Hai đột phá về chính sách khoa học và công nghệ

23/09/2005 00:26 GMT+7

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tiến hành vào cuối năm ngoái cho thấy trình độ công nghệ cũng như mức độ làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam thuộc hàng rất thấp và việc thay đổi công nghệ cũng rất chậm so với khu vực, chưa nói so với thế giới.

Một khảo sát khác của hai tổ chức Swiss Contact (Thụy Sĩ) và GTZ (Đức) tiến hành trên 1.200 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy chỉ có khoảng... 0,1% doanh nghiệp có sử dụng tư vấn khi đầu tư mua sắm công nghệ.  Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước, tại sao giới doanh nhân lại chưa thực sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ và ít đặt hàng với các nhà khoa học trong nước để tìm ra những giải pháp tiết kiệm nhất cho sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới và thay thế các máy móc nhập ngoại? 

Có quá nhiều lý do để giải thích tình trạng trên. Về phía doanh nghiệp, chuyện đầu tư công nghệ là chuyện lớn và liên quan tới chiến lược phát triển. Họ thường phải khai thác hết công suất của các dây chuyền đã đầu tư và đợi hết khấu hao mới có thể tái đầu tư hoặc đổi mới dây chuyền công nghệ, thiết bị.

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng vấn đề chính là ở chỗ "bảo hộ của nhà nước". Nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự mặn mà với chuyện đổi mới công nghệ vì họ còn được bảo hộ, hưởng vị thế độc quyền và do đó chưa thực sự đối mặt với cạnh tranh theo đúng nghĩa của nó. Tiếp đến là lý do thiếu vốn, thiếu thông tin, tư vấn cùng những hạn chế trong pháp luật về sở hữu trí tuệ khiến doanh nghiệp càng ngại đổi mới công nghệ. Chưa kể năng lực sáng tạo về công nghệ của Việt Nam hiện còn là vấn đề phải bàn...

Nhưng thời gian không còn nhiều. Thách thức hội nhập WTO đã hiện ra trước mắt... Những chuyển động vĩ mô gần đây cho thấy Chính phủ thực sự quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN). Ngay đầu tháng 9 này, 2 văn bản quan trọng liên quan tới lĩnh vực KH&CN đã được Chính phủ thông qua. Đó là Đề án Phát triển thị trường công nghệ và Nghị định về Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Tư duy đổi mới trong các văn bản này có tính đột phá mạnh mẽ, phù hợp với chính sách đổi mới quản lý kinh tế và chủ động hội nhập của nước ta.

Đề án phát triển thị trường công nghệ đặt mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 với 4 nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường công nghệ như hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường công nghệ, kích cầu công nghệ, phát triển các loại hình dịch vụ và xúc tiến mua bán công nghệ...

Quy định mới về Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập cũng được giới chuyên môn hy vọng là một "khoán 10" trong lĩnh vực KH&CN, nhằm tạo điều kiện và cơ chế chính sách để các nhà khoa học có thể tạo ra nhiều tri thức mới, đáp ứng nhu cầu công nghệ thực tế của các doanh nghiệp, tạo ra hàng hóa rẻ, chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn. 

Hiện một loạt các dự án, cơ chế chính sách mới nhằm thúc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội đang chờ Chính phủ và các bộ ngành thông qua và phối hợp thực hiện. Trong đó việc hình thành Cục Quản lý và Phát triển công nghệ, cho phép thực hiện thí điểm cơ chế sử dụng cán bộ KH&CN và trọng dụng nhân tài, chính sách và cơ chế đặc biệt cho các hoạt động ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, ưu đãi cho các doanh nghiệp KH&CN, cho phép các doanh nghiệp dành 3 - 5% doanh thu trước thuế cho hoạt động đổi mới công nghệ thông qua Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và sẵn sàng dành nguồn vốn cho phát triển 2 khu công nghệ cao Hòa Lạc và TP Hồ Chí Minh.

Thanh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.