4 đầu cầu và câu chuyện 9 năm

10/10/2008 12:19 GMT+7

Chính phủ ta đã "liệu cơm gắp mắm" thế nào trong 9 năm kháng chiến, người Pháp lý giải thất bại của họ ở Điện Biên Phủ thế nào qua những thước phim tư liệu "Điện Biên Phủ - báo cáo bí mật"...?

Đó là những hứa hẹn thú vị tại cầu truyền hình "Hà Nội ngày trở về" do Đài PTTH Hà Nội thực hiện vào tối nay (10.10).

Không nhằm vào dịp "năm chẵn", nhưng cầu truyền hình kỷ niệm 54 năm Ngày Giải phóng thủ đô vẫn được HTV quyết định làm lớn với hai lý do: Sau hơn 50 năm, các nhân chứng lịch sử hầu hết đều đã cao tuổi và đây cũng được coi là bước chuẩn bị tập dượt cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

"Hà Nội ngày trở về", nhưng sẽ không chỉ nói về "ngày trở về" (ngày tiếp quản thủ đô), mà còn cố gắng điểm lại những thời khắc lịch sử quan trọng nhất đã làm nên câu chuyện 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Mạch chuyện do đó sẽ được trải dài theo đúng trình tự thời gian của các sự kiện lịch sử và trải rộng trên 4 điểm cầu: Định Hoá (Thái Nguyên) - ATK thời kháng chiến chống Pháp; hầm De Castries (Điện Biên) - nơi đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng; đền Hùng (Phú Thọ) - nơi Bác Hồ đã gặp gỡ căn dặn Đại đoàn 308 trước khi tiếp quản thủ đô với câu nói bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" và Hà Nội (vườn hoa Vạn Xuân, cầu Long Biên).

Riêng cầu Long Biên sẽ thực hiện tại hai địa điểm: Khu vực bãi giữa, xưa là làng Trung Hà - nơi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, sau 60 ngày đêm "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" đã thực hiện cuộc rút lui thần kỳ khỏi Hà Nội (2.1947); đầu cầu phía nam - nơi 200 cán bộ chiến sĩ nhận lệnh tiếp quản thủ đô (8.10.1954) để bảo vệ những vị trí trọng yếu nhất trước khi Pháp bàn giao Hà Nội.

Câu chuyện 9 năm sẽ lần lượt được nối kết thông qua các nhân chứng lịch sử như: Ông Nguyễn Giang - người từng đánh bộc phá ở Nhà máy điện Yên Phụ đêm 19.12.1946, ông Nguyễn Trọng Hàm - người trung đội trưởng từng có mặt trong 60 ngày đêm quyết tử ở Liên khu I, ông Vũ Văn Phúc - chú bé liên lạc của Bắc Bộ Phủ những ngày đầu kháng Pháp, ông Vũ Trọng Phụng - một trong những chiến sĩ từng có mặt trong đoàn quân đã làm nên "cuộc rút lui thần kỳ", ông Lê Ánh - người phát lương của Văn phòng Chính phủ tại ATK Định Hoá (Thái Nguyên), đại tá Hoàng Đăng Vinh - người hai lần giáp mặt Tướng De Castries, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên - người đã chứng kiến lễ trình quốc thư đầu tiên tại Đại Từ - Thái Nguyên 9.1954...

Xen kẽ là các phóng sự về những chiến sĩ vệ út Hà Nội, về ATK Định Hoá..., những trích đoạn phim truyện, phim tài liệu và các cuốn hồi ký, nhật ký nổi tiếng liên quan. Trong đó, đáng chú ý nhất là trích đoạn phim "Điện Biên Phủ - báo cáo bí mật" do người Pháp thực hiện, từng được phát trên kênh France 3 và lần đầu tiên được công bố tại VN, trong đó sẽ đưa ra cái nhìn của người Pháp về thất bại của họ tại Điện Biên Phủ.
Theo Thiên An/Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.