Bảo vệ tính mạng trẻ em trong lũ

04/11/2007 00:51 GMT+7

Những trận lũ lụt nhồi tới tấp xuống miền Trung đã gây quá nhiều thiệt hại vật chất cho vùng đất còn chịu nhiều gian khó này. Nhưng có một thực tế đau lòng lặp đi lặp lại rất nhiều lần, qua nhiều mùa lũ lụt mà tới nay chúng ta vẫn chưa có biện pháp cảnh báo hữu hiệu và giảm thiểu tối đa: đó là những cái chết do lũ lụt-sát thủ thầm lặng gây ra.

Ở những trận lũ lụt đã và đang xảy ra tại miền Trung, chỉ riêng ở mấy tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, đã có 12 em bé, nhỏ nhất mới 2 tuổi và lớn nhất 17 tuổi thiệt mạng. Còn nhớ, trong những trận lũ lụt mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm trước, đã có rất nhiều em nhỏ bị chết đuối. Nhưng sau khi có những biện pháp chống lũ lụt quyết liệt hơn, có những cảnh báo tốt hơn đối với người lớn và trẻ nhỏ khi nước lũ tràn về, những cái chết thương tâm ở vùng mà người dân phải “sống chung với lũ” này đã giảm thiểu.

Ngược lại, con số những em bé ở miền Trung chết vì lũ lụt mấy năm gần đây lại tăng lên rất nhanh. Và ở thời điểm này của mùa lũ, khi mọi dấu hiệu của lũ lụt đều được báo trước, được biết trước, nhưng con số người chết và mất tích do lũ, trong đó phần đông là trẻ em, lại khiến chúng ta vừa đau xót vừa giật mình. Công tác cứu hộ khi lũ tràn lũ quét và ở đỉnh lũ đã làm khá tốt, nhưng rất nhiều cái chết thương tâm lại tới từ những tình huống bất ngờ do sự bất cẩn. Những tình huống xem ra có vẻ là những hoạt động không mấy bất thường trong mùa lũ lụt như vớt củi trên sông, kéo vó bè bắt cá, thậm chí là những trò chơi của con trẻ vùng lũ như rủ nhau đi nghịch nước, xem lũ... đều có thể dẫn tới những tai nạn chết người.

Cần phải rất kịp thời cảnh báo về “kẻ sát nhân thầm lặng” là lũ lụt, ngay khi chúng khoác bộ mặt bình thường nhất. Vì với trẻ em không biết bơi, không có khả năng tự vệ hay tự cứu mình, thì chỉ cần một hũng nước bất ngờ cũng có thể dẫn tới tử vong. Ai cũng biết, nước lũ nước lụt thường có nhiệt độ thấp, là thứ “nước lạnh” rất nguy hiểm cho cơ thể khi con người bất ngờ bị cuốn bị chìm trong nước ấy. Khả năng bị chuột rút, bị tê liệt toàn thân là rất cao, và như thế, nạn nhân dù biết bơi nhưng bị  cuốn thình lình vào nước lũ cũng rất khó thoát thân.

Chỉ qua một trận lũ lụt chưa phải là “lịch sử” mà riêng tỉnh Quảng Nam đã có 7 em bé chết vì nước lũ, thì tổn thất ấy là quá lớn! Không thể cứ “bình chân như vại” trước những tai nạn kiểu như thế này được! Nếu gia đình phải có trách nhiệm trước hết để bảo vệ mạng sống cho con em mình, thì các cấp chính quyền lại phải có trách nhiệm cảnh báo cho dân, lo lắng cho dân, phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân là mục tiêu đầu tiên khi địa phương mình chịu lũ lụt. Kinh nghiệm cho thấy, những trận bão lớn tràn qua có thể gây rất nhiều thiệt hại vật chất, nhưng số người chết do lũ lụt sau bão hay lũ lụt không kèm bão lại chiếm một tỷ lệ rất cao trong thiên tai những năm gần đây. Nhất là ở các tỉnh miền núi và các tỉnh ven biển miền Trung, nơi những dòng sông có độ dốc cao và nước lũ thường tràn về đột ngột với cường suất lớn. Phải có biện pháp cụ thể để giảm thiểu những thiệt hại về nhân mạng, nhất là của trẻ em trong mùa lũ lụt. Đây là việc hoàn toàn có thể làm được. 

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.