Trẻ thô bạo

03/11/2008 09:57 GMT+7

M.A., một nữ sinh 13 tuổi tại TP.HCM, được đưa đến Trung tâm Tham vấn tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên với lý do hay nói dối, đánh em, thường xuyên cộc cằn, trốn học và thờ ơ với các mối quan hệ xung quanh.

Gần đây em có biểu hiện chửi tục và có ý định bỏ nhà đi bụi. M.A. sống cùng mẹ, bố dượng và một em trai cùng mẹ khác cha. Ba mẹ ly dị khi em 5 tuổi, từ đó ba ít quan tâm đến em, và hoàn toàn cắt đứt liên hệ kể từ khi em lên 10. Mẹ em kinh doanh vật liệu xây dựng nên không có thời gian quan tâm, chăm sóc em mà chủ yếu nhờ người giúp việc.

Bên cạnh đó, cách đây ba năm mẹ lập gia đình mới và có em bé thì mối quan tâm của mẹ càng ít đi. Lúc còn nhỏ em là cô bé ngoan, học giỏi, biết nghe lời, nhưng kể từ khi em 10 tuổi thì tính cách khác hẳn. Em tỏ ra bướng bỉnh, hay nói dối, đánh nhau với bạn cùng lớp.

M.A. chỉ là một trong rất nhiều thanh thiếu niên có những biểu hiện như trên. Nhà chuyên môn gọi các triệu chứng đó là các rối loạn về ứng xử, một rối loạn phổ biến ở trẻ em và vị thành niên. Có khoảng 6% các em trai và 2% các em gái vị thành niên có biểu hiện rối loạn ứng xử, và tỉ lệ này tăng lên cùng với những khó khăn về mặt xã hội.

"Những người lớn có hành vi chống đối xã hội sẽ có khuynh hướng sinh ra những đứa trẻ có hành vi tương tự"

Hay gây gổ

Có một mối liên quan chặt chẽ giữa rối loạn ứng xử và tính chống đối xã hội ở người lớn. Trẻ có hành vi chống đối xã hội sẽ trở thành trẻ vị thành niên và người lớn có hành vi như vậy. Hơn nữa những người lớn có hành vi chống đối xã hội sẽ có khuynh hướng sinh ra những đứa trẻ có hành vi tương tự. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trẻ có hành vi chống đối xã hội, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhưng không trở thành trẻ vị thành niên hay người lớn có hành vi tương tự.

Trẻ em bị rối loạn ứng xử biểu hiện những hành vi như chọc ghẹo người khác, hay gây gổ đánh nhau, tỏ ra thô bạo với mọi người hay súc vật, ăn cắp, trấn lột, phá phách và đột nhập nhà người khác, bỏ nhà ra đi. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các biểu hiện lâm sàng của rối loạn ứng xử thường khó chẩn đoán riêng lẻ bởi nó thường đi kèm các rối loạn khác, đặc biệt là rối loạn chống đối.

Giúp trẻ tự lập

Rối loạn ứng xử có thể khởi phát từ thời thơ ấu (những triệu chứng trên chỉ bắt gặp ở trẻ trước lên 10) hoặc có thể bắt đầu ở tuổi vị thành niên. Sự nhận diện chính xác thời điểm khởi phát này có ý nghĩa rất lớn trong trị liệu, bởi khởi phát ở trẻ vị thành niên thường có tiên lượng tốt hơn và có xu hướng ổn định nhanh hơn.

Điều trị rối loạn này thu được kết quả trong thời gian ngắn song lại không có hiệu quả khi điều trị dài ngày và những kết quả đạt được thường biến mất nhanh. Khi những hành vi chống đối xã hội đã hình thành ở trẻ thì rất khó thay đổi. Việc tư vấn cho cá nhân gặp rất nhiều khó khăn. Việc điều trị bằng thuốc đóng vai trò thứ yếu. Liệu pháp tâm lý hiệu quả hơn cả với rối loạn trên. Việc triển khai liệu pháp gia đình và liệu pháp nhóm như những liệu pháp can thiệp có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, cách tốt để giải quyết vấn đề rối loạn ứng xử là ngăn ngừa phát triển của nó ngay từ đầu. Do vậy, điều chủ yếu là xác định được trẻ em có nguy cơ mắc chứng này càng sớm càng tốt, và sự can thiệp hữu hiệu nhất là hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc và kiên nhẫn trong việc nuôi dạy con cái. Tạo môi trường gia đình ổn định, lắng nghe, chia sẻ và giúp trẻ tự lập vẫn là cách giúp trẻ tránh xa rối loạn ứng xử.

Theo Lê Minh Công Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.