cũng chung cảnh ngộ. Nhà anh P có mẹ già gần 80, ngủ gần máy điện thoại bàn, mỗi đêm bà dậy đến chục lần để nhấc máy. Ròng rã bao năm, chắc hẳn trong sự suy sụp sức khoẻ của bà, có "đóng góp" lớn của Ph.

"Thâm thù gì mà anh ác tâm đến vậy?" - Ph tưng tửng: "Tôi ghét họ!" và rồi trong những ca đêm, vừa làm Ph vừa nháy máy, nhắn tin chọc ngoáy cho... đỡ buồn!

Ghen ghét, đố kỵ nhau qua công việc là lý do thường thấy, nhưng nhiều trường hợp là để trả thù người đã làm, hoặc không làm một việc theo ý mình. Không thiếu chuyện bác sĩ, công an xã, cô giáo chỉ vì làm đúng mà gây oán. Trả thù lộ diện thì không dám. Nhẹ nhàng, hiệu quả cao và có vẻ an toàn nhất là quấy rối điện thoại, vì thế nên nhiều "tiểu nhân" chọn đòn này. Điều tra các vụ quấy rối điện thoại, nhiều khi anh em không ngờ "hàng" của mình lại là những tay có vẻ bề ngoài rất đạo mạo, chỉn chu, tư cách. Họ có thể là bất cứ ai, ở địa vị nào, do óc nhỏ nhen, ích kỷ, bệnh hoạn nên rắp tâm huỷ hoại đời sống tinh thần của người họ ghét hay đối thủ.

Khi bài này chuẩn bị gửi đi, ngày 27.10.2009 lại một đối tượng gần 3 năm trời quấy rối chị Trần Bích H - ở Kim Ngưu, Vĩnh Tuy, Hà Nội - lộ diện. Bất ngờ hơn cả, đối tượng nấp sau "sim rác" lần này lại là một nữ sinh đại học, nom chẳng kém người mẫu chút nào. Nghi ngờ người yêu có "tình ý" với chị H... là bạn học cũ thời đại học, Phạm Phương L - sinh viên một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội quyết nhịn quà ăn sáng, dành dụm tiền rinh về cả mớ sim rác để... quấy cho thỏa lòng ghen. Ai mà ngờ từ cái miệng xinh xắn đến vậy, lại tuôn ra đầy rẫy những ngôn từ mà chỉ có thể gặp trong phim xxx...

Lúc khổ chủ trình báo, anh em nghe mà uất thay. Rồi lại chẳng quản vất vả đêm ngày, cố mà lần cho bằng ra thủ phạm mới yên tâm thở phào...

Giải pháp nào cho chuyện "sim rác"?

Trước hết, đó là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ. Cần thắt chặt việc quản lý thuê bao. Bởi đằng sau câu chuyện lợi nhuận là những hệ lụy to lớn về mặt an ninh trật tự. Mới đây nghe Viettel thông báo mỗi chứng minh thư được đăng ký không quá 3 sim, tôi đã mừng. Nhưng rồi lại nghĩ, nếu chỉ Viettel làm điều này thì khác nào "muỗi đốt dây thép!", bởi hiện diện ở nước ta bây giờ dễ có đến chục hãng viễn thông. Đã đến lúc các nhà cung cấp dịch vụ ngồi lại với nhau, để thống nhất một nguyên tắc, phương pháp và quy trình quản lý thông tin thuê bao.

Với những "tiểu nhân" gây án bằng "sim rác", cần có một chế tài đủ sức răn đe của pháp luật, một sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng, coi đây là một hành vi suy đồi về đạo đức. Cần thông báo về cơ quan, tổ chức, nơi cư trú của người vi phạm để quản lý, giáo dục, phòng ngừa.

Có như vậy, giấc ngủ của người dân mới không bị "cắt lát" bởi "sim rác".

Theo Đào Trung Hiếu / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.