Không xử án treo với tội tham nhũng

13/09/2005 22:59 GMT+7

Đó là một trong những điểm được đa số thống nhất tại Hội nghị góp ý dự luật phòng, chống tham nhũng, do UB MTTQ TP.HCM tổ chức hôm qua 13.9.

Dự luật đưa ra hai phương án về phạm vi điều chỉnh: Phương án 1, chỉ điều chỉnh những hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn thuộc khu vực nhà nước; phương án 2, bao gồm cả những người thuộc khu vực ngoài nhà nước. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất chọn phương án 1. "Tham nhũng là hành vi chỉ có cán bộ, công chức trong khu vực nhà nước mới có điều kiện thực hiện" - Luật sư Nguyễn Hữu Danh phân tích. Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương Trần Trọng Tân đề nghị mở rộng thêm cả những người trong các cơ quan có sử dụng tài sản nhà nước, vì "tiền của nhân dân, anh tham nhũng là phải xử". Đại diện Hội Doanh nghiệp TP.HCM tán đồng và đề nghị những trường hợp không phạm tội nhưng bao che cho người phạm tội nào phải xử như người phạm tội đó. Ông này cũng đề nghị khi xử tội tham nhũng không áp dụng điều 46-47 trong Bộ luật Hình sự (những tình tiết giảm án); không xử án treo, vì "anh có thân nhân tốt mới được bố trí vào những chức vụ đó". Ông Nguyễn Văn Thuyền, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM, đồng tình với việc phải xử nặng tội tham nhũng, vì cho rằng, "tham nhũng là tội phạm hình sự đặc biệt, là tội trọng án, phải xét xử khởi đầu ở cấp tỉnh, thành phố", đồng thời kiến nghị cần quy định cụ thể: Đã có dấu hiệu phạm tội thì phải đình chỉ ngay chức vụ, nhiệm vụ; không được xử lý kỷ luật nội bộ. Các cơ quan nhà nước không được tuyển dụng, hợp đồng người có án tham nhũng vào làm việc. Người có án tham nhũng khi thi hành án không được giảm quá 1/3 thời gian án tù. Khi điều tra phải phong tỏa tất cả tài sản cá nhân, không được miễn tội hình sự vì đã trả lại tiền... "Tham nhũng để lấy tiền, cho nộp tiền để miễn tội hình sự thì hóa ra có tiền rồi muốn gì cũng được à?" - ông Thuyền đặt vấn đề.

Một vấn đề khác được các đại biểu nhất trí cao là cần có một ủy ban phòng, chống tham nhũng. Nhưng ủy ban này thuộc cơ quan nào thì lại có những ý kiến khác nhau. Luật gia Hoàng Trung Tiếu đề nghị ủy ban này nên ở 2 cấp, trung ương và các tỉnh, thành, nhưng do Quốc hội hoặc HĐND bầu, không nên giao cho Chính phủ. "Tham nhũng, hối lộ thường ở cơ quan hành pháp và tư pháp, rất ít thấy ở cơ quan lập pháp. Rất nhiều vị năm 1975 vào tiếp quản thành phố cùng chúng tôi, cũng hai bàn tay trắng, giờ giữ một số chức trách trong chính quyền đều 5-7 nhà lầu, con cái tỉ phú cả. Không tham nhũng, sao không phổ biến cách làm giàu cho nhân dân đi?" - ông Tiếu bức xúc. Nhiều ý kiến đồng tình với ông Tiếu. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng ủy ban này nên thuộc Chính phủ. "Ủy ban chống tham nhũng nên giao cho Chính phủ, do Thủ tướng chỉ đạo mới có bộ máy, chứ Quốc hội chỉ giám sát thôi. Tôi nhớ đoàn đại biểu QH TP.HCM hằng năm đều thống kê trong số các đơn thư gửi đi chỉ có 20% trả lời lại" - giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn phân tích. Cũng trong phát biểu của mình, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn có quan điểm hơi khác luật gia Hoàng Trung Tiếu về quy định kê khai tài sản: "Chỉ nên kê khai tài sản của vợ. Còn những người con có thể có cách làm ăn riêng, sao lại bắt kê khai?". Trước đó, luật gia Hoàng Trung Tiếu cho rằng đề nghị người có chức vụ phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ, con...

Trách nhiệm của các cơ quan giám sát cũng được thảo luận nhiều, đặc biệt là vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng. Các đại biểu đều khẳng định báo chí có vai trò rất quan trọng trong chống tham nhũng, nhưng quy định trong dự luật lại chưa khuyến khích các cơ quan này phát huy. "Quy định ở điều 10 là "Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan..." mang tính răn đe hơn là khuyến khích báo chí" - luật sư Nguyễn Hữu Danh nói và phân tích: "Trong gợi ý góp ý luật, quyền thẩm tra, xác minh về các vụ tham nhũng còn chưa ngã ngũ thì việc buộc phải thông tin chính xác là không công bằng". Ông Danh đề nghị cần mở rộng quyền cho báo chí: "Ít ra là quyền thẩm tra, xác minh về vụ việc; giữ bí mật nguồn thông tin; quyền công bố, đưa tin về kết quả xác minh; được cơ quan CSĐT, an ninh xem là tin báo tội phạm và cơ quan điều tra phải báo cáo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan báo chí đã đưa tin...". Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị luật cần quy định cụ thể khi cơ quan báo chí yêu cầu, trong một khoảng thời gian nhất định các cơ quan, đơn vị được yêu cầu phải trả lời, nếu không sẽ bị xử lý kỷ luật, chứ  không nêu chung chung như trong dự luật, để rồi những cơ quan này "trả lời cũng được, không cũng chả sao"...

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.