15% bệnh nhân tiêu chảy cấp nhiễm khuẩn tả

06/11/2007 23:58 GMT+7

* Thanh Hóa: Bệnh nhân tăng nhanh * Nghệ An: 2 trường hợp tử vong nghi mắc tiêu chảy cấp

"Mặc dù số bệnh nhân nhập viện có xu hướng giảm, nhưng nguồn lây nhiễm phức tạp hơn. Nguồn bệnh không chỉ ở thức ăn nguy cơ cao như mắm tôm, lòng lợn tiết canh mà còn từ một số thực phẩm chế biến. Vì vậy không thể chủ quan. Đây là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó, có khoảng 15% bệnh nhân nhiễm phẩy khuẩn tả. Người dân cần tăng cường phòng bệnh, hiện an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa thể kiểm soát được triệt để" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều 6.11.

Theo Ban chỉ đạo, số ca mắc từ đầu vụ dịch đến nay được chính thức báo cáo là 855 ca, trong đó 152 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Tình trạng quá tải hiện vẫn diễn ra tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Tại đây, số bệnh nhân đã lên đến 333 ca và đã có 5 bệnh nhân suy thận. Theo Viện trưởng, PGS-TS Nguyễn Đức Hiền, cần nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị tại tuyến. Chẳng hạn như một địa phương thông báo có một ca nặng, đề nghị cấp cứu, nhưng khi bác sĩ của Viện xuống thì phát hiện đây là bệnh nhân thủng dạ dày. Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức thông báo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân là phụ nữ mang thai mắc tiêu chảy cấp, để họ vừa được điều trị bệnh, vừa được chăm sóc thai đầy đủ.

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lo ngại: miền Trung đang có lũ lụt, nên nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn, mặc dù miền Bắc có thể giảm nếu việc chống dịch làm quyết liệt. Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn tiếp tục khuyến cáo về khả năng lây lan rất nhanh của vi khuẩn. Nếu chất thải của bệnh nhân không được xử lý nghiêm ngặt, có thể chỉ trong vòng 5-6 tiếng đã có thể lây sang người thứ 2-3. Dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Vĩnh Phúc, Hà Tây. Một ca dương tính với vi khuẩn ở bệnh nhi 20 tháng tuổi cũng đã được xác nhận. Cháu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Trước nhập viện, bệnh nhân không đi nhà trẻ, được trông tại gia đình. Nhiều khả năng, cháu bị nhiễm qua tiếp xúc thực phẩm ô nhiễm, bàn tay bẩn.

* Chiều qua 6.11, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết: tính đến cuối chiều ngày 6.11, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 40 bệnh nhân ở các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc và thành phố Thanh Hóa phải nhập viện do tiêu chảy, trong đó có 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ông Ngư cũng cho biết thêm, tình hình bệnh nhân tiêu chảy đang có chiều hướng tăng nhanh, vì vậy ngành y tế Thanh Hóa đang huy động tất cả các lực lượng có thể để tiến hành phòng chống và dập dịch.

* Liên quan đến dịch tiêu chảy cấp, tại Nghệ An, tính đến chiều qua 6.11 đã có 22 trường hợp mắc bệnh, ngoài ra còn có 2 trường hợp đã tử vong nghi bị mắc bệnh tiêu chảy cấp. Cả hai trường hợp này sau khi mắc các triệu chứng như nôn, đau bụng và tiêu chảy, đã tử vong tại nhà vào ngày 5.11. Chiều tối qua, sau khi cùng Thanh tra Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng đến kiểm tra, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An Phạm Văn Thanh cho biết, trường hợp tử vong ở xã Nam Nghĩa theo nhận định ban đầu là do xuất huyết đường tiêu hóa dựa vào triệu chứng nôn và đi cầu ra máu của bệnh nhân. Trường hợp ở xã Nam Hưng theo gia đình cho biết ngày 1.11, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng và tiêu chảy. Ngày 4 và 5.11, các triệu chứng trên giảm, bệnh nhân ăn được ít cháo và cam, sau đó nôn ói, suy kiệt và tử vong khi vừa được đưa đến trạm y tế xã. Cũng theo ông Thanh, việc xác định nguyên nhân tử vong gặp khó khăn do không lấy được mẫu bệnh phẩm. Ngành y tế đang tiếp tục tiến hành các xét nghiệm để xác định nguyên nhân tử vong của hai trường hợp nói trên.

* Chiều qua 6.11, Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới đã triển khai tập huấn phòng chống, chữa trị bệnh tiêu chảy cấp cho bác sĩ của tất cả các BV trên địa bàn TP.HCM. Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền - Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh tiêu chảy cấp từng gây ra những đợt đại dịch lớn. Tại buổi tập huấn, bác sĩ Phan Văn Báu - Phó giám đốc Sở Y tế đã yêu cầu các BV quận huyện trong những ngày tới phải tổ chức tập huấn cho bác sĩ các phòng mạch tư, để các bác sĩ biết phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh tiêu chảy cấp, kịp thời cách ly, tránh làm lây lan bệnh. Sở Y tế cũng cho biết bệnh nhân bị bệnh tiêu chảy cấp sẽ được miễn 100% tiền viện phí điều trị.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong những ngày qua, tại TP.HCM có 51 trường hợp bị tiêu chảy, nhưng qua kiểm tra, thì các trường hợp này là tiêu chảy thông thường, chưa thấy có biểu hiện liên quan đến dịch bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, có một trường hợp bệnh nhân 78 tuổi, ngụ ở Q.Gò Vấp, bị nôn ói, tiêu chảy nhập viện điều trị tại BV Nhân dân Gia Định sáng 5.11, rồi tử vong trong buổi sáng cùng ngày. Qua xét nghiệm, không thấy hiện diện phẩy khuẩn tả ở bệnh nhân này. Nhưng, để phòng bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Q.Gò Vấp thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường tại nhà bệnh nhân trên, đồng thời tiếp tục theo dõi và giám sát tình hình bệnh tại khu vực bệnh nhân sinh sống.

Liên Châu - Ngọc Minh - Khánh Hoan - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.