Số phận của một nạn nhân phát xít mới

06/10/2006 23:13 GMT+7

Sau mười năm tàn phế bởi một vụ tấn công của bọn phát xít mới, Noel Martin đã trở thành biểu tượng chống lại phong trào phát xít mới tại Đức và nhiều nơi trên thế giới.

Đêm 16.6.1996, tại thị trấn Mahlow (Branderburg, Đức), một tảng bê tông đã phi thẳng vào kính chắn gió phía trước mũi xe đang chạy của anh công nhân da đen người Anh gốc Jamaica R.Martin. Chiếc xe mất lái và đâm vào một gốc cây ven đường. Ngay sau đó, vụ thương tích của Martin đã nhanh chóng được điều tra và xét xử với thủ phạm là 2 thanh niên thuộc phong trào đầu trọc Đức Sandro R. (17 tuổi) và Mario P. (24 tuổi). Trước tòa, hai kẻ "máu lạnh" này nói một cách trắng trợn rằng chúng lập mưu giết Martin chỉ vì đây là một người da màu. Mức án cuối cùng được tòa đưa ra cho hai bị cáo là 5 và 7 năm tù.

Nhà tù của số phận

Hai thủ phạm khiến Martin thành người tàn tật đã được tự do cách đây vài năm. Nhưng nạn nhân Martin thì đã vĩnh viễn bước vào một nhà tù khác - nhà tù của chính cuộc đời tàn tật với một cơ thể tê liệt trên chiếc xe lăn bất ly thân của anh. Mọi sinh hoạt đều trông cậy vào 8 cô phục vụ. Ngày lại ngày, Martin thức dậy trên chiếc xe lăn vào khoảng 8 giờ sáng, nhiều khi các cô y tá phải tát nhẹ vào má anh để đánh thức. Anh chỉ ăn uống được qua ống hút, không còn cảm nhận gì ở phần dưới của cơ thể. "Tôi không còn được sống nữa. Tôi chỉ tồn tại", đó là lời nghẹn ngào của Martin khi nói về quãng thời gian 10 năm qua.

Bên cạnh nỗi đau thân xác, Martin còn một nỗi đau khác mà ngày ngày anh đều trông thấy từ chiếc xe lăn của mình. Đó là ngôi mộ ngoài vườn của người vợ yêu quí Jacqueline đã mất cách đây 6 năm vì ung thư. Martin và Jacqueline đã chung sống với nhau 18 năm nhưng chưa làm đám cưới. Sau khi Martin tàn phế, Jacqueline đã chăm sóc, động viên anh phải sống. Điều bi kịch là Jacqueline đã ra đi trước anh và đám cưới của họ được tổ chức ngay tại giường bệnh của cô vỏn vẹn có 36 giờ trước khi Jacqueline giã từ cuộc sống.

Đối mặt với thực tế

"Có lần khi tôi đến một sàn nhảy, mọi người lui ra... Đến khi tôi nhảy xong thì cũng chẳng thấy ai quay lại", Martin đã nhớ lại về một lần đi chơi như vậy tại Đức. Chính vì điều này, Martin đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít mới trên khắp nước Đức sau khi bị nạn. Anh đã tuyên bố tha thứ cho hai kẻ tấn công mặc dù hai thanh niên này đã không hề có bất kỳ một lời xin lỗi nào. Năm 2001, Martin từ Birmingham (Anh) đã trở lại Mahlow, công chúng thành phố này đã tổ chức chiến dịch "Xin hãy tha thứ cho Mahlow" khi anh đến và Martin đã nói một câu rất ý nghĩa rằng: "Hãy dạy dỗ con cái bạn hiểu được giá trị của cuộc sống thay vì lời xin lỗi cho quá khứ". Còn với những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới, Martin nói: "Đó là những kẻ ngu ngốc. Họ ghét người da màu nhưng họ lại đi phơi nắng để có một làn da đẹp".

Tuy nhiên, sau mười năm, dường như mọi đau đớn đã vượt quá sức chịu đựng của Martin. Vừa qua, Martin tuyên bố anh sẽ giã từ cuộc sống bằng liệu pháp không đau đớn tại Bệnh viện Dignitas (Thụy Sĩ) vào ngày 23.6.2007. Khi đó, Martin sẽ nhấp lần cuối ly rượu sâm banh chúc mừng sinh nhật lần thứ 48 của mình và để trái tim ngừng đập mãi mãi. Khi tin tức về dự định của Martin lan đi, điện thoại căn phòng anh suốt ngày bận với những lời khẩn cầu anh hãy tiếp tục chiến đấu với cuộc đời. Martin đùa rằng "có ai sống mãi đâu" và "chỉ có Chúa là chưa gọi điện thoại" cho anh mà thôi. Martin nói anh đã sống quá lâu sau khi đã thực hiện được lời hứa với Jacqueline rằng sẽ cố sống đến 8 năm sau khi bị tai nạn. Còn với những kẻ "đầu trọc", Martin luôn thích thú với một câu mà anh thường nói rằng "chủ nghĩa phát xít mới sẽ bị loại bỏ cùng với thời gian - cho dù còn hay không còn Noel Martin". (Theo IHT, BBC)

H.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.