Tôn vinh doanh nhân!

14/10/2008 07:30 GMT+7

Ở thời đại nào cũng vậy, ở quốc gia nào cũng vậy, nếu như doanh nghiệp, doanh nhân không được tôn vinh, thì kinh tế bị thiệt hại, tăng trưởng kinh tế bị trì trệ.

Đối với VN, một nền kinh tế mới chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập đang tiếp tục hoàn thiện thể chế và phát triển các loại thị trường, thì doanh nghiệp, doanh nhân càng được tôn vinh, bởi doanh nghiệp, doanh nhân vừa là một trong những chủ thể quan trọng vừa là lực lượng nòng cốt của thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân VN còn ít về số lượng, chưa có nhiều hiểu biết về kinh tế thị trường, còn ít về vốn liếng, còn có những hạn chế về kinh nghiệm quản lý,... lại mở cửa hội nhập sâu rộng hơn vào đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ đang lan ra và làm rung động thị trường tài chính toàn cầu, thậm chí kinh tế thế giới còn đứng trước nguy cơ suy thoái,...

Tôn vinh như thế nào?

Trước hết, cần đánh giá và đề cao sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững với những kết quả tích cực. Về kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp đã cắt giảm những dự án chưa thật cần thiết hoặc vào những lĩnh vực nóng có nhiều rủi ro; cắt giảm chi phí sản xuất, thậm chí giảm lợi nhuận để hạ giá thành. Về ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu; thực hiện tốt việc nộp ngân sách để tăng thu, giảm bội chi. Về bảo đảm an sinh xã hội, doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào việc giải quyết công ăn việc làm khi lực lượng lao động tăng thêm hàng triệu người. Về tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt được ở mức hợp lý.

Tạo điều kiện cho số doanh nghiệp ra đời nhiều hơn theo mục tiêu số doanh nghiệp đến năm 2010 đạt 500 nghìn doanh nghiệp hiện đang có nguy cơ không đạt. Có ba việc, đó là cần làm cho người có vốn yên tâm để thành lập doanh nghiệp mới, tạo điều kiện để hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại nâng cấp lên doanh nghiệp; đó là nâng cao trình độ hạch toán kinh doanh, tiếp cận với kinh tế thị trường; đó là hướng những người có vốn đầu tư hạn chế việc đưa vốn lòng vòng hết kênh này sang kênh khác mà ít đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Tạo cho doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, khắc phục các "nút cổ chai" đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp, doanh nhân. Xin liệt kê những khó khăn, những "nút cổ chai" hiện nay mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Thủ tục hành chính tuy đã được cải tiến nhiều, nhưng vẫn còn phiền hà, tốn kém thời gian công sức, làm lỡ thời cơ. Giấy phép con còn nhiều, chi phí xã hội ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp vẫn còn lớn.

Việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế, khó khăn cả về số lượng theo nhu cầu, cả về lãi suất còn cao, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Môi trường kinh doanh vẫn chưa thật tốt do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, như hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, cân đong đo đếm thiếu...

Hạ tầng cơ sở, đường... còn bị cắt giảm, ách tắc, chi phí cao.

Lạm phát cao, đời sống công nhân thấp, phúc lợi ít làm cho quan hệ lao động trong doanh nghiệp không xuôi chèo mát mái, dễ phát sinh đình công, gây thiệt hại cho cả người sử dụng lao động và người lao động,  ảnh hưởng tới môi trường đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.