Chia ly trong nước mắt

07/10/2006 21:36 GMT+7

Điện thoại di động đã phát triển tới mức đến ngày nó chọn ta chứ không phải ta chọn nó. Dưới đây là tường thuật một buổi chia tay, khi chiếc điện thoại quyết định đổi chủ mới... nhiều tính năng hơn.

Tôi vừa bước vào nhà, đã thấy chiếc điện thoại di động của mình ngồi chờ sẵn với khuôn mặt nhăn nhó. Biết rằng bão sắp nổi lên, tôi định len lén chuồn xuống bếp thì điện thoại gọi giật lại:

- Đi đâu đó. Ngồi xuống đây biểu coi.

Cóm róm ghé nửa mông xuống mép ghế, tôi toát mồ hôi chờ một trận lôi đình. Chỉ mới mấy ngày trước, một người bạn cùng cơ quan đã bị điện thoại hành hung, một người khác bị điện thoại nhốt vào phòng cả tuần không cho tắm rửa, người thứ ba bị điện thoại cấm xem ti vi thi hoa hậu... Vậy phận mình sẽ ra sao?

Tôi ấp úng:

- Anh... anh đâu có lỗi gì?

Điện thoại cười nhạt:

- Chả lỗi gì. Nhưng em đã chán anh. Thế đủ chưa?

Tôi định mở mồm cãi rằng không đủ. Trên đời này biết bao nhiêu thứ chán mà vẫn phải sống, thậm chí vẫn phải tươi cười với nhau như hạnh phúc đang đầy có ngọn. Nhưng tôi chỉ nín nhịn, phản đối yếu ớt:

- Anh là một người chủ tốt. Luôn tôn trọng điện thoại, lắng nghe điện thoại và quan trọng hơn hết là luôn nộp tiền điện thoại đúng hẹn.

Điện thoại bĩu môi:

- Em không phải là một cái máy nông dân. Em là một nghệ sĩ. Cần những vẻ đẹp bên trong.

Nghe mà lộn ruột. Làm như ai không biết bên trong nó toàn đồ đã bị "luộc" sau một đợt bảo hành gần đây. Nhưng tôi vẫn dịu dàng:

- Anh xin lỗi. Anh sẽ sửa chữa để xứng đáng với tình cảm của em.

Điện thoại cười gằn:

- Không. Em quyết định thay thế anh. Em đổi qua một ông chủ đời mới hơn.

Nghe như tiếng sét nổ bên tai. Tôi trào nước mắt:

- Chúng mình mới sống chung có sáu tháng mà thôi.

Điện thoại lạnh lùng:

- Trong sáu tháng đó, anh đã trục trặc tới bốn lần, khi điện thoại gọi không liên lạc được.

Tôi tức quá. Một lần do kẹt xe. Một lần đang ở trong thang máy, hai lần kia đang đứng ngoài mưa.

Điện thoại liếc nhìn tôi từ đầu tới chân:

- Anh quá dày, tức quá thô. Không đủ độ mỏng của người thanh lịch.

Láo toét. Thân hình tôi vẫn trước sau như thế. Chẳng qua là nó đã gặp những ông chủ mới trẻ hơn nên mỏng hơn.

Tôi chống chế:

- Anh nghĩ cái quan trọng là tâm hồn, em ạ.

Điện thoại cười:

- Anh chụp ảnh kém. Lại không biết quay phim, mỗi lần dắt anh đi du lịch em phát nhục. Vỏ anh, tức da anh xám xịt, không sang trọng cũng không quyến rũ thậm chí cả ruồi.

Tôi muốn gào lên mình là người, và không cần phải lấy lòng ruồi. Nhưng điện thoại vẫn chưa tha:

- Khuôn mặt anh, hay còn gọi là màn hình vừa màu sắc kém vừa nhỏ hẹp. Anh chỉ có hai chục kiểu cười trong khi các đàn ông khác có tới 42 kiểu cho em chọn. Anh cũng thiếu nghe nhạc và chức năng điều khiển bằng giọng nói.

Vu cáo trắng trợn. Thứ nhất, những chức năng kia chưa bao giờ thấy nó dùng. Thứ hai, nó chưa bao giờ nói với tôi mà chỉ mắng nhiếc, quát nạt.

Điện thoại chuẩn bị đứng lên, chứng tỏ cuộc trao đổi sắp kết thúc:

- Anh chả có phụ tùng thay thế. Anh đã hết hạn bảo hành. Anh không có bao da.

Tôi vùng lên, thét rằng những thứ ấy phải mua kèm chứ không đương nhiên có. Điện thoại nheo mắt độc ác:

- Điều quan trọng nhất là anh hay hết pin giữa chừng và anh đã hư bộ sạc!

Không! Trong cuộc chia ly này, điều quan trọng thực sự là nó đã chán tôi, nó muốn đi tìm ông chủ mới nhưng lại không chịu thú nhận chuyện đó. Bản chất vấn đề là vậy thôi. Tôi ứa nước mắt, khi nhớ lại những ngày đầu tiên mua điện thoại về. Gia đình, cha mẹ đều khuyên là phải cẩn thận là cứ đã có quá khứ ăn chơi, ly dị và làm quen bừa bãi. Nhưng vì si mê, tôi đã nhắm mắt bỏ qua.

Điện thoại bước ra cửa:

- Thôi chào anh. Hãy coi em như một cuộc gọi nhỡ.

Rồi nó đi. Tôi đổ phịch xuống bàn, cảm thấy cô đơn nghẹn ngào. Không còn điện thoại di động, từ hôm nay, đời tôi sẽ ra sao?

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.