Lắm ca tử vong oan!

15/11/2010 09:37 GMT+7

Nếu xây dựng được đội ngũ cộng tác viên và trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường thì mỗi năm VN có thể giảm được 10% số người chết do tai nạn giao thông, tương ứng với 1.000 nạn nhân.

Tại hội thảo quốc tế về cấp cứu trước bệnh viện (BV) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, một lần nữa thực trạng đáng buồn về mạng lưới sơ cứu, cấp cứu trong cả nước lại được các thầy thuốc trong nước và quốc tế thảo luận.

Ít nạn nhân được sơ cứu
 
Theo GS Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc VN, cấp cứu trước BV là khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất nhưng ngược lại thì chi phí sẽ đội lên hàng trăm lần, thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp gãy cột sống cổ, gãy khung xương chậu hoặc tử vong do những người vận chuyển đã không làm đúng cách trong lúc đưa nạn nhân lên cáng, lên ô tô...
 
TS Đặng Văn Chính, Giám đốc BV Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết trong năm 2009 và 9 tháng đầu năm 2010, Khoa Cấp cứu của BV này tiếp nhận gần 96.000 trường hợp thì 95% do người dân tự chuyển đến bằng các phương tiện như taxi, xe máy... Tại BV Nhi Trung ương, hằng tháng tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhi cấp cứu và 0,3% trong số này đã tử vong do xử trí ban đầu không đúng cách.
 
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Cấp cứu BV Việt Đức, cho biết trung bình mỗi ngày BV này tiếp nhận trên 100 ca cấp cứu các loại, hơn 70% nạn nhân do tai nạn giao thông và trong số này chỉ 5%-10% được sơ cứu tại chỗ. Rất ít nạn nhân được chuyển đến bằng xe cấp cứu mà chủ yếu bằng xe máy, xe tải, xe buýt. Nhiều trường hợp do không được xử lý cấp cứu ban đầu kịp thời, đúng cách nên khi chuyển tới BV thì tính mạng đã nguy kịch. Nhiều trường hợp dù đã được cứu sống nhưng phải mang thương tật cả đời.
 
“Xe máy là phương tiện vận chuyển không an toàn đối với bệnh nhân bị tổn thương vùng cột sống, nhất là cột sống cổ. Nếu trước khi đưa đi cấp cứu mà không được sơ cứu đúng cách sẽ khiến tình trạng chấn thương thêm trầm trọng”- bác sĩ Vinh lưu ý.      
 
Hệ thống cấp cứu quá mỏng
 
Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do hệ thống vận chuyển cấp cứu trong cả nước còn nghèo nàn, phần lớn các địa phương không có trung tâm điều hành đáp ứng cấp cứu và tai nạn.
 
Ngay tại Hà Nội, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% tổng số yêu cầu. Hầu hết trạm y tế xã không có phương tiện vận chuyển bệnh nhân cũng như các phương tiện chẩn đoán tối thiểu như máy X-quang, xe cấp cứu... Đội ngũ làm công tác cấp cứu tại tuyến cơ sở còn mỏng, chưa được đào tạo đầy đủ, cập nhật thường xuyên kiến thức về cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu chấn thương.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh việc cấp cứu trong 15 phút đầu được gọi là “thời gian kim cương”, cấp cứu trong 30 phút được gọi là “thời gian vàng”. “Nâng cao hơn nữa năng lực đáp ứng sơ, cấp cứu bệnh nhân nhằm giảm tối đa tỉ lệ tử vong và các di chứng là hết sức cần thiết”- ông Triệu chia sẻ.
 
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm VN có từ 11.000-12.000 trường hợp tử vong do tai nạn. Các chuyên gia cho rằng nếu xây dựng và huấn luyện được kiến thức cấp cứu cho một đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ, cấp cứu dọc các tuyến đường thì mỗi năm VN có thể giảm được 10% số người bị chết do tai nạn giao thông, tương ứng với khoảng 1.000 nạn nhân.

50% trường hợp được sơ cứu sai kỹ thuật

Điều tra của Bộ Y tế về thực trạng sơ, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu tại VN cho thấy phần lớn các nạn nhân thường được những người xung quanh đưa vào viện bằng bất cứ phương tiện gì sẵn có và rất ít người được sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật. Cụ thể chỉ có 4% các ca tai nạn thương tích được đưa đến BV bằng xe cấp cứu; 52% không được cấp cứu ban đầu tại hiện trường; 55,36% chưa được sơ cứu trước khi đưa tới BV và chỉ có khoảng 5% - 10% được sơ cứu tại chỗ nhưng trong đó 50% là sai kỹ thuật và được vận chuyển bằng phương tiện không an toàn như xe máy, xe lôi... thậm chí cả xe đạp, xe tải.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.