Giúp trẻ vượt qua bóng tối

27/09/2005 22:02 GMT+7

Theo thống kê, có 100.000 đứa trẻ ra đời, 1% là trẻ sinh non (1.000 trẻ). Trong 1.000 trẻ sinh non thì có 1/1.000 trẻ có nguy cơ bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Nhiều nhà chuyên môn ước tính trung bình một năm có khoảng 100 đứa trẻ mù nhưng số lượng trẻ nhập học vào trường mù hằng năm chỉ khoảng 5 em. Số phận 95 em còn lại ra sao? Liệu có được học hành và chăm sóc đúng cách?

Những đứa trẻ mù "may mắn"

Chị Huỳnh Thị Ngọc Anh (Phú Nhuận, TP.HCM) sinh cháu Phạm Huỳnh Vĩnh Phúc vào năm 1999. Do thiếu tháng, Phúc bị bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Khi biết tin con mình bị mù, chị Anh lẫn gia đình đều rất buồn nhưng rồi chị tự nhủ: "Mình chỉ khóc một lần này thôi rồi sẽ không bao giờ khóc nữa để có thể lo cho con". Đọc được thông tin trên báo chí, chị tìm đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu rồi gửi con vào học và làm theo đúng hướng dẫn của nhà trường. Hiện Phúc là một học sinh khá năng động của lớp, có thể làm nhiều việc như những đứa trẻ sáng mắt và thường được bố mẹ, ông bà dẫn đi chơi khắp nơi vào những thời gian rảnh rỗi.

Cùng lớp mẫu giáo của Phúc còn có các em: Hồng Thúy, Thành An, Thùy Dương, Trần Khôi... cũng được bố mẹ cho đi học từ khi còn rất nhỏ để các em có thể tự biết cách sinh hoạt hằng ngày, biết tập thể dục, định hướng di chuyển, làm quen với chữ braille... tạo một tiền đề tốt cho sự phát triển của trẻ sau này.

Tuy vậy vào mùa khai giảng hằng năm, Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu lại vô cùng "đau đầu" khi phải tiếp nhận những học sinh khiếm thị "chưa biết gì": chưa biết cách di chuyển, lắng nghe âm thanh xung quanh để định vị di chuyển, trẻ tự bế (không chịu giao tiếp với ai, nếu có ai đến gần thì có dấu hiệu nổi giận), trẻ đa tật (không nói, không nghe, không đi, không giao tiếp)... mà nguyên nhân chính là do các phụ huynh. Với tâm lý mặc cảm về bệnh tật của con em hoặc không có những thông tin liên quan về trẻ khiếm thị nên gia đình giấu giếm bằng cách "nhốt" con ở nhà. Bị "nhốt" ở nhà, trẻ không biết gì về thế giới và những thanh âm của cuộc sống nên thường thu mình, tự ti, không thể tự lo cho bản thân, thậm chí, có trẻ còn có cuộc sống như thực vật (cho gì ăn đó, không thể tự vệ sinh cá nhân cho bản thân mình).

Quy trình "tìm sáng"


Một học sinh nhìn kém đang vẽ tranh dự thi tại Trường Nguyễn Đình Chiểu trong chương trình ngoại khóa dành cho học sinh khiếm thị.
Thương con, có nhiều gia đình giúp trẻ mọi thứ, ngay cả những sinh hoạt cá nhân, dần dần trẻ mất đi khả năng tự lập. Chương trình can thiệp sớm cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, trong đó, phụ huynh phải kiên nhẫn cùng làm việc với trẻ, từ việc "chấp nhận" việc con mình là một đứa trẻ khiếm thị đến việc hướng dẫn cho con những kỹ năng cơ bản tự phục vụ cho chính các em, cho các em có cơ hội khám phá thế giới xung quanh. Sau đó, các em sẽ được vào học lớp mẫu giáo, được tiếp cận với chữ braille để chuẩn bị vào lớp 1 tại trường dành cho trẻ khiếm thị. Trong năm học lớp 1, ngoài việc dạy chữ braille, trường còn giúp cho trẻ chuẩn bị tâm thế, tinh thần cho việc học hội nhập. Và lên lớp 2, các em có thể học hội nhập trong những trường dành cho trẻ sáng mắt.

Thầy Nguyễn Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết: "Trẻ khiếm thị sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu phụ huynh biết cách quan tâm đến trẻ và một số trường "chấp nhận" cho trẻ khiếm thị vào nhập học. Xã hội phải san vai gánh vác bằng cách đừng gắn mác "khiếm thị là không làm được gì cả" và tạo nhiều cơ hội cho họ hơn thì họ sẽ làm được nhiều chuyện hơn chúng ta tưởng".

Năm 2005, Trường Nguyễn Đình Chiểu có 63/170 học sinh học chương trình hòa nhập từ cấp 1 đến đại học tại 18 điểm trường trong thành phố. Để đạt được con số hơn 30% này là cả một "quy trình gian nan" từ hơn 10 năm trước, khi trường "mạnh dạn" đi năn nỉ để đưa vài học sinh xuất sắc nhất của trường ra học cùng các học sinh sáng mắt. Để rồi từ đó, những người khiếm thị có bằng đại học như: Long, Tuyết, Minh... đã không còn là trường hợp cá biệt, thậm chí, một số học sinh khiếm thị còn đạt được những thành tích xuấc sắc mà không phải học sinh, sinh viên nào cũng làm được. Điển hình như Nguyễn Văn Long (sinh năm 1978) hiện đang theo lớp cao học ngành văn hóa học (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và học thêm văn bằng 2 xã hội học, Lê Dân Bạch Việt đang được du học ngành phục hồi chức năng và định hướng di chuyển cho người khiếm thị ở Trường Đại học Pensylvania (Mỹ). Thầy Tâm trăn trở: "Hiện nay, chúng tôi chỉ mong các trường khác chấp nhận cho các em vào học hội nhập bởi trường chúng tôi đang bắt đầu quá tải. Nếu các em nào đã được trang bị tốt cho việc hội nhập và được chấp nhận thì chúng tôi mới có thể toàn tâm toàn ý lo cho những học sinh đa tật khác một cách tốt hơn".

Đoàn Ngọc Phụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.