Mùa rác biển

03/11/2007 17:34 GMT+7

(TNO) Hàng cây số biển gần như không một bóng người. Thi thoảng, một bóng áo vàng cứu hộ đi nhặt những gì không rõ. Gỗ rừng to hơn vòng tay ôm dạt lên bờ. Lời đồn đoán đó là gỗ quý...

1. Ngày mùa đông, mưa từng cơn từ đỉnh trời hun hút. Đường “năm sao” Sơn Trà - Điện Ngọc gió hào hậy theo nhau cút bắt. Biển động như chưa từng. Tôi liên tưởng những quầng mây trắng toát trên ảnh vệ tinh từ ngoài khơi Philippines lừng lững tiến về phía biển Đông. Chợt thấy rất nhiều mảng đen dọc biển. Từng giề, từng giề từ bãi Furama đến tận bãi Phạm Văn Đồng.

Lẫn trong rác rều là những gốc cây rừng, những cành mì trơ gốc. Nhiều nhất là thân cây sặt, củi khô, lục bình. Lội chân trần xuống bãi, tôi mục kích những quả khế, gương sen đã thâm đen. Một nải chuối xanh, một bình nước tương Chinsu, một bóng đèn tròn, mấy chiếc dép nhựa... Hành trình của chúng có thể đã một tuần hoặc hơn. Từ nguồn về biển không phải gần. Từ khơi xa vào bờ cũng cả trăm hải lý. Thiên nhiên đang kỳ quặn nở. Động đất, sóng thần trên Ấn độ dương.

Rác rều dọc hàng cây số biển - Ảnh: Đ.N.K

Bão biển mùa cao điểm ở tây bắc Thái Bình Dương. Đã vậy, gió mùa Đông bắc từ biển nam Nhật Bản đang ùa về. Một khối gió màu vàng được châu u dự báo sẽ đổ bộ miền trung, miền nam Việt Nam trong tuần tới. Mưa sẽ tối trời, lụt sẽ trắng đất. Vì thế, những gì tôi đang chứng kiến chỉ là... chuyện nhỏ. Lũ rừng gây sạt lở, cuốn phăng nương nà từ núi xa về biển Mỹ Khê. Những dòng hải lưu mùa đông đầy sức mạnh, chúng không chỉ đẩy dạt vào bờ phế phẩm của các con tàu xuyên đại dương mà đôi khi có cả chân người nhái, những chiếc đồng hồ Rado lặn biển nhiều kim.

Bỗng thấy một tảng gỗ tròn, màu vàng nhạt, tôi ngờ ngợ có phải đó là kỳ nam hay đoạn trầm hương? Những người tôi gặp trên bãi chỉ lắc đầu, với họ tất cả đều chỉ giá trị ngang củi mục. Cả nhà ông Út Tư ở An Hải Đông kéo xe bò củi từ biển về nhà. “Cái chụm chừ, cái để dành mai mốt nấu bánh tét, bánh chưng”. Ông Tư nói, con gái ông thì nhặt mấy chiếc dép nhựa, mấy vỏ chai không bỏ vào giỏ xe honda, tháp tùng. Biển mùa đông nhiều vật lạ. Mấy thanh niên chạy xe gắn máy săn tìm những chú chim biển sa mưa. Vài đội viên cứu hộ lang thang nhặt những gốc rễ ra hình dáng. Họ chọn cái đẹp trong từng giề rác biển và kể chuyện lụt năm Thìn đầu thế kỷ 20 ở Huế, một cây dó bầu từ thượng nguồn sông Bồ trôi về tận kinh thành, đúng lúc hoàng hậu hạ sinh công chúa nên hoàng thượng đặt tên nàng là Trầm Hương. Sau này, công chúa làm dâu xứ Lào, lên ngôi hoàng hậu, dân chúng tôn xưng Bà Hoàng Nhân Hậu.

Gỗ thường hay gỗ quý? - Ảnh: Đ.N.K

2. Ở biển Mỹ Khê nhắc chuyện xứ Huế nghe cũng lạ nhưng sẽ không lạ khi biết rằng đa số người Đà Nẵng bây giờ nói giọng Huế pha.

Huế đang lụt lội. Đà Nẵng thì chưa nhưng Quảng Nam kế cận đang phập phồng báo động. Hôm giữa tuần, tôi làm chuyến “caravan” dọc quốc lộ 1. Từ Thanh Quít đến Núi Thành, nhiều đoạn nước trắng lăng. Lũ từ sông Tranh, Vu Gia, sông Nam, sông Bắc, sông Yên... đổ về hạ lưu ồng ộc. Những chân cầu Câu Lâu, Vĩnh Điện, Bà Rén, Lỗ Giáng... như thấp xuống. Mưa từng luồng, bao xóm làng xa mờ trong màn trời trắng xóa. Lúc đó tôi đâu biết rằng những đoạn cây rừng trên núi cao, những gương sen, nải chuối trong vườn nông dân miền ngược theo lũ về tận biển Mỹ Khê! Cuộc dịch chuyển của vạn vật thật không biết trước.

Ông bà nói vật đổi sao dời, thương hải biến vi tang điền có phải là đây? Như nhiều người Đà Nẵng, tôi có vài kỷ niệm với biển Mỹ Khê. Đôi khi hát “Nha Trang ngày về...” mà lòng nhớ bao bãi biển, nhớ những gương mặt đã mất hút trong đời. Giờ đây, biển sóng, biển gào. Lẫn trong từng con sóng từ bên kia bờ đại dương là bao rác rưởi. Song với người nghèo đó là nguồn chất đốt, nguồn ve chai, nguồn của cải có được từ biến động của thiên nhiên. Một đội viên cứu hộ khi còn là công an, từng làm công tác bảo vệ yếu nhân, nói: “Biển mùa đông vắng lắm nhưng là nguồn cơm áo của các nhóm ve chai đến từ bên kia cầu Đỏ. Tôi từng nhặt được chân người nhái, đồng hồ, mấy tấm ván trượt, chế thành phao cứu hộ...”. Nhưng bãi biển bị ô nhiễm thế này, làm sao? Anh nói như không: “Cái gì tự đến sẽ tự đi. Bà con ngư dân và nhiều nhóm khác sẽ lượm sạch. Sau mùa biển động, cái gì còn thì có công ty môi trường và chúng tôi lo”.

3. Việt Nam có hàng ngàn cây số biển. Khi chúng ta vào mùa đông lại là mùa du khách châu u đến trú đông. Từ tháng 10, những du thuyền vòng quanh thế giới, những chuyến bay liên lục địa sẽ đưa hàng chục ngàn du khách đến Viễn Đông. Với họ, miền nhiệt đới Việt Nam luôn ấm áp. Người Việt Nam thân thiện, nụ cười hiền luôn nở trên môi. Song, không thể để rác biển “tự đến tự đi”.

Cây rừng kêu cứu! - Ảnh: Đ.N.K

Ngay từ bây giờ, TP Đà Nẵng và nhiều địa phương có bờ biển khác cần có ngay phương án thu dọn vùng bờ. Bằng không nước biển sẽ bị ô nhiễm, các sinh vật bờ sẽ bị hủy hoại, những chú chim biển, những con đùa đùa và còng ngựa sẽ vắng bóng trên thềm biển cuối đông. Tất nhiên, trong cuộc tổng thu dọn ấy, nếu có nhà chuyên môn nào đó biết phân loại rác, thu thập những trái cây lạ, những gốc dáng đẹp, những lõi gỗ quý... thì nó sẽ trở thành ngày hội môi trường hằng năm.

Đà Nẵng, 3.11.2007.

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.