Sân khấu Hàn Quốc vươn ra thế giới

15/09/2007 22:40 GMT+7

m nhạc, phim truyền hình, điện ảnh... Hàn Quốc từ nhiều năm nay đã tạo nên làn sóng văn hóa Hàn tại nhiều quốc gia trên thế giới, giờ đây dường như lĩnh vực sân khấu Hàn cũng không muốn chậm chân. Ngay từ năm ngoái, sân khấu Hàn đã chuẩn bị cho bước nhảy ra thế giới bằng những vở diễn đầy tham vọng.

Năm 2003, khán giả Việt Nam cùng hơn 50 quốc gia khác từng lên cơn sốt với bộ phim truyền hình Nàng  Dae Jang – geum của Hàn Quốc thì tháng 5 năm nay, cuộc đời nàng  Dae Jang – geum một lần nữa được tái hiện trên sân khấu bằng vở nhạc kịch cùng tên của Nhà hát nghệ thuật Seoul. Mất 4 năm để chuyển thể từ hơn 50 tập phim thành vở nhạc kịch 2 giờ 20 phút trên sân khấu, nhưng những người làm sân khấu Hàn Quốc có một mục đích rất rõ ràng: Khơi dậy làn sóng văn hóa Hàn và quảng bá nhạc kịch Hàn Quốc ra thế giới. Tháng 4 và tháng 5 năm tới, người Hàn sẽ đưa vở nhạc kịch Nàng Dae Jang – geum đến trình diễn tại Nhà hát thế kỷ Bắc Kinh của Trung Quốc trong dịp tổ chức Thế vận hội 2008 tại đây. 

Trước đó, tháng 9.2006, Nhà hát quốc gia Hàn Quốc cũng đã cho ra đời một vở ca kịch Cheong - một vở diễn được xem là “thương hiệu Hàn Quốc” - với hy vọng chứng tỏ sân khấu Hàn trên trường quốc tế. Cheong có nội dung là câu chuyện dân gian về lòng hiếu đạo, được chuyển thể từ thể loại pansori - một thể loại kịch hát truyền thống Hàn Quốc gồm một nhạc công đánh trống và một nghệ sĩ hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau để kể những câu chuyện. Làm cách nào một câu chuyện dân gian Hàn Quốc về chữ Hiếu sẽ không làm nhàm chán người xem? Chìa khóa của người Hàn chính là âm nhạc! Một dàn  nhạc giao hưởng trên 40 người kết hợp các nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc như đàn tranh gaya, sáo daegeum, hải cầm, đàn nhị... 

sẽ làm cảm xúc khán giả thăng hoa hơn với câu chuyện. Lý do để người Hàn kỳ vọng Cheong sẽ mang thương hiệu Hàn Quốc đến với sân khấu quốc tế là vì vở có nội dung về chữ Hiếu – một giá trị đạo đức nền tảng của văn hóa Hàn, kết hợp với âm nhạc Hàn Quốc và âm nhạc Tây Phương tạo nên một sự giao thoa văn hóa Đông-Tây. Tháng 9 này, vở Cheong sẽ ra mắt với khán giả Trung Quốc. 

Mùa xuân sang năm, Cheong tiếp tục “thử lửa” tại Đức, Mỹ, Nhật Bản...

Những bóng râm nhảy múa – vở nhạc kịch vừa ra mắt tại Nhà hát quốc gia Seoul tháng 6 năm nay là vở diễn có quá trình chuẩn bị từ năm 1999, kinh phí dựng vở ngốn tới 5 tỉ won (khoảng hơn 5 triệu USD). Vở nhạc kịch được chuyển thể từ nguyên tác Cháy rừng của đạo diễn - nhà viết kịch nổi tiếng Cha Beom-seok, một vở kịch được xem là tiêu biểu cho thể loại kịch hiện thực của Hàn Quốc. Bối cảnh của Cháy rừng là cuộc chiến Triều Tiên (1950 - 1953), khắc họa những giá trị về tình yêu, khát vọng, sự phi lý của chiến tranh, cũng như nỗi đau đớn về khả năng tự hủy diệt của con người trong một câu chuyện mà các nhân vật chính đều chết. Cháy rừng từng được chuyển thể thành ca vũ kịch, phim nhựa.   

Chuyển thể một tác phẩm nổi tiếng như vậy, ngay từ đầu nhà sản xuất đã đặt mục tiêu quảng bá Những bóng râm nhảy múa ra thế giới. Điều đó thật không dễ chỉ với các nghệ sĩ Hàn là có thể làm được, họ cần sự bắt tay hợp tác của các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.  Nhà văn Chi Lê Ariel Dorfman chịu trách nhiệm chuyển thể, nhạc sĩ người Anh Eric Woolfson (nổi tiếng với vở nhạc kịch Gambler) đảm đương phần soạn nhạc, tổng đạo diễn là Paul  Garrington - đạo diễn của vở nhạc kịch nổi tiếng Mamamia của Sân khấu  Broadway (Mỹ). Lúc đầu cũng có ý kiến e ngại rằng chủ đề có phần nặng nề quá, nhưng Paul Garrington cảnh báo rằng một vở diễn muốn thu hút khán giả lâu dài, lại có tính toàn cầu luôn cần một nội dung có sức nặng như vậy. Cũng như, khi chuyển thể nhà văn Ariel Dorfman đã giảm nhẹ màu sắc bản địa để hướng câu chuyện của Những bóng râm nhảy múa mang tính nhân loại hơn. Điều đó được thông qua vì câu chuyện của Hàn Quốc giờ đây đã là câu chuyện của thế giới. Người Hàn Quốc nghĩ vậy.

Quang Thi (từ Seoul)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.