Cướp khách

02/11/2007 13:19 GMT+7

(TNO) Bồng con đứng lơ ngơ trước cổng bến xe Đà Nẵng, người mẹ bỗng thấy con mình bị ai đó giật khỏi tay rồi bị chuyển vội vàng vào xe, bởi câu hỏi “Đi Đông Hà phải không?” trước đó chỉ… để cho có! Đứa bé bị người lạ giằng đột ngột nên hoảng sợ, khóc ré lên, còn người mẹ cuống quít chạy theo.

Một chủ xe không ngần ngại nói: “Bắt khách dọc đường mà gặp 2 mẹ con là khỏe re à! Giật lấy con là mẹ phải theo lên xe ngay!”. Đó là một trong những “chiêu” cướp khách của các lơ xe trong tuyến Đà Nẵng - Huế, Đông Hà, Quảng Ngãi mà người đi đường dễ dàng bắt gặp trước bến xe Đà Nẵng và dọc theo đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) đến quốc lộ 1A.

"Thượng đế" trở thành món hàng rẻ rúng

Cũng trên đường Tôn Đức Thắng, khi một cặp nam, nữ mang túi xách đang ngơ ngác băng qua đường để vào bến xe, nhanh như chớp, 2 xe khách liền trờ tới. Hai phụ xe từ trên cùng nhảy xuống và chẳng ai nhường ai, thay nhau kéo tay, giằng xách của khách. Hai người khách trẻ nép sát vô tường rào của ngôi nhà bên đường, người co rúm, đầy sợ hãi. Lý giải cho việc làm trên, một chủ xe cho biết : “Kinh doanh xe khách mà không “hàm hồ” thì làm sao giành được khách! Một chuyến xe 14-16 chỗ phải đầy kín chứ vài người khách làm sao đủ chi phí xăng dầu và có lãi”. Đội ngũ chủ - phụ - cò xe trên các tuyến này có quá nhiều kinh nghiệm “trông mặt mà bắt hình dong” nên chỉ nhìn qua đã phân định được là khách hay người đi đường để níu kéo, giành giật.

Theo các chủ xe, tuyến xe Đông Hà là phức tạp nhất, cướp khách “máu” nhất vì các xe này phải tranh khách với các tuyến xe đi phía Bắc. Gặp những ngày vắng khách, các xe liên tục quần đảo, cướp khách nhưng nhiều xe vẫn chưa đủ số lượng. Vậy là, 2 đến 3 chủ xe thỏa thuận nhau “bốc số”, xe nào hên sẽ được sang hết khách chạy trước, những xe còn lại tiếp tục “công đoạn cướp khách”. Là “thượng đế” mà phải thường xuyên chịu cảnh bị giành giật, sang qua - sớt lại như những món hàng, nhiều hành khách rất bức xúc nhưng đành lắc đầu ngao ngán.

Để tranh khách, các chủ xe không ngần ngại ép cả người đang đi xe máy trên đường

Ở bến xe Đà Nẵng, chỉ 3 tuyến Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng - Đông Hà, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mỗi ngày có hơn 200 lượt xe liên tục ra, vào. Tuyến Huế, thời gian giãn cách xe chạy là 15 phút/chuyến, hai chuyến còn lại có thời gian giãn cách là 20 phút. Theo ông Lê Viết Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng - số lượng phương tiện, thời gian giãn cách này do các đơn vị vận tải hiệp thương, đăng ký với Sở Giao thông - Công chính. Bến xe chỉ làm nhiệm vụ bố trí phiên đúng giờ cho xe xuất bến như quy định. Mỗi xe khách chạy khoảng 20 chuyến/tháng nhưng 10 ngày còn lại - dù đã cam kết - nhưng không chủ nào để xe ở nhà. Bên cạnh những xe tranh thủ chạy khi không có lịch, mỗi tuyến đều có từ 10 - 12 “xe dù”, “xe gió”. Những xe này vòng đảo cướp khách ngoài đường dẫn đến xe trong bến bị “đói khách”. Cho nên khi có lệnh xuất bến, các xe từ bến ra cũng tranh thủ đậu, đỗ ngoài đường giành khách. Mọi sự cứ thế tiếp diễn, hình thành cảnh “bến trong, bến ngoài”; riêng bến ngoài lúc nào cũng… xôm tụ, đông đúc.

Lại thêm “đội quân xe thồ” cũng tranh nhau mời khách khi “xe dù” trả khách, gây nên một cảnh tượng bát nháo đến kinh khủng ngay trên đường, làm ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, nguy hiểm đến tính mạng hành khách lẫn người đi đường.

Ngày 15.5.2007, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành chỉ thị số 11/2007/CT-UBND về việc đẩy mạnh công tác đảm bảo trật tự ATGT và trật tự đô thị trên địa bàn, trong đó, yêu cầu các lực lượng chức năng kiên quyết ngăn chặn một số tổ chức, cá nhân tự lập điểm đón, trả khách ngoài bến, xe khách chạy tùy tiện, lòng vòng, đón trả khách ngoài bến...

Cảnh sát giao thông làm gì?

Một điều rất lạ là khi trước bến xe thường xuyên có lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Thanh tra Giao thông (TTGT) đứng chốt nhưng các chủ xe vẫn ngang nhiên vòng đảo, giành khách, đậu cả trên những tuyến đường có biển báo cấm đi ngược chiều. Vào ngày 25.10, một chiếc xe khách biển số 43S-196… đậu ngay trên đường bắt khách trước mặt 2 CSGT và TTGT. Chủ xe phân trần: “Mấy ổng mới phạt 400.000 đồng, giờ phải để chúng tôi bắt khách để gỡ lại vốn chứ!” (!?).

Một thời gian dài, khi còn ở bến cũ, tình hình “bến cóc, xe dù” đã được cải thiện rất rõ nhờ vào việc xử lý rất nghiêm của đội TTGT bến xe lúc ấy. Thế nhưng vào ngày 11.10.2006, Giám đốc Sở GT-CC thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định số 370/QĐ-SGTCC giải thể đội TTGT bến xe trên. Lãnh đạo bến xe bức xúc: “Xe trong bến khiếu nại tình hình ngoài bến nhưng chúng tôi đành bó tay vì không có chức năng xử lý và cũng không thể phối hợp với TTGT như trước đây vì đội TTGT của bến đã bị giải thể”.

Khi có các lực lượng chức năng đứng chốt hoặc đi vòng kiểm tra, các xe tản ra chạy vòng vèo rồi… đâu lại vào đấy. Theo ý kiến của lãnh đạo bến xe, để dẹp yên nạn “bến cóc, xe dù”, chỉ cần một CSGT hoặc một TTGT đứng ngay trước bến ghi hình đậu đỗ, đón khách trên đường. Sau đó, người đảm trách công việc này sẽ điện thoại lên trạm Kim Liên hay Hòa Cầm giữ xe vi phạm lại, xử lý theo từng mức độ vi phạm và bến xe sẽ cho xe đến sang khách.

Bắt khách ngay trên đường phố, trong khi các lực lượng chức năng ngày nào cũng có mặt

Ngày 30.8.2007, Hội nghị Vận tải tuyến cố định Đà Nẵng đi Huế, Đông Hà, Quảng Ngãi do Sở GT-CC Đà Nẵng chủ trì đã thống nhất không cho phát triển thêm số lượng mà chỉ được phép thay xe vì số phương tiện tham gia trên 3 tuyến trên đã quá đông. Thực tế, do luật không cấm kinh doanh nên nhiều người vẫn tiếp tục mua xe tham gia kinh doanh vận tải khách. Đó là chưa kể đến các “bến cóc, xe dù” tại những địa điểm khác như ngã ba Huế, dưới cầu vượt Hòa Cầm (QL1A), phía bên trong đường sắt Bắc - Nam (hướng QL14B)… tái phát với mức độ dữ dội hơn trước, gây bức xúc rất lớn cho người dân.

Chỉ riêng tại Bến xe Đà Nẵng, từ 6h30 - 7h, cả đoàn xe trên dưới 10 chiếc thay phiên nhau dừng đỗ, cùng với đội ngũ chủ - phụ - cò “vô tư” án ngữ ngay giữa đường ngang nhiên cướp khách. Hình ảnh chướng mắt đó vẫn diễn ra hằng ngày như thách thức toàn xã hội.

Luân Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.