Khi bạn bị Stress

09/10/2009 09:37 GMT+7

(TNTT>) Nhịp độ sống nhanh và đầy áp lực như hiện nay khiến cho nhiều người bị căng thẳng (stress) liên tục và kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân và hiệu quả công việc. Hãy thử vài cách dưới đây để giải phóng mình khỏi stress.

Các dấu hiệu của stress

Rất khó để xác định hay đo lường sự căng thẳng. Trong khi một số người có khả năng chịu được áp lực và đối phó tốt với khủng hoảng cuộc sống thì những người khác cảm thấy stress triền miên và liên tục.

Một số dấu hiệu của sự căng thẳng bao gồm:

• Mất ngủ do lo lắng thái quá.

• Nôn nóng hay cáu kỉnh với những vấn đề nhỏ.

• Không thể tập trung do suy nghĩ nhiều thứ cùng lúc.

• Không thể đưa ra quyết định.

• Uống rượu hay hút thuốc nhiều

• Ăn ít và cảm thấy không ngon miệng.

• Không thể yên tâm nghỉ ngơi hay thư giãn vì luôn cảm thấy phải làm điều gì đó.

Tác hại của stress

Căng thẳng rất có hại đối với sức khỏe con người, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, khiến con người dễ cáu kỉnh, tức giận, gây bệnh vẩy nến, đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng. Stress khiến hiệu suất làm việc giảm sút rõ rệt và gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ công việc, bạn bè và gia đình. Nghiêm trọng hơn, căng thẳng sẽ khiến bạn không thể hưởng thụ cuộc sống, thường xuyên lo lắng, mất ngủ, kém lạc quan, yêu đời. Căng thẳng triền miên có thể dẫn đến chứng trầm cảm, chán đời thậm chí muốn tự sát…

Cách giảm stress hữu hiệu

Tìm ra nguyên nhân khiến bạn căng thẳng

Bằng cách thử liệt kê và theo dõi cảm xúc của bản thân trong một thời gian nhất định.

Viết nhật ký hằng ngày sẽ là một cách hay.

Khi đã xác định được nguyên nhân cơ bản thường xuyên khiến bạn stress thì việc khắc phục sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Nên có người chia sẻ và thấu hiểu

Nếu bạn có thể chia sẻ những rắc rối của bạn với một người bạn thân hay một người tin cậy như chồng, vợ, người yêu…thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Người ngoài cuộc thông thường có cái nhìn khách quan và sáng suốt hơn bạn đối với các vấn đề mà bạn đang gặp rắc rối và sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cho bạn.

Một số kỹ thuật giản đơn

Làm việc và suy nghĩ khác đi: Khi xảy ra một tình huống căng thẳng, bạn hãy cố gắng nhìn nhận sự việc khác đi theo chiều hướng tích cực hơn.

Ví dụ, khi bạn bị kẹt xe, thay vì bực tức bạn hãy tận dụng thời gian này để tập bài tập kéo dài, thư giãn cho vùng cổ…

Hít thở sâu: Hít một hơi thở sâu, rồi thở ra thật chậm. Nếu bạn làm điều này một vài lần, và hoàn toàn tập trung vào hơi thở, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái. Xoay cổ, vươn vai cho cơ bắp đỡ mỏi mệt sau đó thư giãn hoàn toàn.

Tích cực thư giãn: ngâm mình trong bồn tắm sau một ngày làm việc mệt mỏi, nghe nhạc, đi dạo, đọc sách, du lịch, picnic, đi bơi…

Nghỉ ngơi, ăn trưa thường xuyên và đúng giờ:

Không làm việc trong bữa ăn trưa. Nếu công việc quá bận rộn, mỗi vài giờ bạn hãy ngưng lại 5 hoặc 10 phút để thư giãn.

Tập thể dục: Nhiều người cho rằng tập thể dục thường xuyên làm giảm mức độ căng thẳng, hãy thử lên kế hoạch ít nhất 3 tuần một lần, mỗi lần 30 phút cho một môn thể thao bất kỳ bạn yêu thích. Tập thể dục còn giúp cho bạn ngủ ngon hơn.

Không hút thuốc và uống rượu: Đừng tự đánh lừa rằng hút thuốc và uống rượu sẽ giúp bạn vơi đi sự căng thẳng và phiền muộn.

Uống rượu, hút thuốc mỗi khi căng thẳng, trái lại sẽ khiến bạn uống rượu, hút thuốc nhiều hơn thậm chí nghiện rượu, nghiện thuốc lá nhanh chóng.

Sở thích:  Dành thời gian cho sở thích của bản thân như: thể thao, thêu đan, âm nhạc, chơi mô hình, đọc sách, nấu ăn…

Nếu thực hiện mọi cách để giảm stress nhưng bạn vẫn cảm thấy căng thẳng kéo dài và ngày một trở nên trầm trọng hơn thì bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp càng sớm càng tốt. (Theo patient.co.uk)

Thy An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.