Phê bình học sinh hư như thế nào?

04/11/2005 21:28 GMT+7

Ngày 30.9.2005, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Báo Thanh Niên đã nhận được một số thư của bạn đọc đóng góp ý kiến về khoản 2 điều 15 của quy định này.

Khoản 2 điều 15 về trách nhiệm của giáo viên phụ trách lớp nêu rõ: "Giáo viên phụ trách lớp chịu trách nhiệm thông báo kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm, xếp loại học lực của từng học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ và ghi đủ vào các loại hồ sơ quản lý học sinh theo quy định. Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của từng học sinh". Trong lá thư gửi Thanh Niên, bạn đọc Lưu Ly (Phú Thọ) viết: "Chúng ta, những người lớn không nói cho các cháu biết những điều xấu của các cháu thì làm sao sửa được những tật xấu đó? Đành rằng không thông báo trước lớp để tránh tổn thương cho các cháu nhưng phải thông báo cho cha mẹ học sinh những điều chưa tốt của các cháu để họ còn khuyên bảo con em mình. Không nên làm ngơ trước những tật xấu của trẻ. Ca dao xưa có câu “dạy con từ thuở còn thơ” là dạy con chứ không phải "nịnh" con".

Do quy định quá "ngắn gọn" nên còn có ý kiến băn khoăn cho rằng quy định chưa xác đáng và một chiều. Mặc dù các sở GD-ĐT đã tổ chức hướng dẫn cho các trường tiểu học nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, vẫn còn không ít trường không nắm được tinh thần của quy định này. Có trường cho rằng quy định "cấm" các trường phê bình học sinh. Thật ra, tinh thần quy định phải được hiểu như cô giáo Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (Hà Nội) thì thỏa đáng hơn: "Quy định tại khoản 2 phải được hiểu ở cấp độ xử lý của giáo viên chủ nhiệm. Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp học sinh những điều chưa tốt của từng học sinh không có nghĩa là không được phê bình học sinh, nhưng không xúc phạm nặng nề học sinh trước mặt tập thể khiến các em phải xấu hổ. Giáo viên chủ nhiệm nên gặp riêng những học sinh chưa ngoan, phê bình nhẹ nhàng để học sinh có hướng sửa sai. Trong các buổi họp phụ huynh, chúng tôi nhắc nhở các giáo viên đưa ra những tiêu chí chung của trường, của lớp để phụ huynh biết được mức độ đạt được của con em mình. Những em có thành tích tốt phải biểu dương để các bậc phụ huynh biết. Tôi ủng hộ quan điểm giáo viên nên gặp riêng phụ huynh có con em hư, nếu phê bình trực tiếp trong buổi họp phụ huynh sẽ phản tác dụng".

Trao đổi với Thanh Niên, bà Đặng Huỳnh Mai - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Đưa nội dung "Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điều chưa tốt của từng học sinh" vào quy định là hết sức cần thiết. Lứa tuổi các cháu tiểu học còn nhỏ, và lần đầu tiên các cháu bước chân vào môi trường phổ thông, nếu giáo viên không có phương pháp giáo dục thích hợp mà lại phê bình, mạt sát các cháu trước tập thể lớp, sẽ gây ra những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn các cháu, và vết thương đó còn để lại "di chứng" trong cả cuộc đời các cháu sau này. Việc giáo viên phê bình và nêu tên những học sinh hư trong các buổi họp phụ huynh là không nên. Rất nhiều phụ huynh do cảm thấy "xấu hổ" đã đánh đập, mắng mỏ con em mình. Theo tôi, với học sinh tiểu học, giáo viên và phụ huynh phải tìm ra những mặt mạnh của trẻ để khuyến khích trẻ phát huy tính sáng tạo, tự tin trong quá trình học tập. Nếu trẻ mắc khuyết điểm, cần nhẹ nhàng giúp trẻ nhận ra lỗi của chúng".

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.