Giỏi yêu qua mạng, dở yêu ngoài đời

21/11/2010 10:11 GMT+7

Lẽ thường khi “đốn ngã” đối phương, lần hẹn hò đầu tiên sẽ là những phút giây lãng mạn, rạo rực, nồng nàn. Ấy thế mà với nhiều bạn trẻ, lần hò hẹn đó bỗng trở nên sượng sùng, lãng nhách...

Cơ sự xảy ra với một số cặp gặp nhau và “đốn nhau” trên mạng xã hội, trên công cụ tán gẫu (chat). Lần hẹn đầu tiên, có khi hai người ngồi đối diện mà mở miệng không được, đành ngồi vào máy tính hoặc mở điện thoại chat với nhau dù khoảng cách gần đến mức đủ nghe hơi thở của nhau.

Lần gặp đầu sượng sùng

Bận rộn với bài vở ở trường và liên tục thực hiện các đồ án chuyên ngành, B.H.T. (sinh viên năm 4 khoa công nghệ hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) hiếm có thời gian rảnh rỗi. Vì thế nên mỗi tối B.H.T. thường vi vu trên các trang mạng xã hội để làm quen và kết bạn. Và rồi B.H.T. cảm thấy quyến luyến với một cô nàng SV năm 3 ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM tên T.N..

T.N. cũng là một cô nàng trầm tính, ít nói, thường đến trường học rồi về nhà, nấu ăn, ôn bài và lên mạng trò chuyện với bạn bè. T.N. cũng thấy “cảm nắng” anh chàng SV Bách khoa. Rồi một đêm nôn nao đợi đến khoảnh khắc 0 giờ, B.H.T. ngỏ lời yêu và T.N. sung sướng đón nhận. Họ hẹn hò lần đầu tiên...

Sau khoảng thời gian quen nhau qua mạng như vậy, mặc dù đã trở thành người yêu chính thức được nhiều bạn bè biết đến, vậy mà đôi bạn trẻ vẫn cảm thấy ngại ngùng và khó nói khi gặp mặt nhau ngoài đời.

T.N. lúng túng thú thật: “Anh ấy sang trường đón mình đi uống cà phê nhưng ra quán thì hai đứa lại... mở hai cái laptop lên và... nói chuyện. Chẳng hiểu sao khi gặp nhau trên mạng tụi mình nói chuyện rất thoải mái, ăn ý mà gặp nhau ngoài đời thật cứ lập cà lập cập. Mình thấy nói chuyện qua mạng thoải mái hơn. Ở đó mình có thể dùng những emotion (hình ảnh thể hiện cảm xúc) của công cụ tán gẫu diễn đạt được trạng thái nóng giận, vui vẻ hoặc thậm chí xấu hổ”. Vài lần gặp kế tiếp tình hình cũng không khá hơn.

B.H.T. cũng nhận ra điều đó và tự phân tích mình kỹ hơn: “Có lẽ vì mình thiếu kỹ năng giao tiếp nên toàn phụ thuộc vào... máy tính. Đã vậy, tụi mình lại còn vào quán cà phê trò chuyện nên đâm ra ngại ngùng. Yêu kiểu này thì đâu phải là yêu”.

Tìm cách “cấp cứu” mối tình chớm nở

Một cặp đôi khác là Phúc Đại (ĐH Kinh tế TP.HCM) và Huyền Trang (CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM). Cả hai quen nhau qua một diễn đàn bạn đồng hương. Sau hơn ba tháng, dù cả hai cùng học ở TP.HCM nhưng chưa hề gặp nhau, chỉ tán gẫu qua điện thoại và trò chuyện qua Internet. Họ nhận lời yêu nhau.

Cũng như tình cảnh kia: mỗi lần gặp nhau chẳng nói chuyện được nhiều nhưng về nhà lên mạng thì nói chuyện rất thoải mái. Biết “nỗi khổ” của tình cảnh mình, lần sau mỗi lần đi chơi cả hai thường kéo theo vài người bạn, nhờ thế cảm thấy tự nhiên hơn, tình hình từ từ cải thiện và đến nay họ đã hoàn toàn tách ra đi riêng mà vẫn cảm thấy tự tin, ấm áp. Nhưng không phải cặp đôi nào cũng biết cách chủ động “cấp cứu” cho mối tình chớm nở của mình. Họ “buông tay” luôn và thế là chấm hết!

Cuộc sống bận rộn và tràn ngập các phương thức kết bạn như Yahoo! Messenger, trang nhật ký cá nhân (blog), diễn đàn, chat qua điện thoại... khiến nhiều bạn trẻ say sưa trên đó và dần mất đi kỹ năng giao tiếp, khả năng thể hiện cảm xúc trong cuộc sống. Đã có nhiều cặp phải chia lìa vì không vượt qua được điều này.

Không gì thay được ánh mắt, nụ cười

Yêu nhau qua chat, trò chuyện qua nhắn tin trên điện thoại... chỉ là yêu những gì người ấy viết, những suy nghĩ đã được gọt giũa kỹ càng. Nhưng người - mà - chúng - ta - hình - dung và người - mà - chúng - ta - chạm - mặt sẽ có những khác biệt khá xa.

Quen nhau trên mạng, chúng ta chỉ mới biết được một góc của một con người, vì vậy chưa hẳn là một tình yêu thực thụ. Đừng đặt áp lực phải yêu nhau ngay trong lần đầu gặp gỡ, hãy xem nhau khởi đầu như một người bạn rồi cả hai sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Hãy để chiếc máy tính, những công cụ chat như một cầu nối ban đầu. Bàn phím hay những biểu tượng cảm xúc của máy tính không thể thay thế cho ánh mắt, nụ cười, cho những lời bạn nói, cho cái đỏ mặt hây hây trên má bạn. Tình yêu có sức hút tự nhiên của nó. Nếu hai người thật sự là một nửa của nhau, đôi bên sẽ rất hợp “gu” thậm chí trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng nếu đã cố gắng gặp mặt nhiều lần mà vẫn ngượng ngùng, các cuộc hẹn vẫn dần dà đưa nhau vào “hấp hối”, đành lòng hai người phải thoát khỏi tim nhau.

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.