Cô giáo tiếng Nga đầu tiên của tôi

08/11/2009 10:39 GMT+7

Không may mắn được đào tạo tiếp, tôi chỉ được trở lại nước Nga sau nhiều năm xa cách, lần thứ nhất vào năm 1989, 28 năm sau khi tốt nghiệp bằng đỏ Đại học Sư phạm Quốc gia mang tên Lênin, và lần mới đây lại cũng 20 năm sau đó, trong một chuyến công tác sáu tuần biên tập bộ Đại từ điển Việt - Nga.

Cả hai lần tôi hoàn toàn không có cảm giác xa lạ. Ngạc nhiên thì có. Chẳng hạn cái việc chưa thấy ở đâu như Thị trưởng Lujkov trao chìa khóa đền căn hộ cho những người đã đóng tiền mà mất nhà, vì công ty xây dựng nọ được chính quyền thành phố làm đủ thủ tục và cho phép huy động vốn xây chung cư để bán, đã phá sản, bộ sậu đã vào tù!

Vâng, nhiều điều đáng ngạc nhiên lắm. Nhưng cảm giác xa lạ thì dứt khoát là không. Tôi cứ như người đi xa lâu năm trở về nhà.

Tôi hiểu ra là nhờ ở đó, lần nào cũng vậy và có lẽ mãi mãi sẽ như vậy, vẫn có những người luôn chờ đợi tôi dẫu có bao nhiêu năm trôi qua đi nữa, sẵn sàng dang rộng hai cánh tay chào đón tôi, mừng đến chảy nước mắt.

Tôi có nhiều kỷ niệm không thể nào quên về đất nước và con người Nga đôn hậu, các thầy cô giáo và bạn học của tôi. Hãy xin kể trước về một người - Cô giáo Emma Xamoilovna Lam.

Năm 1989, tôi trở lại Nga sau 28 năm, theo chương trình trao đổi cán bộ khoa học giữa Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Moris Torez.

Đến Mátxcơva ngày 8/5, sớm mồng 9 - Ngày Chiến thắng Phát xít, tôi mua 10 bông cẩm chướng đỏ chói. Ngọc Tường, cậu giáo viên trẻ cùng đi, kêu lên: “Năm cái bàn là đấy, thầy ơi!” (Ngày ấy, người Việt Nam hay đo giá trị bằng thứ bàn là nặng trịch).

Tôi đáp: “Năm chứ 10 cái bàn là tớ cũng mua. Đến thăm cô giáo tiếng Nga đầu tiên đây”.

Năm 1954, khi dạy chúng tôi những từ tiếng Nga đầu tiên, cô Emma Lam vừa mới tốt nghiệp khoa tiếng Pháp Đại học Ngoại ngữ Moris Torez, còn trẻ măng. Người ta cử cô đến dạy bọn thiếu niên chúng tôi hẳn vì nghĩ bọn này từ Đông Dương thuộc Pháp sang, chắc phải thông thạo tiếng Pháp!

Khốn nỗi trong tròn 100 anh em chúng tôi chỉ có vài đứa võ vẽ dăm ba câu. Thế là cô với trò, ngôn ngữ bất đồng, không sách giáo khoa, không từ điển, không cả phiên dịch, bắt đầu cùng nhau đánh vật với cái ngữ pháp Nga đầy cách cú, cách chia rắc rối.

Vậy mà sau hai năm, tám chục anh chị em đã có thể trở về nước làm phiên dịch trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân đang khôi phục, hai chục người còn lại được nhập học Khoa ngữ văn, Đại học Sư phạm tại Moskva.

Lần ấy, sáng 9/5/1989, muốn dành cho cô sự bất ngờ, tôi không gọi điện trước, mặc dù ở Cục Địa chỉ, người ta cho tôi cả số điện thoại nhà riêng.

Tôi nhấn chuông. Trông thấy tôi, cô Emma sững người vài giây, chỉ gọi được đầy đủ tên tôi (sau 28 năm):Vu The Khoi. Rồi nghẹn lời, nước mắt cô trào ra.

Ôm vai tôi cùng vào nhà, cô nói: “Bao nhiêu sinh viên những năm ấy đã trở lại đây, có người vài ba lần, riêng em thì mất hút, cô nghĩ dại là em đã hy sinh. Cuộc chiến ác liệt thế”.

“Em không ngờ cô còn nhớ tên em đầy đủ”. “Quên sao được! Các em, tất cả, là những học sinh đặc biệt trong đời chúng tôi. Riêng em, “potrêmu-trka” (“đứa bé hay hỏi tại sao”), lại càng không thể quên, với những câu hỏi hiểm hóc về ngữ pháp, làm tôi khốn khổ đến phát khóc vì bất lực, không trả lời được”.

Cô trầm ngâm rồi nói một câu khiến tôi thấy buồn trong lòng: “Đa... vư đrughie vietnamtxư. Xêitras posli xovxem đrughie...” (Phải, các em là những người Việt Nam khác. Bây giờ họ hoàn toàn khác)... Tôi hỏi thăm về thầy hiệu trưởng Baras, các thầy cô khác (ngót hai chục người), hầu hết đã về hưu, nhiều người đã mất.

Cô cũng hỏi thăm nhiều trò cũ, gọi đầy đủ tên họ: Vũ Khoan, Nguyễn Minh Trí, Hồ Thể Lan, Hồ Huấn Nghiêm, Cao Thụy, v.v.

Cô nhớ chi tiết từng người. Có lẽ bởi những năm xa xưa ấy, các thầy cô không chỉ giảng dạy mà đã chăm sóc chúng tôi như cha mẹ lo lắng cho con cái.

Tôi nhắc lại chuyện khi lần đầu tiên thấy tuyết rơi, bọn chúng tôi, mới 13 - 14 tuổi, áo xống phong phanh chạy ra ngoài trời lạnh đến độ âm, hứng từng bông tuyết nhẹ nhàng đậu xuống lòng bàn tay và tan biến. Chúng tôi thích thú reo hò, còn các cô thì vừa hét vừa lao ra tóm những đứa bé nhất lôi nhanh vào nhà.

Cô cười đôn hậu: “Một lũ ngốc nghếch! Hôm sau em chả viêm họng đấy thôi”. Đúng thế, tôi sốt đến gần 40 độ, khiến cô vất vả, lo lắng, bỏ mặc cả đứa con gái xinh như búp bê mới 2 - 3 tuổi cho chồng để ở lại cùng cô y sĩ chăm sóc tôi. Và không phải chỉ một mình cô Emma đã xử sự như vậy...

Mãi 53 năm sau, 2007, chúng tôi mới làm được cái việc lẽ ra theo truyền thống văn hóa của dân tộc ta, phải làm từ lâu, là đền ơn đáp nghĩa: xin Nhà nước ta tặng Huy chương Hữu nghị cho các Thầy Cô và mời sang thăm Việt Nam.

Đến lúc này, thật đáng ân hận, các Thầy Cô của chúng tôi đã ra đi gần hết. Chỉ còn bảy cô giáo được nhận sự vinh danh của nhà nước ta và hai cô - cô Sophia 83 tuổi và cô Emma của tôi cũng bát tuần -  còn đủ sức khỏe vượt chặng đường ngót chục ngàn cây số, sang thăm đất nước mà các cô cùng các đồng nghiệp của mình mơ ước bao năm...

Tháng 7/2009, tôi trở lại làm từ điển Việt - Nga. Không như 20 năm trước, khi trong câu chuyện hàn huyên với tôi, chốc chốc cô Emma lại chợt đăm chiêu, trăn trở “Không biết rồi đây sẽ ra sao, chúng tôi, những người đã lao động cống hiến suốt một đời sẽ sống bằng gì?”, lần này cô giáo già của tôi luôn tươi cười, hồ hởi.

Cô không còn phải lúng túng đến tội nghiệp khi không biết kiếm đâu mấy khoanh bánh mì đen đãi học trò từ phương xa tới thăm, bàn tiệc của cô hôm nay không còn thiếu vật ngon của lạ nào của nước Nga.

Tôi cảm nhận rất rõ tâm trạng cô có gì đồng điệu với thi sĩ Nga Nikolai Rubtsov mà tôi rất yêu thích, người đã dự cảm những đổ vỡ và hồi sinh của nước Nga qua bài thơ dưới đây:

Sau giông tố

Tôi đã thấy đêm qua/ Thân bạch dương gẫy gập!/ Tả tơi bay cánh hoa!/ Sấm sét, mưa vùi dập,/ Gieo chết chóc, lệ nhòa/ Không ai hòng tránh được/ Đòn giáng tự cao xa!/ Sự đời này kỳ lạ/ Mà ngẫm thông thái sao:/ Trải sấm sét thương đau/ Để ban mai được đón/ Càng rạng rỡ sắc mầu!/ Xòe rẻ quạt vầng dương/ Bừng lên ánh nắng vàng/ Hoa đưa hương ngào ngạt,/ Hồ phả hơi rượi mát,/ Trong veo nước mênh mang!

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.