Lời nói thẳng về hệ thống điều khiển giao thông

03/11/2007 00:40 GMT+7

Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra về nguyên nhân của vấn nạn kẹt xe hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tôi hiện đang công tác tại Ban Phát triển các dự án quản lý công cộng của Netgiscom thuộc Tập đoàn truyền thông GISCOM CORPORATION, muốn nói thêm về hiện trạng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc quản lý và điều hành giao thông của chúng ta.

Hiện tại, các thiết bị tín hiệu, biển báo, hướng dẫn giao thông không hợp lý và cũng chẳng giống ở đâu.

- Việc lắp đặt hệ thống đèn xanh đèn đỏ tại giao lộ: Với những giao lộ của trục đường lớn, mặc dù cũng lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tiêu chuẩn quốc tế, tức là cho từng làn xe riêng biệt (tôi tạm gọi như vậy vì cũng giống như ở nước ngoài), tuy nhiên việc vận hành thì không hợp lý và chỉ có ở Việt Nam làm như vậy. Theo tài liệu chúng tôi có được, mỗi đèn tín hiệu tại mỗi làn đường để điều khiển cho làn đường đó chứ không phải có cùng tín hiệu như ở Việt Nam. Ở Việt Nam dường như nó chỉ dùng cho mục đích để cho dễ nhìn, như ở giao lộ Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM. Tiến bộ hơn có giao lộ Thảo Điền - xa lộ Hà Nội, các đèn tín hiệu đã điều khiển cho từng làn đường, nhưng chúng ta lại không lắp biển chỉ dẫn phân luồng đi thẳng, rẽ trái trước khi đến giao lộ. Khi chuyển làn cũng không biết khi nào thì được phép chuyển. Có lần khi đi đến giao lộ rồi mới thấy mình đi không đúng làn đường cần đi, cần đi thẳng mà đang ở làn rẽ trái nên phải chờ tiếp, gây ùn tắc mà tôi không bị phạm lỗi, tuy nhiên xét thấy bất hợp lý nên lần khác tôi chuyển làn sau khi xuống cầu Sài Gòn khoảng 100 mét thì bị công an phạt vì lỗi vi phạm chuyển làn và vượt phải (tôi không biết chấp hành luật thế nào cho đúng). Còn việc lắp đồng hồ đếm giờ tại đèn xanh đèn đỏ tôi cũng chỉ thấy có ở Việt Nam.

- Việc lắp đặt thiết bị theo dõi và giám sát giao thông (máy bắn tốc độ và camera quan sát). Ở các nước, thiết bị theo dõi và giám sát giao thông được lắp đặt ở hầu hết các vị trí giao lộ và những vị trí có nguy cơ tai nạn giao thông cao, sẽ giám sát giao thông 24/24 (điều mà con người không thể làm được) và những người cố tình vi phạm sẽ bị phạt rất nặng cả về danh dự và kinh tế (đầu tư thiết bị này không phải là giải pháp ít tốn kém nhất).

Họ lắp đặt thiết bị để giám sát giao thông chứ không phải để "thu tiền phạt" như ở Việt Nam. Họ thông báo, cảnh báo trước về nguy cơ tai nạn giao thông và tại đây có thiết bị giám sát giao thông để mọi người biết trước và không vi phạm, trong khi tại Việt Nam lại làm một việc chẳng giống ở đâu: "Bí mật" ghi hình vi phạm để phạt! Thế là người tham gia giao thông chỉ cần canh xem có người giám sát hay không, lại tiếp tục vi phạm.

Nguyễn Quang Phú (TP.HCM)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.