Nước thải bệnh viện đang "đầu độc" người dân

25/09/2007 23:35 GMT+7

* Hà Nội: Nhiều bệnh viện lớn cũng không xử lý nước thải! Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện lớn mỗi ngày phẫu thuật hơn 100 bệnh nhân, nhưng lại không đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Chất thải từ các ca phẫu thuật đó cộng với bao nhiêu thứ "hầm bà lằng" từ xét nghiệm, dịch tiết, máu mủ, giặt giũ, vệ sinh của người bệnh... cứ thế xả trực tiếp ra môi trường.

Không quan tâm xử lý nước thải

Bên cạnh tình trạng rác thải tại các bệnh viện (BV) không được xử lý đúng quy định (nơi thì không đăng ký với môi trường để thu gom, xử lý; nơi thì tùy tiện bán cho vựa ve chai để tái chế đồ gia dụng), việc xử lý nước thải y tế cũng hầu như không được các BV quan tâm.

Tại TP.HCM, hầu hết các BV, cơ sở y tế không trang bị hệ thống xử lý nước thải (XLNT) hoặc hệ thống không đảm bảo tiêu chuẩn. Mới đây, tại buổi làm việc cùng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, báo cáo của ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM) về tình trạng XLNT, chất thải ở các BV trên địa bàn TP.HCM khiến mọi người giật mình. Theo đó, trong số 19 cơ sở y tế trực thuộc T.Ư đóng trên địa bàn TP.HCM có đến 11 cơ sở không có hệ thống XLNT, trong đó có nhiều cơ sở rất lớn như: BV Chợ Rẫy (phẫu thuật hơn 100 bệnh nhân/ngày), BV 30/4, BV Răng - hàm - mặt T.Ư, Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình phục hồi chức năng... 8 cơ sở còn lại có hệ thống XLNT thì có 3 không đạt tiêu chuẩn!

Nhà XLNT của BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) để làm... kho chứa đồ (ảnh: T.C)

Còn theo thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, trong số 62 BV và trung tâm y tế công lập của TP.HCM hiện chỉ có 1/3 cơ sở có hệ thống XLNT đạt tiêu chuẩn. 21 cơ sở không có hệ thống XLNT và 20 cơ sở hệ thống không đạt tiêu chuẩn.

Như vậy, theo thống kê chưa đầy đủ, trong số hơn 100 cơ sở y tế công, tư thuộc T.Ư và địa phương tại TP.HCM, có đến 34 không có hệ thống XLNT, 34 có nhưng không đạt tiêu chuẩn và chỉ có 37 cơ sở mà hệ thống XLNT đạt chuẩn. Đó là chưa kể hơn 300 trạm y tế của các phường, xã trên địa bàn TP.HCM không nơi nào có hệ thống XLNT!

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM): "Tình trạng nhiều BV có hệ thống XLNT nhưng không đạt chuẩn là do BV nào cũng ngày càng nâng công suất khám chữa bệnh. Nhiều BV trước đây chỉ tiếp nhận vài trăm lượt bệnh nhân/ngày, nay từ 2 - 3 ngàn trở lên, lượng nước thải đã vượt xa công suất thiết kế của hệ thống".

"Vô tư" thải mầm bệnh ra cộng đồng

Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM: "Bình quân mỗi ngày các BV ở TP.HCM thải khoảng 17.000-20.000m3 nước thải ra ngoài, phần lớn trong số này không được xử lý, trực tiếp đi từ BV ra hệ thống cống chung của thành phố. Nước thải BV bao gồm nước từ phẫu thuật, dịch tiết, máu, mủ, khám chữa bệnh, xét nghiệm, giặt giũ, vệ sinh của bệnh nhân, nhân viên y tế... nước thải BV bị ô nhiễm nặng về mặt hữu cơ và vi sinh... đây là nguy cơ ô nhiễm, lây lan bệnh tật rất lớn cho cộng đồng".

Vì sao các BV không đầu tư cho hệ thống XLNT? Bên cạnh việc đưa lý do không am hiểu về hệ thống XLNT, phần lớn các BV than khó khăn về kinh phí đầu tư. Thực tế, các BV không quan tâm đúng mức về vấn đề XLNT, cũng như không quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng bởi chất thải do mình gây ra. Nói như vậy là bởi, các BV luôn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh, trong khi đó lại "quên" xây dựng hệ thống XLNT. Tình trạng này đã được phía tài nguyên - môi trường cảnh báo, nhắc nhở từ lâu nhưng vẫn không có chuyển biến. TP.HCM đã quá ô nhiễm bởi khói bụi, khí thải trên mặt đất, giờ còn ô nhiễm nặng bởi nước thải BV dưới lòng đất, sức khỏe con người đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đã đến lúc BV phải thấy rõ trách nhiệm của mình, cũng như cơ quan quản lý cần có biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn.

Hà Nội: Nhiều bệnh viện lớn cũng không xử lý nước thải!

Hà Nội là địa phương có số lượng bệnh viện (BV), cơ sở y tế đứng thứ nhì sau TP.HCM. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội: hiện 42 BV và cơ sở khám chữa bệnh cần phải có hệ thống xử lý nước thải (XLNT). Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới 12 BV (cả công và tư) có hệ thống XLNT theo yêu cầu.

Bên cạnh 7 BV công lớn đã có hệ thống XLNT (Bạch Mai, 108, Việt - Xô, Nhi Thụy Điển, 19/8, Thanh Nhàn, Xanh-Pôn), còn 5 BV lớn khác đã được cơ quan chức năng yêu cầu phải có hệ thống XLNT vào năm 2007, nhưng đến nay chưa hoàn thành (dù quyết định này đã được đưa ra từ năm 2003!), gồm: BV Việt - Đức, K, Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội, Đống Đa.

Theo ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất): "Vấn đề đặt ra là kinh phí xây dựng trạm XLNT. Chi phí trung bình đầu tư cho một hệ thống XLNT ở BV nhỏ là từ 1 - 2 tỉ đồng, còn cho một BV là 5 - 7 tỉ đồng. Một vấn đề nữa là chi phí cho việc vận hành hệ thống XLNT".

Nhìn chung vào thời điểm này, cơ quan quản lý môi trường đang chấp nhận phương thức XLNT bằng hóa chất của các BV không có trạm XLNT. Phương pháp này có chi phí thấp nên các BV đều đã chấp hành. Ông Đặng Dương Bình cho rằng: "Xử lý theo phương pháp dùng hóa chất vẫn tạm chấp nhận được trong thời điểm hiện tại, mặc dù không thể khử hết được các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, nhưng phần nào cũng giảm bớt nguồn lây nhiễm bệnh ra bên ngoài!".

Liên Châu

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.