Những kiểu "đốt" tiền của sinh viên "quý tộc"

25/10/2005 16:50 GMT+7

Bên cạnh những cô cử, cậu cử tương lai đang ngày ba bữa “cơm bụi, canh đại dương” quyết tâm “nghèo vượt khó”, trên giảng đường ngày càng có nhiều sinh viên “giàu... vượt sướng” với những scandal, trò chơi trội làm... rúng động cả giới học trò.

“Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, học bình thường, chơi là chính”...

Cưỡi “con hươu cao cổ” Rebel có cái đuôi dài loằng ngoằng vọt ra khỏi căn nhà ba tầng, Trung nhằm thẳng hướng phố Huế lướt qua chợ trời, rẽ vào phố Tăng Bạt Hổ. Những hôm Công ty Xổ số kiến thiết Thủ đô quay thưởng, thể nào Trung cũng có mặt ở điểm quay để tận mắt chứng kiến giây phút một con độc đắc “ra đời”. Đánh đề chỉ là một thú chơi rất “tao nhã” của Trung, chủ yếu là “để còn biết hồi hộp, chờ đợi”.

Đây cũng là kiểu “trả góp” mà Trung cực kỳ ưa thích: “Tiền nhà ít khi bê được của bà lão quá 20 triệu/tháng nên chơi đề cải thiện”. Chẳng mấy khi đánh đề dưới 1 triệu/con nên nhiều quán ghi đề thấy Trung đến vừa mừng nhưng mặt cũng xám ngoét. Và đã có lần anh chàng này được “trả góp”, bê nguyên 70 triệu tiền trúng đề đi tiêu một đêm và buổi sáng hôm sau thì hết.

Ngay khi đỗ vào khoa tin học Trường đại học Q., ông bố Trung hứng khởi tuyên bố “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, ngay lập tức sắm cho cậu quí tử một máy tính xách tay giá 1.800 USD, một xe FX hơn 20 triệu đồng, một điện thoại di động 5,4 triệu và một thẻ ATM có cỡ 20 triệu trong tài khoản. Bà mẹ sợ con khổ đã quyết định mua một căn nhà trong ngõ trị giá 495 triệu “để nó đỡ phải chuyển nhà trọ”.

Đó là chưa kể các vật dụng như tivi, truyền hình cáp, đài “để con học tiếng Anh”, máy giặt “để đỡ mất thời gian vào việc vặt”... Được đầu tư như thế nhưng khi lên Hà Nội học chưa được bao lâu, Trung đã nổi tiếng với những chuyến “vi hành” thâu đêm trong ký túc xá. Giữa giờ học cứ thấy nhấm nháy là y như rằng tối đó mấy chiến hữu trong ký túc xá đã “mở tiệc” sẵn, chờ Trung và mấy bạn “ngoài thành” vào là cả bọn... sát phạt.

Rèn nghề một thời gian, Trung được dân anh chị ở nhiều sới bạc lớn của Hà Nội biết mặt. Thua rất đau, có đợt phải xin bạn... 4.000 đồng ăn tối nhưng có lần Trung thắng tới 168 triệu sau hai ngày một đêm ngồi sới. Vũ trường, nhà hàng thỏa thuê, Trung tậu con Rebel, rồi cao tay... mua quà tặng mẹ. Số tiền còn lại, Trung cảm ơn các chiến hữu đã cho vay tiền. Vì thế, bất cứ khi nào “công tử” này cần tiền, chỉ cần hô một tiếng là có.

Cứ tưởng những sinh viên “chơi là chính” như Trung thật khó tìm nhưng chỉ một thời gian ngắn tìm hiểu, tôi đã được giới thiệu tới vài chục “thiếu gia” với mánh ăn chơi và tốc độ đốt tiền... không tưởng tượng được. Đến nỗi một vị trưởng phòng công tác học sinh sinh viên của Đại học K. (Hà Nội) phải thốt lên: “Tôi biết có một sinh viên lấy tiền của nhà nhiều đến mức chỉ cần anh ta... nhịn chơi một tháng là đủ tiền trao học bổng cho gần 200 sinh viên trong một năm”. Nói rồi ông kết luận: “Giờ những sinh viên chơi là chính như thế trường nào cũng có”.

Hùng, một “thiếu gia” ở Trường đại học dân lập Đ, nghe nói về Trung liền bảo “dân chơi cả, biết chứ”. Nhưng “nó ở hội casino, còn tôi thuộc hội làm vườn”. Hỏi mãi, mới biết đám sinh viên ăn chơi tụ nhau thành nhóm, chia hội hẳn hoi. Hội casino - đánh bạc, hội làm vườn là của những người thích chinh phục để đêm đêm dẫn bạn gái ra các công viên, ghế đá... chăm cây. Ngoài ra còn có cả hội thiếu vitamin cay (uống rượu bằng bát), hội chơi chim cảnh (săn hàng độc trên mạng)...

Khác với Trung, Hùng chỉ đam mê chinh phục phái đẹp nhưng khả năng đốt tiền cũng không kém cạnh. Có biệt danh “Don Juan”, điển trai, cao ráo nhưng Hùng tuyên bố “đã chơi là chịu chơi chứ không chơi chịu”. Ngay năm thứ nhất, Hùng phát hiện một “mỹ nhân” ở xóm trọ liền kề. “Em này sành điệu lắm, con quan, thuê một mình một nhà, xài toàn đồ xịn”. Khi hàng tá trai tráng phải ngậm ngùi “vác cưa về” thì Hùng dồn sức tìm nick của nàng để chat.

Kiên nhẫn hơn một tháng trời mới hẹn gặp được. Hôm đó, Hùng đã làm một việc mà ít ai dám làm: đem chiếc Dream Thái mới cóng lên chợ trời bán lấy 19 triệu, cắm tiếp cái điện thoại di động và thẻ ATM (bị kiểm soát) lấy 15 triệu rồi cầm tiền đi thuê ngay một chiếc... Mercedes E240 để đón người đẹp. Thấy ghế chưa xịn, Hùng bỏ tiền bọc lông thú luôn cho hai chiếc ghế sau. Chưa đủ, trước khi đi, Hùng lên Trung tâm thương mại Tràng Tiền mua một bộ hàng hiệu.

Chọn loại nước hoa hơn 10 triệu/lọ, chàng sinh viên láu lỉnh dúi vào tay cô nhân viên 500.000 đồng, “em xịt thử vào người anh một cái, nếu sếp thích mùi này anh sẽ quay lại mua”. Thế là đủ bộ, Don Juan bước lên Mercedes tới điểm hẹn. Nửa buổi dẫn nàng đi mua sắm, rồi ăn tối, đến vũ trường hô rượu xịn. Đêm, Hùng được toại nguyện khi nàng phản ứng yếu ớt trước lời mời “vào (khách sạn) Daewoo nghỉ”.

Dù giật mình trước những kiểu ăn chơi “cao thủ” của Trung và Hùng nhưng khi gặp Tuấn (người Hà Nội, đang học Đại học K.T.) mới biết những anh chàng kia vẫn thuộc dạng “tỉnh lẻ”. “Trung bình mỗi đêm thằng Tuấn tiêu hết 20 triệu”, một chiến hữu của Tuấn khẳng định. Anh chàng gầy gò này trông rất giống một công tử ăn chơi từng bị Công an TP.HCM bắt vì tội dùng chiếc BMW đua xe.

Luôn là “chủ xị” trong các cuộc chơi và dường như không bao giờ đếm tiền khi thanh toán, Tuấn có “thâm niên” đốt tiền tính từ hồi học cấp III. Gái, rượu, vũ trường, đua xe... đều rất rành, đến nỗi bố mẹ “công tử Bạc Liêu” này phải tính nước “nhốt”: trả lương cho xe ôm, sáng đưa đi học, hết buổi đón về. Nhưng thay đổi đủ dạng người đưa đón đều chỉ được mấy hôm Tuấn đã mua đứt được, không bằng những chầu karaoke tới bến thì vô hiệu hóa bằng chính sách “đầu gấu trị”. Cắt viện trợ, Tuấn cặp với một bà gần 40 tuổi.

Bà mẹ gầm lên, ông bố đành thỏa hiệp: “Thôi, mày muốn lấy cái gì thì lấy, chỉ cần bốn năm sau đem về cho tao cái bằng đại học”. Thực thi thỏa thuận ấy, ban ngày thi thoảng thấy Tuấn xuất hiện trên lớp với bộ mặt hiền lành. Nhưng cứ chuông điện thoại reo thì y như rằng trước cổng trường đã có một, hai chiếc xe hơi láng coóng đang lòng vòng chờ đợi.

Khi tiếp cận được cậu thanh niên mới hơn 20 tuổi này, Tuấn trả lời tôi một câu xanh rờn vì tưởng là bạn học cùng lớp: “Trẻ không xông pha về già ân hận!”. Hỏi: “Có đêm ông tiêu hết 20 triệu hả?”. Tuấn nhả khói thuốc lạnh lùng bảo: “Độc thuê sảnh khách sạn đã mất ngần ấy rồi ông ạ. Bữa nào khao nặng phải mất hai cục (200 triệu)!”. “Ông chơi trội quá”, “Thiếu gì thằng như tôi, mỗi thằng khao một buổi”! Vừa trả lời xong, Tuấn đã “bận” với chiếc điện thoại O2: “Lại phải xuống Hải Phòng chơi với mấy thằng bạn”...

Nữ sinh cũng lắm “anh hào”

Cứ tưởng cánh sinh viên nam mới có những mánh chơi “rạch trời rơi xuống”, nhưng thực tế giới “sinh viên qúy tộc” nữ cũng có cách chơi sành điệu không hề kém cạnh.

Sinh viên lớp K49 Trường đại học N. cứ đinh ninh cô Trần Thị Hải Yến, dáng người khắc khổ, là sinh viên cùng lớp suốt một học kỳ vì cứ đúng chuông là cô có mặt, hiên ngang đứng lên điểm danh. Thi thoảng Yến còn dẫn cả cô bạn đỏm dáng vào lớp. Thế rồi đến buổi thi hết học kỳ, một giảng viên khó tính chất vấn gay gắt khi thấy “vị khách” đi thi, người ta mới ngã ngửa ra rằng người vẫn đi học chỉ là oshin của sinh viên Trần Thị Hải Yến, còn cô sinh viên thật thì thi thoảng mới tạt qua “thăm” lớp. Yến đã rộng rãi trả cô oshin 1,5 triệu/tháng để giặt giũ, đi học hộ để cô có thời gian... ngủ, đi mua sắm.

Về xóm trọ tìm hiểu, Yến còn nổi tiếng hơn ở trường. Thoắt cái đã thấy nàng bán chiếc xe SH đen nhánh mới tậu với giá... 12 triệu. Đó là một buổi trưa, nàng móc di động gọi mối quen: “Em đang cần tiền, anh mua xe không?”. Biết khách sộp, ông chủ đại lý xe máy kêu taxi đến ngay. “Anh dắt đi, 30 triệu”. “25 thôi em nhé!”. Chỉ một câu đó nhưng nàng cáu tiết móc điện thoại ra, chưa đến 7 phút sau, mặc kẻ đến trước đứng như trời trồng, nàng tuyên bố với người đến sau: “Em lấy anh 12 triệu, đưa tiền đây”.

Với cái thẻ vip của một hãng taxi, đi đâu Yến chỉ cần gọi, cuối tháng trả tiền. Mà đó mới chỉ là thẻ vip tầm tầm bậc trung. Tại vũ trường N. nổi tiếng, dân chơi gọi rượu uống không hết thì gửi, riêng Yến... bỏ luôn, mai thích gọi tiếp. Khi “nóng người”, Yến cởi áo khoác, lộ ra bộ hàng hiệu Hong Kong mỏng đến không cần tưởng tượng gì thêm. Tiêu pha như thế nên bà chủ nhà trọ của Yến đã... suýt ngất khi được cô sinh viên gửi chuyển cái hóa đơn ghi các khoản nợ lên tới 207 triệu đồng cho bố mẹ sắp lên thăm, rồi “tếch” đi du lịch Singapore một tuần.

Thế giới sinh viên “quý tộc” có nhiều kiểu chơi lạ đến giật mình. Là sinh viên đại học sư phạm ngoại ngữ, ngay khi vào trọ, Lan (quê Lạng Sơn) đã nổi bật với quyết định “lắp điều hòa nhiệt độ”. Đợt Hà Nội mất điện do hồ Hòa Bình cạn, “nóng không chịu nổi”, Lan rủ một bạn ra khách sạn ngủ. Nhưng đến nơi, “sợ nhỡ đêm mất điện”, cô quyết định mua luôn vé máy bay để... bay vào TP.HCM ngủ, nhân tiện đi mua sắm. Hai hôm sau về, Lan khoe: “Chỉ mất có hơn 20 triệu”.

Rồi mới cách đây một tháng, cả xóm sinh viên xôn xao vì mất nước và còn xôn xao hơn khi thấy Lan gọi đại lý nước khoáng chở 20 bình La Vie đến. Nhân viên giao hàng của La Vie cũng “choáng” khi biết khách hàng mua nước của mình chỉ để... tắm. Mà không chỉ một hôm, gần một tháng trời mất nước, khi đám sinh viên bên cạnh không có nước để uống thì Lan vẫn tắm bằng nước tinh khiết vì... thích.

Trên đây mới là “thành tích” tiêu tiền của một vài trong số những sinh viên “quý tộc”. Có nhiều “đẳng cấp” thấp hơn với một bộ phận không nhỏ sinh viên suốt ngày la cà quán xá, cà phê Internet. Song cũng có những sinh viên ăn chơi, đập phá còn kinh khủng hơn nhiều. Và thành tích học tập của họ cũng thuộc dạng kỷ lục. Có vị một kỳ thi bảy môn thì cả bảy đều phải vào “vòng chung kết”.

Nhân vật Trung ở đầu bài hay “tự hào” khoe: “Tôi là sinh viên năm 4 rưỡi, dù trường tôi dạy chỉ có 4 năm/khóa”. Theo lời Trung thì “trình độ” của anh chưa thấm thía gì vì có kỷ lục một “đại ca” học Trường đại học N. cách đây mấy năm: “Hắn học đến năm thứ tám mà vẫn chưa muốn ra trường ông ạ”...

Có một sự thật là hiện có nhiều người Việt Nam hiện nay đã giàu đến mức... không thể tưởng tượng được! Không biết số tiền bị đem... đốt một cách dễ dãi thế từ đâu ra?

Theo Tuổi Trẻ CN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.