Nhà đầu tư vượt qua cú sốc

01/10/2008 23:06 GMT+7

Thị trường chứng khoán (TTCK) ngày 1.10 không còn cảnh lao dốc như phiên giao dịch trước đó. Các nhà đầu tư đã tỏ ra vững vàng hơn.

Thị trường giằng co

Sàn chứng khoán TP.HCM có phiên mở cửa ngày 1.10 đầy bất ngờ khi hàng loạt cổ phiếu (CP) tăng giá, chỉ số VN-Index tăng thêm 5,65 điểm và giá trị giao dịch đạt gần 215 tỉ đồng (tăng hơn 35 tỉ đồng so với tổng giá trị giao dịch cả phiên ngày 30.9). Thế nhưng, sự hưng phấn đó không kéo dài được lâu và chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm điểm trong suốt đợt giao dịch khớp lệnh liên tục. Thậm chí có thời điểm, VN-Index đã giảm hơn 8 điểm và xuống dưới mức 450 điểm khiến các nhà đầu tư (NĐT) lo lắng. Nhiều CP tăng giá trong đợt 1 đã giảm xuống giá sàn hoặc giảm gần giá sàn ngay trong đợt 2 như DTT, PVT, VHG, FPT,... Ngược lại, nhiều CP giảm giá trong đợt 1 tăng giá trở lại như REE, SSI, DPM. FMC... Sự giằng co thể hiện khá rõ giữa giá bán và giá mua ở nhiều CP có khoảng cách khá xa.

Anh Hoàng - một NĐT tại sàn BVSC - đã quyết định mua CP SAM trong phiên này. Tuy nhiên, anh chỉ đưa ra mức giá tham chiếu là 21.800 đồng/CP mặc dù SAM đã khớp giá 22.400 đồng/CP ngay từ đợt 1. Anh Hoàng cho biết thị trường lúc này không cần phải tranh mua nên anh chỉ đặt mức giá mong muốn. Một NĐT khác là chị Hoa cũng chỉ mua vào 2.000 CP MCV mặc dù số tiền hiện có trong tài khoản của chị có thể mua đủ 5.000 CP này. Theo chị Hoa, lúc này cũng chưa biết được thị trường sẽ như thế nào nên chỉ mua từng ít một để thăm dò mà thôi.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 2,29 điểm, còn 454,41 điểm và khối lượng giao dịch thành công đạt 19,83 triệu chứng khoán (tổng giá trị giao dịch đạt 712 tỉ đồng). Sự giằng co giữa người mua và người bán cũng thể hiện rõ trên sàn chứng khoán Hà Nội. Chỉ số Hastc-Index đã tăng vào giữa phiên và tiếp tục giữ vững phong độ, đóng cửa với 149,7 điểm, tăng 1,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch thành công đạt 11,45 triệu CP với tổng giá trị 390,6 tỉ đồng (tăng 126 tỉ đồng so với phiên giao dịch trước).

Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường

Phản ứng của các NĐT trong phiên giao dịch 30.9 được các nhà phân tích nhận định là thái quá. Thế nhưng diễn biến của TTCK trong ngày 1.10 cho thấy các NĐT đã vượt qua cú sốc, cộng với ngay trước giờ mở cửa, các NĐT đã đón nhận những thông tin khả quan từ thị trường chứng khoán Mỹ và các nước châu u. Thị trường thế giới nhìn chung đã không còn quá xấu khi kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Mỹ sẽ được xem xét lại.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC - nhận định cùng với tin tức trên thế giới, các thông tin kinh tế của Việt Nam vừa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay trong ngày 1.10 cũng tác động tích cực đến tâm lý NĐT. Bên cạnh đó, không có diễn biến xấu trong kinh tế nội tại của Việt Nam. "Xét trên nhiều yếu tố vừa được công bố đều cho thấy sự hỗ trợ TTCK như chỉ số lạm phát tháng 9 chỉ còn tăng rất thấp, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 6,52%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 48 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ gia tăng,...", ông Huỳnh Anh Tuấn nói. Ngoài ra, còn một thông tin tích cực khác là Petrolimex thông báo giảm giá dầu hỏa 1.000 đồng/lít.

Theo phân tích của tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), sợi dây liên hệ giữa Việt Nam với Mỹ đã bắt đầu hình thành khi chúng ta gia nhập WTO nhưng lại chưa liên quan ở lĩnh vực tài chính như ngân hàng, bảo hiểm. Vì vậy tác động của nó nếu có chỉ xảy ra đối với thị trường xuất nhập khẩu và trước hết ở tỷ giá ngoại tệ. Còn tác động đối với NĐT chủ yếu là tâm lý khi NĐT trong nước e ngại luồng vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có đầu tư gián tiếp) có thể bị giảm sút. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng hiện nay nhiều NĐT đã nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề và lòng tin đã được phục hồi. TTCK vẫn có nhiều cơ hội cho NĐT nhưng họ phải giảm mức kỳ vọng xuống và nên đặt mục tiêu bảo toàn vốn lên trên hết. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.