Nhà văn Xuân Thụ: Người theo chủ nghĩa tồn tại

14/11/2009 16:46 GMT+7

Nhà văn Trung Quốc Xuân Thụ là người được chọn là Gương mặt châu Á đại diện cho thế hệ 8X do tạp chí Time (Mỹ) ấn bản châu Á bình chọn năm 2004. Thanh Niên đã có dịp tâm tình với cô.

* 17 tuổi, tiểu thuyết đầu tay Búp bê Bắc Kinh của cô đã gây chấn động văn đàn, giới giáo dục, giới điện ảnh truyền hình... tại Trung Quốc, được xem là tiểu thuyết phản ánh lứa tuổi thanh xuân tàn khốc nhất Trung Quốc, thậm chí gây xôn xao dư luận ở Mỹ và nhiều nước khác. Xin cô nói rõ hơn về tác phẩm này.

-  Cuốn sách này được chú ý như vậy vì nó chân thực.

Đó chính là tự truyện của tôi, miêu tả những tình cảm gập ghềnh và quá trình sống đầy đau khổ của tôi từ năm 14-17 tuổi. Tên cuốn sách cũng là tên nick của tôi. Cuốn sách có đề cập tới lý tưởng, tình cảm, xã hội, gia đình, dục vọng, thế giới người lớn...qua mắt nhìn của người trẻ. Sau khi viết xong cuốn sách này, tôi có đưa cho một người bạn đọc. Anh ấy rất thích và giúp tôi tìm kiếm rất nhiều nhà xuất bản, nhưng nơi nào cũng lắc đầu. Phải mất một năm sau, cuốn sách mới được NXB Viễn Phương nhận lời in. Sau khi phát hành tại Trung Quốc hai tháng, cuốn sách đã bị cấm một thời gian, mặc dù nó đã được bán bản quyền ra hơn 20 quốc gia. Cũng may sau đó Búp bê Bắc Kinh lại được phát hành lại bình thường. Cá nhân tôi rất hài lòng về cuốn sách này.

* Tại sao cuốn sách lúc đó lại bị cấm?

- Hẳn do nhiều người cho rằng nó quá u tối, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Thậm chí có người còn cho rằng sách của tôi và tính cách phản nghịch của tôi khiến cả nước phải chấn động. Suốt một thời kỳ dài, tôi trở thành đề tài được tranh luận nhiều nhất, bị coi là đứa con gái hư điển hình, quá cởi mở, quá điên rồ... Nhưng tôi chỉ nói thật về tâm tư tình cảm, những thất vọng và bất lực của lớp người trẻ thế hệ mới đối với cuộc sống và xã hội.

 
Xuân Thụ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Tại sao cô lại bỏ học giữa chừng?

-  Tôi không phải là người quá cực đoan, nhưng cũng không phải là người quá truyền thống. Khi ở trường, tôi thấy mình rất cô độc. Tôi luôn có một mơ ước là thi đậu vào một trường đại học tốt nhưng lúc đó ở các trường bổ túc hoặc dạy nghề mà tôi theo học không được phép thi thẳng lên đại học nên tôi thấy tuyệt vọng, liền bỏ học luôn. Sau khi bỏ học, tôi sáng tác tự do, viết về những thứ mà mình thích.

* Các tác phẩm của cô thường miêu tả về các nhân vật nữ với thế giới tình cảm của họ. Cô có cho rằng mình rất hiểu họ?

- Đúng vậy, phần lớn sách của tôi đều miêu tả các nhân vật nữ vì cuộc sống, cách suy nghĩ của tôi gần với họ. Các nhân vật nam đều chỉ loáng thoáng, làm nền, không quan trọng. Tuy nhiên các nhân vật nữ của tôi được nhiều người cho rằng không điển hình vì phần lớn cũng điên rồ và bất cần. Thật ra trong các tác phẩm khác của tôi, tôi không hề viết về chính mình, cũng không bày tỏ thái độ của mình về tình yêu. Tôi đã bị tổn thương quá rồi nên không nhất thiết để lộ cho mọi người biết tôi bị tổn thương ra sao. 

* Từng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time ấn bản châu Á năm 2004, cô thấy sao khi được chọn là Gương mặt châu Á đại diện cho thế hệ 8X?

- Tôi nghĩ rằng từ “đại diện” thường đi liền với “trách nhiệm”, tôi chỉ có thể đại diện cho chính tôi mà thôi.

* Nếu để tự giới thiệu về mình, cô sẽ nói...?

-  Tôi là Xuân Thụ, tức cây mùa xuân. Tôi thích màu đỏ, thích xem phim, thích gần gũi với tự nhiên, thích hoang dã. Tôi là người mâu thuẫn, thích nông thôn nhưng cũng thích thành phố, nhất là Bắc Kinh và New York. Tôi chưa đi qua nhiều nơi. Nơi tôi hay ở nhất là nhà và tiệm net. Tôi bỏ học nhưng cuộc sống đã giáo dục tôi. Sáng tác thơ là niềm vui lớn của tôi, nó không kiếm được tiền nhưng cũng không tiêu tiền. Còn viết tiểu thuyết giống như những ngày tháng đã kết hôn, mang lại vô số cảm xúc buồn vui, đau đớn rất khác nhau. Tôi sáng tác vì tôi và vì những cô gái bị ruồng bỏ. Tôi không nhẫn tâm nhìn thấy những tâm hồn đau khổ. Tôi thích yêu những con người nỗ lực phấn đấu. Tôi là người theo chủ nghĩa tồn tại. Nếu chủ nghĩa tồn tại không phải là tín ngưỡng thì tôi không có tín ngưỡng.

* Xin cám ơn cô và chờ đợi các tác phẩm mới của cô. 

Trích blog của Xuân Thụ:

Thiên đường có xa không?

23.9.2009

Không xa. Người đã ở thiên đường, thiên đường làm sao mà xa nổi?

Tôi cứ ngỡ rằng khoảng cách xa nhất là khoảng cách từ Bắc Kinh tới New York. Giờ đây khi tôi đang ở dưới hầm ở Berlin lại phát hiện thấy khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải là khoảng cách từ A đến B, cũng không phải là khoảng cách từ A đến Z, mà là khoảng cách giữa tôi với tôi thực sự. Hoặc là khoảng cách giữa tôi và từng là tôi. Cũng có thể nói là khoảng cách giữa tôi với lý tưởng của tôi. Nửa đêm bị sốt, nhớ lại vô số chuyện cũ, vô số người cũ. Chúng cứ lướt qua như trong phim. Tôi chỉ cảm than số mệnh bất thường, và thấy cuộc đời thật là ngắn ngủi. Có quá nhiều nỗi khiếp sợ và bi thương. Tôi đã khóc rất thương tâm vì phát hiện thấy mình đã già và rất ngốc nghếch. Một mặt tôi lệnh cho mình phải vứt bỏ tất cả, một mặt lại bắt mình phải kiêu hãnh. Tôi hận chính mình. Nhưng tôi không muốn chết...

Xuân Thụ (phiên theo tiếng Anh: Chunsue)
Sinh năm 1983, người Bắc Kinh.
Nhà thơ, nhà văn tiêu biểu thế hệ 8X tại Trung Quốc.
17 tuổi: bắt đầu viết thơ, tham gia ban nhạc, làm phóng viên và biên tập cho báo và tạp chí.
Tháng 2.2004: Đoạt giải Tiên phong văn hóa mạng lần thứ 5 tại Trung Quốc
Tháng 2.2004: Nhân vật trang bìa của tạp chí Time (Mỹ).
Tháng 9.2004: Tham gia Liên hoan quốc tế thơ ca tại Na Uy.
Sở thích: nhạc rock, thơ ca, tiểu thuyết, phim ảnh.
Mục tiêu lớn nhất: gắn con người với thời đại.
Hiện cô đang học tập tại Mỹ.
Các tác phẩm tiêu biểu: Búp bê Bắc Kinh, Niềm vui giữa ngày, Ngẩng đầu nhìn sao Bắc Đẩu, Sáng tác trong bóng tối, Đứa con đỏ, Tuyển tập Xuân Thụ 4 năm, Hai số mệnh... Búp bê Bắc Kinh đã được bán bản quyền trên 20 quốc gia và khu vực: Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý, Phần Lan, Na Uy, Nhật, Việt Nam...

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.