Già, trẻ cùng làm việc nghĩa

25/09/2007 22:39 GMT+7

Đó là những người tham gia tích cực vào "đoàn quân" tình nguyện, trải lòng với đồng bào bị thiên tai bão lũ, với những trẻ em vùng sâu, vùng xa... Họ là gương mặt tiêu biểu nhất trong chiến dịch thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè 2007 do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

20 ngày và 6.500 bộ quần áo

Đó là chiến công của Cao Văn Sơn và Phan Quốc Việt -  hai học sinh trường THPT số 3 Bố Trạch (thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chỉ trong vòng 20 ngày kể từ khi trận lũ kinh hoàng quét qua 2 xã Văn Hóa, Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) gây thiệt hại nặng nề về người và của, Sơn và Việt đã kịp thời vận động, quyên góp được 6.500 bộ quần áo, hàng trăm bộ chăn, nón mũ, sách vở... để cứu trợ hàng trăm gia đình gặp khó khăn và giúp các em nhỏ có điều kiện đến trường đúng ngày khai giảng.

Lúc hay tin lũ về thì cả Sơn và Việt đều đang bị ốm do dầm nước bùn trong một đợt tình nguyện ngay trước đó chỉ mấy ngày. Sơn nói với Việt: "Mình ốm còn nhiều ngày mới khỏi, đợi lúc đi lại được thì biết khi mô đồng bào mình mới được giúp đỡ". Thế là cả hai quyết định đi quyên góp ngay tại địa phương, rồi mang hàng cứu trợ cho người dân (cách đó khoảng 40 km) bằng xe đạp. Việt kể: "Mấy ngày đầu mọi người cũng nghi ngờ vì việc làm của chúng em là tự phát, không có ai biết hết. Nhưng nghe hai đứa trình bày thật lòng thì họ ủng hộ liền". Cả hai cho biết, khó nhất không phải khâu vận động mà là thời điểm quyên góp, phải tận dụng buổi trưa và tối khi người ta có nhà để đến, trong khi buổi tối đạp xe, đường lại tối như bưng.

Cứ lựa được áo quần còn tốt là hai bạn lại hì hục giặt lại cho mới, gấp phẳng phiu rồi xếp ngay ngắn vào bao ni-lon. Khi nào gom được kha khá thì cả hai chở bằng xe đạp mang đến cho người dân vùng lũ. Tấm lòng và nhiệt tình của hai cậu học trò nghèo đã giúp cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn thấy ấm lòng. Cả hai thổ lộ: "Chúng em đều từ trong cái khổ mà ra, thấy người ta còn khổ hơn mình thì thương. Không có tiền để giúp thì mình chịu khó bỏ công sức để bù đắp. Tình thế cấp bách quá nên chúng em cũng tự ý làm riêng, khi việc làm có kết quả mới dám báo với chính quyền, đoàn thể để hỗ trợ". Ít ai biết rằng, ngay từ nhỏ cả Sơn và Việt đều phải lao động rất vất vả để phụ giúp gia đình, từ việc xách ấm bán nước chè ngoài cổng chợ cho đến bán kem, buôn dừa nước và... lái máy cày. Cả hai đều tâm niệm: "Sẽ giúp đồng bào để không còn nhiều người khổ như mình".

Ông Tư tình nguyện

Nói về kế hoạch tình nguyện năm sau, cả Sơn và Việt đều nhất trí: ngoài việc quyên góp quần áo, đồ dùng học tập như đợt tình nguyện vừa qua, cả hai sẽ thành lập một nhóm bạn, trong đó mỗi tháng các thành viên sẽ góp một khoản tiền vào quỹ Tình thương để ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn.

"Cái thùng" của ông Tư tình nguyện

Khi nghe tin ông Đào Văn Tư (75 tuổi) - cư dân cư xá Tân Cảng (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tham gia đội tình nguyện của Thành Đoàn TP.HCM đi tỉnh Kiên Giang, nhiều người lo ngại cho sức khỏe của ông vì tuổi cao. Họ bảo, cả chục năm nay, ngay tại địa phương ngày nào ông cũng làm công việc tình nguyện, đi xa rồi không khéo lại thêm bệnh. Nhưng ông Tư thì cứ nhất quyết: "Tôi đi để hòa mình với người dân, để hiểu thêm về đời sống, để thấy tuổi trẻ cống hiến ra sao". Và ông Tư lên đường đi tình nguyện với nhiệm vụ dạy học, tư vấn pháp luật và làm đường, làm nhà cho bà con nghèo thuộc nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang.

Được biết, ông Tư đã tự mình làm công việc tình nguyện từ lâu lắm. Hằng ngày ông vá xe đạp ở ngã tư gần nhà, với đúng công sức bỏ ra, số tiền có được ông đều cho vào một chiếc thùng, rồi tìm đọc báo thấy có hoàn cảnh khó khăn là ông lại mang cái thùng đó đến, khui ra để mà làm việc nghĩa. Hoặc giả có khách nào bán xe đạp cũ ông đều mua lại, sửa chữa ngon lành, sơn lại cho mới rồi cũng tự ông đem trao tận tay cho những học sinh nghèo hiếu học. Không thể nhớ ông đã trao bao nhiêu chiếc xe đạp, bao nhiêu triệu đồng - số tiền ông tích cóp từ việc vá xe đạp mà chỉ thấy ông càng ngày càng vui, càng hăng hái làm việc nghĩa.

Giữa tháng 7 vừa qua, ông lại vào vai "thanh niên" tình nguyện. Nhiệm vụ của ông đã hoàn thành, nhưng rồi một hôm ông thấy cái giếng của nhiều bà con nơi đây bị ô nhiễm, thế là ông mày mò sáng chế ra kiểu giếng dùng ròng rọc múc nước. Rồi ông cùng các bạn trẻ tổ chức thi công luôn. Bây giờ thì bà con không còn phải chịu cảnh dùng nước bẩn nữa... Hết chiến dịch, ông lại về nhà. Ông vẫn nhớ cái cảm giác bịn rịn chia tay với bà con: "Thương đồng bào mình lắm! Năm sau mà còn khỏe tôi sẽ lên đường, nhưng giờ ở nhà rồi tôi làm công việc tình nguyện khác, tôi muốn mang "cái thùng" đi khắp nơi...".

Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.