Khám phá biển Tây - Kỳ 3: “Nữ chúa” hòn Mây Rút

25/10/2008 12:10 GMT+7

Năm 2003, huyện Phú Quốc có thêm xã mới Hòn Thơm. Về địa lý, xã có đến 18 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng hiện tại chỉ có hòn Thơm, hòn Rỏi, hòn Mây Rút và hòn Dơi là có dân cư sinh sống. Ở hòn Mây Rút - đảo xa nhất - có ba người đàn bà suốt mấy chục năm qua ngày ngày vẫn ra biển.

Kỳ 1: Những người đi mở đảo
Kỳ 2: Người dẫn đường ở đảo

1. Người ta giới thiệu với chúng tôi một “lão bà bà” lưng còng, tóc trắng, mà mọi người thường gọi là “nữ chúa” hòn Mây Rút. Bà tên Bảy Yên, năm nay đã 81 tuổi, quê quán ở mãi Hòn Chông, huyện Kiên Lương, theo chồng ra đây lập nghiệp đã hơn 50 năm.

Từ cảng An Thới, mất hơn một giờ đi ghe máy vượt qua gần chục hoang đảo thuộc quần đảo An Thới, chúng tôi mới đặt chân lên được hòn Mây Rút. Trong căn nhà khá tinh tươm dưới rặng dừa cao chót vót, “nữ chúa” bồi hồi kể lại câu chuyện thời đi mở đảo: “Hồi mới đặt chân lên đây, vợ chồng tôi chỉ có duy nhất một cái cưa. Hằng ngày chồng tôi đi rừng phát cây trồng dừa, tôi ra biển bắt nhum, câu mực về ăn độn với khoai rạn (một loại củ mọc hoang trên rừng).Những tháng nắng tìm các hốc đá ven biển cạo lấy muối mang về để dành ăn. Nhiều bận biển động cả tháng trời, đói không có cháo ăn, đau không thuốc thang chạy chữa, lạnh không có quần áo mặc”.

Sau thời gian sống cô độc trên hoang đảo, rồi vợ chồng “nữ chúa” cũng đóng được chiếc ghe nhỏ để chèo vào An Thới, dùng các sản vật hái lượm trên rừng đổi lấy các vật dụng cần thiết. Có bàn tay con người, cả hoang đảo rộng hơn cây số vuông dần thay da đổi thịt. Vườn cây trái đẩy lùi dần những cánh rừng rậm. Đảo ngày thêm đông vui khi những đứa con của bà lần lượt ra đời. Nhưng cuộc sống kham khổ và sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã cướp đi sinh mạng của sáu trong tổng số 15 người con của bà.

Người ta gọi bà lão lưng còng tóc bạc là “nữ chúa” hòn Mây Rút bởi bà là chủ của đại gia đình hơn 30 người gồm con, cháu, chắt đang định cư ở đây. Không chỉ vậy, bà còn là người phụ nữ có tuổi đời cao nhất, người gắn bó lâu năm nhất với quần đảo An Thới hơn 3.000 dân này.

Bà Bảy Yên và hai con gái Phạm Thị Nữ, Phạm Thị Út - Ảnh: T.Đức

2. Tám Nữ - Phạm Thị Nữ, người con thứ tám của “nữ chúa”- theo mẹ ra đảo hồi mới biết bò, bây giờ đã qua tuổi 50. Lớn lên ở xứ biển đìu hiu, quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với sóng biển và cây rừng nên Tám Nữ quen với kiểu nói chuyện rổn rảng như cãi nhau với hàng xóm: “Hồi trẻ tui chuyên đánh (mặc) tà lỏn đi câu rạn và chèo ghe vô An Thới, hòn Thơm đổi cá lấy gạo, muối. Riết rồi quen nên hễ mặc quần dài vào là thấy nực nội, vướng víu không chịu nổi. Lại thêm cái tật ăn nói bỗ bã của tui mà không thằng nào dám xáp vô. Chừng đứa em làm mai ổng cho tui, thế là cưới. Cưới rồi mới biết mặt chồng. Còn cha chồng thì phải tới 19 năm sau tui mới về dự... đám giỗ ổng!”.

Vợ chồng Tám Nữ không có con nên bàn nhau đi xin một bé trai về nuôi. Chồng Tám Nữ có cái tên khá “mềm mại” Hà Ngọc Đôi, Tám Nữ bèn đặt tên cho thằng nhỏ là Bạn - Hà Ngọc Bạn, năm nay đã 15 tuổi. Hằng ngày cha con Đôi - Bạn đi câu bằng xuồng máy, còn Tám Nữ câu bằng bè tự kết. Vậy mà nhiều bữa thùng cá trên bè của Tám Nữ cân cho mối được những 200.000 đồng, trong khi cá của hai cha con Đôi - Bạn người ta trả có 90.000 đồng.

Hỏi Tám Nữ được gì, mất gì khi gắn đời mình với biển, Tám Nữ phá lên cười: “Nhiều người đến đây tham quan, đâu biết rằng cha mẹ, anh em tui đã lao động hết mình mấy chục năm trời mới biến đảo hoang này thành một hòn đảo xanh tươi như ngày nay. Đó là phần thưởng lớn nhất của chúng tôi. Còn mất thì tui có gì đâu mà mất!”.

Căn nhà của gia đình bà Bảy Yên ở hòn Mây Rút - Ảnh: T.Đức
3. Phạm Thị Út - cô con gái út của bà Bảy Yên - năm nay mới 34 tuổi nhưng đã có tới sáu đứa con. Hằng ngày, thằng nhỏ nhất ở nhà với bà ngoại, còn năm đứa lớn 5-16 tuổi đều phải ra biển tìm cái ăn. Hôm chúng tôi đến, Út đang cắm cúi ngồi kết thêm chiếc bè bằng thùng xốp vớt được trên biển để các con bơi ra các rạn đá, san hô câu cá. Tụi nhỏ học nghề từ mẹ và bà ngoại. Một chữ cắn đôi Út cũng không đọc được, nhưng tính siêng năng, hay làm nên ngày cưới chồng, Út được cha mẹ “tặng” nguyên một hòn Dơi rộng cả cây số vuông nằm sát bên hòn Mây Rút làm của hồi môn.

Hồi đầu Út giao cho chồng khai hoang trồng thêm dừa, mì, bắp làm lương thực, còn Út ra biển. Gần 20 năm qua Út đã rong ruổi khắp các rạn quanh hòn Dừa, hòn Rỏi, hòn Rầm Ghì, hòn Hay, hòn Móng Tay, hòn Dăm... vô tới mũi Đèn, mũi Ông Đội trong An Thới để câu mực, cá mú, cá bè, cá thu. Hôm nào đi xa, Út dậy sớm nấu cơm mang theo để trưa dùng, xong câu tiếp tới chiều tối mới quay về. Nhiều bận không mang thức ăn theo nhưng do đi trúng bãi gặp toàn cá thu, cá bốp, mê quá Út đành uống nước lã cầm hơi.

“Biển cả nuôi mình nhưng nó cũng hay trở chứng lắm. Có khi thấy trời yên vậy nhưng đùng một cái nổi sóng ào ào, trở tay không kịp. Tui suýt mấy lần mang cái bụng bự này “đi xa” luôn rồi. Có lúc nằm đêm suy tính hay là bán bớt một ít đất đai ra mặt chợ ở cho khỏe cái thân, nhưng rồi nghĩ lại cả đời cha mẹ mình đã gắn bó với hòn đảo này, nó như một phần trên cơ thể mình vậy, không thể nào xa rời được”- Út nói.

Nhìn cái bụng bầu căng tròn của Út, chúng tôi ái ngại: “Sao chị chưa chịu nghỉ, lỡ đang đi biển mà bị đau bụng thì biết ứng phó thế nào?”. “Thì đã có má tui đây. Hồi sanh mấy đứa trước, má tui làm mụ cho tui không đó, có sao đâu. Tui đi biển một mình quen rồi, sá gì”. Rồi như sực nhớ ra, Út tỉnh rụi nói tiếp: “Thiệt bụng, trễ hai ngày rồi đó. Bác sĩ trong Dương Đông kêu vô đó coi sao, nhưng tui tính kết xong cái bè này cái đã”.

Theo Tấn Đức/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.