Vết cắt trong lòng nước Mỹ

21/10/2005 22:02 GMT+7

Người Mỹ không muốn nhớ đến nó. Họ cố quên, nhưng rồi nó vẫn hiện hữu, đau nhói trong những ngày dân Mỹ phải nhấp nhổm với con số thương vong đang tăng dần trên chiến trường Iraq. Đó là cuộc chiến tại Việt Nam, là bức tường tưởng niệm như một vết cắt sâu xuống mảnh đất Washington hoa lệ. 58.249 cái tên vẫn hiện hữu trên đó, song tất cả chủ nhân của nó đều đã đi về bên kia thế giới. "…bức tường này để tưởng niệm những người đã khuất và để chúng ta (nước Mỹ) mãi nhớ về nó…" - kiến trúc sư Maya Ying Lin đã nói như vậy khi thiết kế bức tường. Và Vietnam Veterans Memorial Wall được dựng lên ngày 13.11.1982 như một cách ghi nhận cái giá nước Mỹ phải trả cho cuộc chiến tại Việt Nam.

 

"Bức tường sẽ khiến người ta cảm nhận được cái giá của cuộc chiến và nó sẽ khiến người ta hiểu rằng cái giá đó phải trả bằng chính sinh mạng con người".

Jan Scruggs, người có sáng kiến vận động xây dựng bức tường

Tôi có ấn tượng mạnh về bức tường trong một lần truy cập internet. Đập vào ký ức tôi là hình ảnh một cựu chiến binh gục đầu vào bức tường, lặng lẽ hồi tưởng đến những người bạn bỏ mình trong cuộc chiến. Tôi cũng đọc bài viết của Pat Camunes, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Tam Kỳ tháng 4.1967. Bài viết có tựa đề A message from the other side như lời trần tình của một người lính bên kia thế giới, cảm được nỗi đau của người thân phía bên kia bức tường, để rồi thổn thức: "Tôi chỉ cầu nguyện rằng những người phía bên kia bức tường đã học được vài điều gì đó, để những bức tường như thế này không cần thiết phải dựng nó lên".

 

"Nhưng thế nào rồi người dân Mỹ cũng sẽ có thêm một bức tường nữa, về Iraq" - Joe Howell, đồng nghiệp đang làm việc cho tờ Knoxville Sentinel News, thú thật sau khi "lỡ miệng" hỏi sáng nay tôi đi đâu. Chủ nhật, trời Washington DC thật đẹp, khác hẳn với một tuần lễ trước không hề thấy ánh nắng mặt trời, lạnh cóng. Đi bộ, lướt qua khu Lincoln Memorial là bức tường đá granite đen bóng, hình chữ V. Bức tường cứ trải dài dọc đại lộ Contistution như vết cắt găm vào lòng nước Mỹ.

 

Hàng ngàn người đủ mọi lứa tuổi từ từ, lặng lẽ đổ về đây. Họ cặm cụi tra cứu những cuốn sổ dày gấp hai lần quyển tự điển, lật những trang giấy được ép plastic cẩn thận, tìm vị trí người thân của mình. Bức tường chọn điểm giao của 2 nhánh chữ V là điểm mốc để "thi triển" về hai phía đông - tây. "Đây, binh sĩ Mỹ thiệt mạng đầu tiên tại Việt Nam, bắt đầu về phía đông là Dale R.Buis, tử trận tại Biên Hòa năm 1959" - Betty Henry, một tình nguyện viên hướng dẫn nói. "Tại sao chị tình nguyện làm việc này?". "Vâng, chồng tôi chết trận ở Việt Nam. Hai người bạn thân khác của tôi cũng vậy. Tôi hiểu hơn ai hết nỗi đau của những cựu chiến binh và thân nhân những người đã mất. Tôi đến đây để hướng dẫn và an ủi họ".

 

"Anh tìm hộ xem ông anh tôi ở đâu ?" - một người đàn ông khác, trạc 50 tuổi, chìa tay cho một tình nguyện viên nam. Trên tay ông ta đeo một cái vòng inox, khắc rõ tên, năm sinh, đơn vị, đầy đủ số liệu của một cái thẻ bài.

 

"Vâng, William Lyhon, tiểu đoàn... sư bộ binh... chết trận ngày... tháng... năm... tại... Anh có thể đến E.48". Người đàn ông nhanh nhẹn trả lời sau khi chấm chấm vài nét vào cái note book nhỏ. E.48 là "địa chỉ" của anh lính tên William, tức ô thứ 48 trên bức tường phía đông.

 

Nhiều cựu binh muốn được đến và được đứng cạnh bức tường này để hồi tưởng. Song phần đông trong số họ không đến được, vì nhiều lý do, quan trọng nhất là vì tài chính. Tôi gặp một nhóm 4 cựu chiến binh, tham chiến tại Việt Nam trong giai đoạn 1968 - 1969, đang đứng cạnh bức tường. Cả bốn đang sống ở Virginia và chưa một ai trở lại Việt Nam, dù rất muốn.

 

"Tôi rất muốn đi, nhưng phải tốn nhiều tiền lắm" - Alan J.Richardson, cựu chiến binh Mỹ từng đóng tại Đà Nẵng cho biết - "Một số cựu chiến binh bạn tôi đã trở lại thăm Việt Nam. Họ về bảo rằng đất nước các bạn đã thay đổi nhiều lắm. Tôi nghe cũng rất muốn xem Việt Nam bây giờ thay đổi ra sao. Ngày trước, có khi đi đường chúng tôi còn gặp cả cọp".

Đối với những cựu chiến binh này, đến được Washington DC, sờ vào bức tường đã là cả một vấn đề, đó là một thực tế. Virginia nơi họ ở, mức thu nhập tối thiểu hằng tháng của một lao động tại đây, sau khi trừ tiền an sinh xã hội và bảo hiểm y tế, chỉ khoảng 820 USD. Số tiền này không đủ để thuê một một phòng ngủ tại Washington DC chứ đừng nói đến chuyện du lịch đến Việt Nam. Ở các công viên, gầm cầu đây đó ở đây vẫn nhan nhản người vô gia cư. "Tôi không hiểu tại sao chính phủ có thể đổ ra hàng trăm tỉ đô la vào cuộc chiến Iraq, nhưng lại không thể lo cho họ được" - Joe trả lời thắc mắc của tôi bằng một câu hỏi, và tiếp: "Rồi thế nào họ cũng sẽ đổ tiền để xây thêm một bức tường nữa cho mà xem".

 


Bao giờ cậu bé sẽ hiểu?... Ảnh: N.T

Theo bước chân người đàn ông nọ, về phía đông, rảo bước qua những dòng người, những nhóm nhỏ gia đình 2, 3 hoặc 4 người lặng lẽ, lần tay trên bức tường tìm tên người thân. Tìm được rồi, cả nhóm chụm đầu nhìn, ve vuốt và rút ra một tờ giấy, một cây bút chì, chà tên. "Ai vậy mẹ ?" một cậu bé quãng 8 tuổi hỏi. "Ông nội đó con!". "Ông đâu rồi mẹ ?". "Ông mất ở Việt Nam". "Việt Nam ?" - thằng bé lặp đi lặp lại. Cái tên Việt Nam nghe có vẻ lạ với nó. Bởi với thế hệ của nó, chiến tranh tại Việt Nam như là một trang sử thời cổ đại. Nhưng ở bậc trung học, học sinh Mỹ vẫn nhận thức được điều gì xảy ra hơn 30 năm về trước. Hai cô gái, một trỏ tay, một khuỵu gối chà tên người thân trên tường. "Người thân của em à ?" - tôi hỏi. "Vâng, anh họ của mẹ em". "Tụi em đang học ở đây à ?". "Không, em đến từ Florida. Mẹ em không có dịp lên đây nên dặn em đến đây, chà cho mẹ cái tên". "Để làm gì ?". "Em không biết, em nghĩ mẹ em muốn làm kỷ niệm".

Ngọc Thịnh

(từ Washington DC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.