Người giàu Việt Nam: Chiến lược từ một quyển sách

12/11/2009 22:47 GMT+7

Trước khi đọc và học được những bài học quý giá từ một cuốn sách về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp của ông Nguyễn Thành Nam tại Công ty FPT (ông Nam hiện là Tổng giám đốc FPT) đang ở vào bước đường cùng.

Khi Công ty FPT tròn 10 tuổi, ông Nguyễn Thành Nam được giao nhiệm vụ làm xuất khẩu phần mềm - một ngã rẽ chiến lược của FPT vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sau những tuyên bố trên báo chí về việc được giao "Thượng phương bảo kiếm" để "đi lấy tiền Tây"... là một "quả bóng xịt" to đùng. Ông Nam liên tiếp thất bại dù đã “chơi” tất cả các con bài có thể, kể cả việc thuê một chuyên gia nước ngoài với tiền lương lớn hơn toàn bộ doanh số xuất khẩu phần mềm của FPT cộng lại. Sự nghiệp của ông Nam tại FPT lâm vào ngõ cụt khi cứ ra họp là ông Nam và đội xuất khẩu phần mềm được coi như điển hình của sự ấu trĩ về kinh doanh và "ném tiền qua cửa sổ".

Mùa hè năm 2002, khi mà ngành phần mềm của FPT có khả năng bị đóng cửa, một nhân viên của FPT cho ông Nam mượn một cuốn sách nước ngoài viết về Hồ Chủ tịch có tên Ho Chi Minh, a life (Hồ Chí Minh, một cuộc đời). Đọc xong cuốn sách, ông Nam chợt nhận thấy "những tư tưởng của Bác sao mà gần gũi, thật phù hợp cho hoàn cảnh của Fsoft (bộ phận xuất khẩu phần mềm FPT) lúc đó khi khách hàng thưa thớt, anh em chán nản". Nghiên cứu kỹ các bài học từ cuốn sách này, ông Nam đưa ra một quyết định rất đặc biệt: xuất khẩu phần mềm theo chiến lược Hồ Chí Minh.

"Đánh thế"

Điều đầu tiên mà ông Nam học được là: FPT dù yếu về mọi mặt (cả khả năng tiếng Anh, quy trình làm phần mềm, lẫn kỹ năng quản lý...) vẫn có thể xuất khẩu phần mềm thành công được nếu biết "đánh thế". Ông Nam giải thích: "Khi cụ Hồ lãnh đạo nhân dân thực hiện Cách mạng Tháng Tám, chúng ta yếu mọi thứ và không có khả năng đánh thắng Pháp hay Nhật để tuyên bố độc lập. Thế nhưng, vào thời điểm đó, khi Nhật rút, Pháp tiến vào thì bản chất là không có chính quyền nào cả và chỉ cần đứng lên khởi nghĩa là giành thắng lợi. Đó chính là bài học đắt giá của việc "đánh thế" chứ không dùng lực".

Cũng từ tư tưởng "đánh thế", ông Nam và các cộng sự của mình tại FPT không còn ra nước ngoài để mời chào khách hàng nữa mà mục đích chỉ là gặp gỡ và giới thiệu họ đến thăm FPT tại Việt Nam. Lý do là "đánh thế" sẽ không thể thực hiện được ở nước ngoài - nơi FPT yếu và không ai biết đến. Chỉ khi về Việt Nam thì FPT mới có thể "đánh thế" được.

Chưa hết, khi ra nước ngoài, cách thức tiếp cận của ông Nam cũng thay đổi. Trước đó, FPT ra nước ngoài tự mình đi giới thiệu và chào mời, nay chuyển qua việc bắt buộc phải tìm được người có uy tín ở nước sở tại giới thiệu. Ông Nam cho biết: "Tôi đọc kỹ về cuộc đời cách mạng của cụ Hồ thì thấy, khi ra nước ngoài, Cụ đi đâu cũng tìm được người có tiếng tăm giới thiệu nên nhận được sự đón tiếp cũng như trọng thị ngay lập tức dù thời điểm đó Cụ chưa phải là người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng ở nước ngoài".

Trong canh bạc cuối với thị trường Nhật Bản, ông Nam cùng các đồng nghiệp tìm mọi phương kế để có được một người Nhật có tiếng tăm giới thiệu trước khi sang. Đó là lần đầu tiên kể từ khi đi xuất khẩu phần mềm, FPT được doanh nghiệp đối tác tiếp đón đàng hoàng...

Chiếc cầu nối đặc biệt

Tại FPT, ông Nguyễn Thành Nam là một trong những cổ đông lớn, số cổ phiếu FPT của ông có lúc trị giá lên tới hàng nghìn tỉ đồng, ở thời điểm hiện nay trị giá khoảng 230 tỉ đồng.

Khối tài sản khổng lồ cùng chức vụ Tổng giám đốc FPT chẳng khiến vẻ bề ngoài cũng như cách chi tiêu của ông Nam thay đổi. Ngày thường, ông Nam vẫn đi làm trong bộ quần áo tối màu hơi cũ, trông hơi giống anh công nhân. Ông Nam cũng không mua ô tô riêng mà thích đi xe ôm và xe buýt!

Sự nghiệp xuất khẩu phần mềm của ông Nam cũng như FPT đã có những tín hiệu tích cực đầu tiên từ những khách hàng nhỏ ở Nhật.

Và cũng kể từ khi ông Nam cùng bộ phận xuất khẩu phần mềm của FPT thực hiện "chiến lược Hồ Chí Minh" tình hình đã thay đổi hẳn. Phần mềm từ chỗ là một "đứa trẻ con sống quoặt quẹo" tại FPT đã vươn lên trở thành niềm tự hào lớn nhất của công ty này. FPT từ chỗ là một công ty "sinh sau đẻ muộn" trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam đã trở thành công ty phần mềm số 1 Việt Nam, vượt xa tất cả các công ty phần mềm khác. FPT cũng trở thành công ty Việt Nam vươn ra thế giới mạnh nhất với việc mở tới 6 công ty ở nước ngoài để làm phần mềm cũng như các dịch vụ khác về công nghệ thông tin.

Với cá nhân ông Nam, sau khi thành công lớn với xuất khẩu phần mềm, ông Nam được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Công ty FPT thay ông Trương Gia Bình.

Chiến lược Hồ Chí Minh từng giúp ông thành công trong xuất khẩu phần mềm tại Fsoft giờ được ông Nam áp dụng cho toàn bộ FPT. Cuốn sách Hồ Chí Minh, một cuộc đời đã được ông Nam dịch ra tiếng Việt trước đây chủ yếu được lưu hành trong Fsoft giờ được phổ biến rộng rãi hơn tại FPT.

Trong lời tựa cho cuốn sách chỉ được lưu hành nội bộ, ông Nam viết: "Tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần, và quyết tâm dịch quyển sách này ra tiếng Việt. Tôi muốn chia sẻ với vợ tôi, với con gái tôi, với bạn bè tôi, với đồng nghiệp của tôi về những điều bình thường mà vĩ đại của con người Hồ Chí Minh”.

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.