Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn về bauxite, Vinashin và đường sắt cao tốc

13/11/2010 23:11 GMT+7

Chiều qua 13.11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn thông báo với báo giới về những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Theo ông Đàn, đến thời điểm này, Ủy ban TVQH đã trao đổi, thống nhất cao với Thường trực Chính phủ và đề xuất các nhóm vấn đề cùng danh sách 4 bộ trưởng trả lời chất vấn, gồm Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT), để gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH vào sáng thứ hai tới. Ông Đàn cũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẵn sàng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Đề nghị công khai danh tính trưởng các đoàn thanh tra Vinashin

Theo ông Đàn, đến thời điểm này, đã có 185 câu hỏi của 82 ĐBQH (41 đoàn) chất vấn gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng, các phó thủ tướng và hơn 20 bộ trưởng cùng Tổng kiểm toán nhà nước, Tổng giám đốc BHXH. Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được 19 câu hỏi chất vấn.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ Vinashin
Theo Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, Bộ Chính trị đã có chủ trương vực dậy ngành công nghiệp tàu thủy nhưng không có nghĩa là hợp lý hóa các thủ tục và những sai phạm, mà vẫn tiếp tục làm rõ để xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Công an… cũng đã vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý.

Các nội dung chất vấn Thủ tướng tập trung vào vấn đề tái cơ cấu Vinashin; việc xử lý trách nhiệm các cá nhân vi phạm pháp luật ở tập đoàn này; vì sao có 15 cuộc thanh tra, kiểm tra Vinashin nhưng vẫn không phát hiện sai phạm để ngăn chặn; đề nghị công khai danh tính các trưởng đoàn thanh tra tại các cuộc thanh tra đó và làm rõ trách nhiệm, xử lý; trách nhiệm của Thủ tướng, Phó thủ tướng phụ trách ngành liên quan đến thua lỗ của Tập đoàn Vinashin... Đồng thời, các ĐBQH cũng đề nghị Thủ tướng làm rõ việc tăng, giảm cấp cục, tổng cục của các bộ, ngành hiện nay dẫn tới tăng biên chế; trách nhiệm của Chính phủ khi đề ra việc sáp nhập các bộ, ngành nhưng biên chế ngày một tăng.

Ngoài những nội dung trên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhận được các chất vấn về chấn chỉnh đầu tư sân golf; đề nghị Chính phủ làm rõ có dừng dự án khai thác bauxite Tây Nguyên hay không và ảnh hưởng của dự án tới môi trường, tính hiệu quả của dự án. Các ĐB cũng chất vấn Thủ tướng vì sao Chính phủ tiếp tục theo đuổi dự án đường sắt cao tốc, hiện đã đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 trong khi QH chưa đồng ý về chủ trương đầu tư siêu dự án này.

Chất vất bộ nào nhiều nhất?
Trong số 185 câu hỏi chất vấn các ĐBQH gửi tới, Bộ trưởng Công thương nhận được nhiều chất vấn nhất với 33 câu, tiếp đến là Bộ Tài chính 16 câu, Bộ Y tế 15 câu, Bộ GTVT 13 câu, Bộ TN-MT 12 câu, Bộ NN-PTNT và Bộ GD-ĐT đều nhận được 11 câu, Bộ Nội vụ 10 câu. Các bộ trưởng khác đều nhận được từ 1 - 9 chất vấn.

Theo dự kiến, Thủ tướng sẽ là người đăng đàn cuối cùng tại phiên chất vấn lần này, để giải đáp thêm những vấn đề các bộ trưởng trả lời chưa thỏa mãn ĐBQH và trả lời các nội dung chất vấn trực tiếp tại nghị trường.

Điện và giao thông tiếp tục “nóng”

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều chất vấn nhất với 33 câu, tập trung vào 2 nhóm vấn đề là thiếu điện và nhập siêu. Bộ trưởng sẽ phải giải trình về quy hoạch, kế hoạch, lộ trình tiến độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo an toàn cho các nhà máy, đập nước, các giải pháp hạn chế rủi ro từ các hồ thủy điện; tình hình thiếu điện hiện nay, biện pháp xử lý tình trạng cắt điện tùy tiện, vấn đề giá điện, quan hệ giữa sản xuất, phân phối và truyền tải điện… Các nội dung chất vấn này sẽ nhận được sự "chia lửa" của nhiều bộ trưởng liên quan khác.

Bộ trưởng Y tế sẽ phải giải trình vào 3 nhóm nội dung là tình trạng quá tải ở các tuyến bệnh viện T.Ư và đa khoa tỉnh, giải pháp khắc phục; hiện trạng phát triển công nghiệp dược, quản lý sản xuất, chất lượng giá thuốc nói chung và việc tăng viện phí; dịch bệnh, ô nhiễm.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ phải giải đáp các vấn đề về quản lý, sử dụng ngân sách các quỹ tài chính; chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ; về nợ công và trách nhiệm của Bộ Tài chính; về quản lý giá, nhất là giá vật tư, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu, những giải pháp đã áp dụng để bình ổn giá cả. Đặc biệt là trách nhiệm quản lý tiền, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Vinashin.

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng sẽ phải giải trình về 3 nhóm vấn đề, gồm phân công quản lý và trách nhiệm của bộ trưởng trong quản lý một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc lĩnh vực ngành, trong đó phải làm rõ trách nhiệm quản lý ngành trước sai phạm của Vinashin; việc bố trí vốn và triển khai các công trình giao thông kém chất lượng do bộ làm chủ đầu tư; giải trình và làm rõ việc nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, đặc biệt là việc triển khai chuẩn bị cho việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc khi chưa có chủ trương của QH. Tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ngày một tăng cũng là vấn đề bộ trưởng phải giải trình trước quốc dân đồng bào kỳ chất vấn này. 

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.