Trốn tránh cấp dưỡng nuôi con

15/11/2008 11:14 GMT+7

Cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn là nghĩa vụ mang tính bắt buộc, là lương tâm, là tình cảm của bậc làm cha mẹ. Vậy mà trong thực tế vẫn còn các trường hợp cố tình từ chối hoặc trốn tránh việc cấp dưỡng, gây thiệt thòi cho con trẻ

Qua tư vấn về thủ tục ly hôn, tôi có hỏi một số khách hàng là nữ giới, rằng tại sao không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con thì nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Có người bảo rằng họ đủ điều kiện về mặt tài chính nên không cần người cha chu cấp, có người lại nói ly hôn là họ muốn chấm dứt mọi chuyện, nhận cấp dưỡng nghĩa là người cha lại có dịp tới lui, phiền phức. Người khác lại bảo “Ối giời, lúc chung sống còn chẳng đưa cho vợ con xu nào, huống gì khi đã ly hôn, tốt nhất là thôi, đòi chi cho mang tiếng!”.

Khất tiền nuôi con

Chị Tươi, nhà ở quận Thủ Đức-TPHCM, kể: “Tôi có người bạn, khi ly hôn, tòa án quyết định để người mẹ nuôi con, còn người cha sẽ phải cấp dưỡng nuôi con 2 triệu đồng mỗi tháng. Vậy mà sau khi ly hôn, người cha cấp dưỡng được vài tháng, sau đó thì tháng có tháng không và cuối cùng thì bặt tăm luôn. Hơn một năm nay, bạn tôi phải gồng mình nuôi con”. Nhìn hoàn cảnh của bạn rồi đối chiếu với gia đình mình: Chồng làm thu nhập không ổn định, lại hay nhậu nhẹt, cờ bạc bê tha, hồi nào tới giờ cũng vô trách nhiệm với vợ con... nên chị Tươi quyết định không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng họ ly hôn.

Một chị tên Mai tâm sự: “Tôi thuận tình ly hôn với chồng, trong quyết định ly hôn ghi rõ giao đứa con hai tuổi cho tôi nuôi, người cha cấp dưỡng nuôi con đến khi trưởng thành, số tiền cấp dưỡng là 1 triệu đồng. Thế nhưng, sau ly hôn, ổng đã nhanh chóng kết hôn với người khác, rồi họ có con chung và quên bẵng việc cấp dưỡng nuôi con. Khi tôi làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thì ổng viện lý do cuộc sống khó khăn, không tiền chu cấp..., chán nản tôi bỏ luôn, không quan tâm đến số tiền đó nữa”. Như vậy, từ tâm lý “không yêu cầu cấp dưỡng” của nhiều cặp sau ly hôn, có thể thấy rằng đa số các trường hợp không hẳn là vì không đủ điều kiện, không cần tiền mà họ nhận thấy người cấp dưỡng dễ dàng từ chối hoặc trốn tránh và họ có 1.001 lý do khó khăn để dây dưa, khất dần.

Kiên trì áp dụng luật

Thật ra, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam có hẳn một định chế về cấp dưỡng, kèm các văn bản hướng dẫn thi hành, Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng có quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục và các biện pháp cưỡng chế thi hành cấp dưỡng; ngoài ra, còn có các biện pháp chế tài về hành chính, hình sự để bảo đảm thi hành án, thi hành việc cấp dưỡng nuôi con. Chị Hà, một giáo viên mầm non ở quận Bình Thạnh, có chồng là một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện ở TPHCM ý thức được rằng khi nhận nuôi đứa con trai bốn tuổi, một mình chị với đồng lương giáo viên, chị không thể nuôi nổi và khi ly hôn, chị đã yêu cầu tòa án giải quyết buộc người cha phải chu cấp nuôi con mỗi tháng 1,5 triệu đồng, tương đương với 30% mức lương của người cha. Tuy nhiên, đã quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của tòa án mà người cha vẫn không thi hành.

Thời gian sau đó, chị Hà phải nhiều lần đến cơ quan thi hành án để đôn đốc, hỏi thăm nhưng chấp hành viên bảo “trường hợp này rất khó, vì đương sự cố tình không thi hành...”. Nhận thấy đã 3 tháng trôi qua mà cơ quan thi hành án không có biện pháp nào đối với người phải thi hành án, chị Hà đã làm đơn khiếu nại gởi đến trưởng cơ quan thi hành án của quận, nhưng nơi đây lại bảo chị về chờ... Mãi đến khi chị gởi đơn khiếu nại lên cơ quan Thi hành án dân sự TP và VKSND quận, kèm đơn xác nhận có hoàn cảnh khó khăn thì cơ quan thi hành án mới tiến hành ra quyết định cưỡng chế bằng cách khấu trừ từ nguồn lương, thu nhập của người cha tại bệnh viện. Đến tháng 7-2008, chị Hà được cơ quan thi hành án mời lên chính thức nhận số tiền cấp dưỡng, sau 6 tháng kiên trì đeo bám cơ quan thi hành án.

Xử phạt theo quy định của pháp luật

- Khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước... (điều 37 Pháp lệnh Thi hành án dân sự).

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật (điều 12 Nghị định 87/2001/NĐ-CP).

- Người nào có cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (điều 152 Bộ Luật Hình sự).

Theo Người Lao Động/HUỲNH MINH VŨ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.