Cạnh tranh từng giây

01/10/2005 19:47 GMT+7

Ngày 1/10, mặt bằng giá cước thị trường viễn thông, đặc biệt dịch vụ thông tin di động đã được thiết lập mới với xu hướng giảm xuống.

VinaPhone, MobiFone, ngoài cước thuê bao từ 80.000 đồng/tháng giảm xuống còn 60.000 đồng/tháng thì đơn vị tính cước cũng từ block 30 giây + 30 chuyển sang block 30 + 6. S-Fone cũng chuyển từ cách tính cước block 10 giây xuống block 6 giây. Viettel Mobile giữ nguyên cách tính cước block 6 giây, nhưng cũng giảm cước thuê bao... Người tiêu dùng hào hứng với cách tính cước mới này vì số tiền bỏ ra ít đi cho cùng một thời gian gọi. Chỉ mới cách đây 2 năm thôi, không ai nghĩ, cước di động lại giảm nhanh, giảm mạnh như thế. Nhất là đơn vị tính cước vẫn còn theo từng phút. Gọi lố 1 giây vẫn bị tính tiền 1 phút! Oan uổng, mất tiền nhưng vẫn phải chịu vì lúc đó thị trường chưa nhiều nhà cung cấp dịch vụ, chưa có tính cạnh tranh như bây giờ.

Cuộc cạnh tranh hiện nay không tính từng phút mà tính từng giây. Các doanh nghiệp viễn thông giành giật khách hàng nhau từng giây một. Điều đó cho thấy thời gian quan trọng như thế nào. Bài học này không chỉ trong lĩnh vực viễn thông mà còn cho tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác. Thế mà học thuộc điều này không phải dễ. Giữa tháng 8/2005, chuyện khoảng 350 tấn cá basa của các doanh nghiệp Việt Nam bị ách ở một vài bang ở Mỹ do phát hiện có dư chất flouroquinolones cũng cho thấy Bộ Thủy sản khá chậm chạp trong việc ban hành Quyết định 26/2005 (ngày 18/8/2005) công bố danh mục 11 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroqinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Chậm vài ngày, có nghĩa là cá basa Việt Nam sẽ  bơi chậm hơn cá các nước khác vào thị trường Mỹ. Việc cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, Việt kiều, doanh nghiệp trong nước cũng tương tự. Càng rút ngắn thời gian cấp phép, môi trường đầu tư càng hấp dẫn các doanh nghiệp, nguồn vốn đổ vào đất nước ngày càng nhiều...

Cánh cửa vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đang ở trước mắt. Bên cạnh những mặt tích cực, tham gia cơ chế thương mại toàn cầu WTO cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho nhiều doanh nghiệp. Đó là sức ép cạnh tranh để giành giật thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày càng lớn trên quy mô toàn cầu cũng như ngay chính trên thị trường nội địa. Môi trường cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần phải nhanh nhẹn hơn. Ông bà ta có câu: “Trâu chậm uống nước đục”.

Trần Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.