Bí quyết của một giám đốc ngành may

22/10/2005 20:38 GMT+7

Tại những cuộc họp tháo gỡ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam nói chung và phía Nam nói riêng, ông thường là người phát biểu nhiều nhất. Và xuyên suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, không một câu nào nói về mình, ông say sưa với chuyện làm ăn, chuyện công nhân, khách hàng...

Giữ công nhân...

Nửa đầu năm 2005, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành may lao đao vì thiếu công nhân, không thể đảm bảo thực hiện các đơn hàng đã ký. Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 đã không  rơi vào cảnh ngộ đó. Hầu như rất hiếm có công nhân nào ở đây bỏ việc để xin chuyển sang nơi khác do lương thấp hay không đủ hàng để làm... Đó là kết quả của mối quan hệ thân thiện, tin cậy giữa đội ngũ quản lý và công nhân trong công ty. Kể cả những lúc công ty gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, công nhân cũng luôn tin rằng khó khăn đó chỉ là tạm thời, và họ vẫn ở lại. Tổng giám đốc Phạm Xuân Hồng tâm sự: "Khi công nhân tin tưởng ở lại thì công ty dễ vượt qua khó khăn. Nhưng nếu họ ra đi thì mình cũng không thể trách được vì mỗi người đều phải tìm ra một con đường sống cho mình. Tôi luôn nói với các quản lý xí nghiệp là nếu để công nhân ra đi thì hãy tự trách mình và xem lại thiếu sót của mình là gì". Ông luôn tâm niệm điều quan trọng nhất là phải tổ chức sản xuất, tạo ra được mức thu nhập cho công nhân cao hơn những nơi khác. Mức lương trung bình hiện nay của một công nhân tại Sài Gòn 3 là 1,6 triệu đồng/tháng, các khoản thưởng hằng tháng, trợ cấp các ngày lễ, tăng ca, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp khó khăn đều được công ty bảo đảm. Thậm chí công nhân Sài Gòn 3 còn thích tăng ca để tăng thu nhập. "Chúng tôi để cho công nhân thấy được Ban giám đốc thật sự quan tâm đến họ. Việc tăng ca, nếu có, là cần thiết và quyền lợi của họ được đảm bảo chứ không có tư tưởng tăng ca đồng nghĩa với bóc lột công sức" - ông Phạm Xuân Hồng nói. Lực lượng lao động ổn định, chất lượng tay nghề đồng đều... đó là một trong nhiều yếu tố khiến khách hàng tin tưởng liên tục ký hợp đồng với Sài Gòn 3.

...và giữ khách hàng

Năm 2001, doanh thu của Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 khoảng 60 tỉ đồng hoàn toàn từ gia công. Năm 2004, con số đó là 303 tỉ đồng, trong đó doanh thu gia công là 120 tỉ đồng, còn lại là doanh thu từ sản phẩm sản xuất theo giá FOB (mua vật liệu, bán thành phẩm). Dự kiến, doanh thu cả năm 2005 của Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 sẽ đạt 360 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ gia công trên 130 tỉ đồng.

Danh sách khách hàng của Sài Gòn 3 có không ít những tên tuổi như J.C.Penney, Levi's, Nike, EMS, Tenson, American Eagle... Tổng giám đốc Phạm Xuân Hồng cho biết: "Chúng tôi mới nhận được đơn hàng của một tập đoàn ở Hồng Kông từ sự giới thiệu của khách hàng lớn là Mas Industries (Mỹ). Cách đây mấy tuần cũng có một đoàn doanh nghiệp Nhật đến TP.HCM và họ đã tới công ty để tham quan vì trước đó có một tờ báo Nhật đã viết về chúng tôi".  Nhưng để được giới thiệu như thế quả không dễ chút nào. Ai cũng có thể biết rằng chữ tín là điều quan trọng nhất trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Sài Gòn 3 đã tạo dựng được cơ sở vững chắc, những ưu thế riêng của mình để đạt được những kết quả nhất định khi thương lượng với khách hàng. Bài bản của vị tổng giám đốc giàu kinh nghiệm này là phải tạo được ưu thế riêng mà người khác không thể thay thế được, khi đó thì việc thương lượng với khách hàng dễ đạt được kết quả mong muốn. Không chỉ thế, ông đã rút ra được nhiều bài học khác từ những cuộc gặp khách hàng. Ví dụ khách hàng Nhật để ý kỹ đến từng đường kim mũi chỉ; khách hàng Mỹ thì lại để ý đến những vấn đề an sinh xã hội như có đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho công nhân, diện tích nhà xưởng, nhà vệ sinh tương ứng với số lượng công nhân hay không... Thậm chí, lúc nào giá đơn hàng của Sài Gòn 3 cũng đạt được ở mức cao hơn mức trung bình khoảng 5 cent/sản phẩm. Bí quyết để đạt được điều này là: "Theo tôi, các thủ thuật như khéo léo, khôn ngoan trong đàm phán chỉ mang tính tạm thời.

Tổng giám đốc Phạm Xuân Hồng

Cái gốc là mình phải có được một ưu thế nào đó như chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, sự hợp tác bền vững... Hơn nữa, phải đảm bảo được lợi ích của cả khách hàng thì mới cùng làm ăn với nhau được". Khi đã tin cậy lẫn nhau, các đối tác cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ các khó khăn của công ty như chi phí tăng ca, chi phí vận chuyển... "Nhưng điều quan trọng để đạt được sự chia sẻ là anh hãy làm đi rồi mới nói. Khi đó khách hàng sẽ dễ dàng bị thuyết phục và dễ dàng móc thêm tiền túi ra chi trả", ông thật tình kể.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi Sài Gòn 3 trở thành công ty cổ phần (hiện vốn nhà nước chỉ còn 10%), vị tổng giám đốc không còn trẻ này vẫn tiếp tục lèo lái công ty trên đường phát triển. Đặc biệt, ông cho biết luôn sẵn sàng mở cửa, tiếp đón các doanh nghiệp gần xa đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất bất kể lúc nào.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.