Nhà vệ sinh trường học: Khắp nơi bức xúc!

22/10/2007 23:34 GMT+7

Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng hàng triệu học sinh cả nước phải "nín" vì nhà vệ sinh quá dơ bẩn! Không chỉ ở nông thôn mới có tình trạng này, một số trường học ở các đô thị lớn cũng nhếch nhác không kém. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh (HS), môi trường giáo dục cũng theo đó bị hạ chuẩn, mất uy tín...

Đà Nẵng: 5 năm vào nhà vệ sinh 1 lần!

Đi "ị" là xấu lắm (?)

Anh Sơn (đường Dũng Sĩ Thanh Khê, Đà Nẵng) bức xúc kể lại: Con gái đầu của anh vốn theo học một trường mẫu giáo công lập của thành phố, cứ mỗi hôm đi học về đến nhà là chạy ào vào nhà vệ sinh vì đau bụng. Có nhiều hôm vừa đón con ra khỏi trường, con bé đã kêu đau. Đi học được chừng vài tháng thì cháu mắc bệnh táo bón nghiêm trọng. Gặng hỏi nhiều lần, cháu mới mắc cỡ trả lời: "Trên lớp, cô giáo bảo em nào đi "ị" là xấu lắm, là không ngoan, nên con không dám đi, nên ráng nhịn đến khi về nhà!". Rồi con gái anh kể nhiều bạn trong lớp "chịu" không được nên "ị" ngay trong quần, lập tức bị cô giáo mắng té tát và bạn bè chọc ghẹo đến nỗi các bạn ấy phải khóc.

Nhà vệ sinh trường Tiểu học không có... cửa - ảnh: V.P.T
Trò chuyện với nhiều phụ huynh của các em lứa tuổi mầm non, nhà trẻ về vấn đề này, đều nhận được những câu chuyện tương tự. Khi đưa đứa con thứ hai đi nhà trẻ, chị N.T.Hồng (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) đã huấn luyện trước cho con mình mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là làm toàn bộ "thủ tục vệ sinh" để khỏi lâm vào cảnh của thằng anh bị mắc bệnh táo bón nghiêm trọng sau một thời gian đi học mẫu giáo. Chị lý giải: Cái tuổi đó đâu thể tự làm vệ sinh một mình, nên cô giáo phải là người tham gia "công tác hậu cần". Học sinh thì đông mà giáo viên thì ít, nghĩ đến chuyện 10 đứa đều đòi vệ sinh cùng một lúc, thì cô giáo không nổi đóa sao được. Chửi thì con mình cũng chịu, rồi đông quá cô giáo làm vệ sinh qua loa thì con mình cũng chịu. Thôi chi bằng, tự mình tìm cách khắc phục vậy! 

"Góc riêng" của nữ: Ai cũng... nhìn rõ

Ở trường THCS Nguyễn Huệ có 2 khu vệ sinh nam, nữ để đáp ứng cho toàn bộ hơn 1.500 học sinh của trường. Trong số 5 nhà tiêu cho khu vực nữ thì 1 nhà bị hỏng, 1 nhà vệ sinh không... cửa. Vậy là tất cả học sinh nữ của trường tạm dùng chung 3 nhà tiêu còn lại. Tình trạng trên cũng không khá hơn tại trường Tiểu học Hoa Lư  (cơ sở 1) với 875 học sinh và 2 khu vệ sinh dành cho nam, nữ. Tuy nhiên, tại mỗi khu vực, ngoài 2 nhà tiêu có cửa hẳn hoi thì còn lại là... để trống. Điều này có vẻ không quan trọng lắm đối với các học sinh nam nhưng lại khá khó khăn cho các học sinh nữ. Trước tình cảnh "hở tứ phía" không được đẹp mắt này, các học sinh nữ đành chịu khó chờ nhau ở khu vực phía trong kín đáo hơn.  Phản ánh vấn đề nhà vệ sinh trường học, một phụ huynh có con học trường T.V.O (Đà Nẵng) cho biết bây giờ con gái mình đã học lớp 5 và trong suốt 5 năm liền học tại trường, cháu chỉ dám vào nhà vệ sinh... 1 lần vì sợ bẩn!

Giáo viên và học sinh cùng một khu vệ sinh

Từ đầu năm học đến nay, thầy và trò trường THCS Nguyễn Duy Hiệu phải bấm bụng chờ nhau mỗi khi có nhu cầu giải quyết "chuyện riêng"! Nguyên nhân cũng vì khu vệ sinh dành cho học sinh của trường đang được đập bỏ để xây mới. Cả trường có 578 học sinh với 40 giáo viên, giờ đây phải dùng chung 2 nhà vệ sinh. Theo thầy Nguyễn Văn Cho - Phó hiệu trưởng trường: do phải chờ công trình phòng học của trường hoàn thành vào ngày 30.8 nên nhà vệ sinh cho học sinh mới chỉ bắt đầu thi công đầu tháng 9 với kinh phí 100 triệu đồng. Tình hình này khiến thầy và trò đôi khi lâm vào "tình thế khó xử", còn nhà vệ sinh của giáo viên vốn ngay sát các phòng làm việc nên giáo viên đôi khi phải chạy đi chỗ khác để... tránh mùi!

Bình Định: Rớt chuẩn quốc gia vì xem nhẹ... công trình phụ

Bịt mũi khi đi vệ sinh - ảnh: Đ.Phú

Một HS bậc THCS ở TP Quy Nhơn gửi đến Báo Thanh Niên bức thư nói về vấn đề vệ sinh của ngôi trường em đang học. Chúng tôi xin trích đăng một đoạn của bức thư này: "Trường em có 2 nhà vệ sinh với 6 phòng, nhưng rất hôi và mất vệ sinh vô cùng. Nhiều HS khi đi tiểu phải bịt mũi, đi ra thì thở dốc. Toa-lét như ống cống. Có rất nhiều người xem nhà vệ sinh như cái thùng rác, có gì là vứt vào đấy. Nhiều HS chịu đựng không nổi nên không muốn đi tiểu, đi học phải cầm theo một cái chai và chê nhà cầu trường hôi hám, bẩn thỉu. Nước nhà cầu cũng không có, mà có thì cũng là nước bẩn không dùng được. Nguy hiểm hơn là nhà cầu cũng có những điếu thuốc lá gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe HS".

Tại TP Quy Nhơn, trường THCS Lê Lợi là một trường có tiếng về thành tích dạy và học của cả tỉnh Bình Định. Cơ sở vật chất của trường tương đối tốt, thế nhưng "hành trình" đến chuẩn quốc gia của trường lại khá gian nan mà một trong số ít nguyên nhân là vấn đề vệ sinh trường học. Sau khi khắc phục xong "tiêu chuẩn vệ sinh", đến năm học 2006-2007, trường THCS Lê Lợi trở thành trường chuẩn quốc gia.

Nói về công trình phụ học đường, thầy Trần Văn Quí - Giám đốc Sở GD - ĐT Bình Định - tỏ ra tiếc nuối: "Thực tế là lâu nay, các trường rất xem nhẹ. Khi xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, rất ít để ý tới chuyện này. Có nơi xây dựng cả chục phòng học rộng gần ngàn mét vuông, nhưng khu vệ sinh thì nhỏ hẹp quá mức, HS phải xếp hàng chầu chực rất khổ". Theo thầy Quí: "Đúng ra phải xem việc xây dựng, dọn dẹp vệ sinh công trình phụ là chính yếu, thường xuyên. Đến trường mà HS không dám đi tiểu tiện, đại tiện khi thực sự có nhu cầu thì còn tâm trí đâu nữa mà học. Về kiểm tra các trường, điểm chú ý đầu tiên của tôi là khâu vệ sinh. Thấy nhiều nơi nhếch nhác quá, tôi cũng “oải” luôn".  

Toàn tỉnh Bình Định có gần 400.000 HS các cấp, nhưng rất ít em cảm thấy “thoải mái” khi đi vệ sinh ở trường học. Khi được hỏi mất vệ sinh như thế làm sao chịu được, một nhóm HS thản nhiên: "Quen rồi anh ơi. Nín không đi thì cũng nguy. Đành chịu thôi!".  Một phụ huynh ở Quy Nhơn bức xúc: "Nhiều lần họp, phụ huynh kiến nghị lên ban giám hiệu, nhưng không thấy cải thiện bao nhiêu. Nếu cần thiết thu phí vệ sinh thì có lẽ phụ huynh cũng không nề hà gì. Thực tâm chúng tôi mong nhà trường quan tâm hơn nữa".

Cần Thơ:  Ráng "nín" đến năm 2008?

Nhà vệ sinh dành cho học sinh tại trường Tiểu học Nguyễn Du (Q.Ninh Kiều) tuy có phân khu vực nam, nữ riêng nhưng do số lượng phòng vệ sinh quá ít nên quá tải. Cũng vì cơ sở vật chất thiếu thốn mà học sinh lẫn giáo viên trường Tiểu học Xuân Khánh 2 (Q.Ninh Kiều) đã rất mệt mỏi khi giải quyết những "chuyện tế nhị". Cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thiên Kim cho hay năm nay trường có 15 lớp với 426 HS, trong đó có 190 em bán trú. Nhà vệ sinh tuy phân nam, nữ riêng nhưng do chật hẹp lại phục vụ nhiều người nên dù cố gắng hết mức, mùi hôi vẫn nồng nặc. Được biết, khu vực nhà ăn lại nằm gần nhà vệ sinh nhưng nhà trường vẫn "lực bất tòng tâm". Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh cho biết: "Chuyện một số trường học ở Cần Thơ thiếu nhà vệ sinh, không có nhà vệ sinh là có thật. Nhà vệ sinh dơ, hôi hám cũng... có luôn. Đến cuối năm học 2008 chúng tôi sẽ chấm dứt tình trạng thiếu thốn, nhếch nhác nhà vệ sinh tại các trường học".

TP.HCM:  Loay hoay vì thiếu người

Tại TP.HCM, với số lượng trên 1 triệu học sinh của hơn 1.000 trường học ở tất cả các cấp từ mầm non cho đến THPT, trong đó chiếm hơn một nửa là học sinh bán trú, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà thì nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh là rất lớn. Vậy mà đây lại là khu vực không được chú ý, quan tâm cải tạo nhất.

Khi trao đổi với hiệu trưởng một số trường trên địa bàn thì chúng tôi được biết trong phân hạng trường của Bộ GD-ĐT, những trường thuộc hạng nhất, tức là có từ 27 lớp trở lên, định biên phục vụ là 1 nhân viên. Từ đó cho thấy, những trường có số lượng lớp ít thì không có định biên, còn những trường có định biên như trên thì với số người như vậy cũng lo không xuể.

Bồn rửa bẩn, học sinh sử dụng như thế nào? - ảnh: Xuân Thanh
Để đảm bảo được vệ sinh cho học sinh thì các trường không còn cách nào khác là phải tự thân ký hợp đồng thuê nhân viên vệ sinh. Thuê thì dễ nhưng tiền để trả lương cho nhân viên mới khó. Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn Q.3 đã than trời: "Theo quy định của Sở GD-ĐT, nhà trường chỉ được phép thu vệ sinh phí của học sinh bán trú. Còn học sinh học 1 buổi hay 2 buổi đều không phải đóng khoản tiền này. Mà nhà vệ sinh thì đâu thể chỉ cho học sinh bán trú sử dụng!". Được biết, hằng tháng, tùy theo khu vực nội hay ngoại thành, học sinh bán trú đóng từ 3.000 - 5.000 đồng cho khoản thu trên.

Thế mà từ khoản thu này, các trường phải tính toán để có tiền mua nước sinh hoạt, chất tẩy rửa, trả lương lao công... Chẳng hạn trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) mỗi tháng chỉ tính riêng tiền nước sinh hoạt phải trả hơn 10 triệu đồng, trong khi nhà trường có hơn 1.000 học sinh bán trú (chiếm 50% tổng số học sinh), vệ sinh phí thu được chưa trả nổi tiền nước, lấy đâu ra tiền cho chi phí khác. Do vậy nhà trường phải cho các trung tâm ngoại ngữ thuê phòng học vào buổi tối để lấy kinh phí chi lại cho hoạt động ban ngày... Còn những trường khác, không có những khoản thu thêm thì còn lo không đủ để trang trải hằng tháng chứ lấy đâu ra kinh phí dư để cải tạo, tu bổ. Vậy nên tình trạng nhà vệ sinh dơ, không có cửa, không có nước dội rửa... vẫn xuất hiện.

Quả thật, để nhà vệ sinh đảm bảo yêu cầu sạch sẽ không chỉ cần quan tâm về kinh phí để xây dựng sao cho số nhà vệ sinh tương ứng với số học sinh, mua những vật dụng cần thiết mà phải giáo dục ý thức, tạo thành thói quen có văn hóa cho học sinh. Có như vậy, vệ sinh trường học mới không là nỗi ám ảnh của chính các em.

Ông Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) cho biết : "Cách đây 5 năm, do kiến trúc xây dựng của trường, mỗi tầng lầu đều có nhà vệ sinh và sát ngay với lớp học, có bức tường ngăn cho nên tối tăm, ẩm thấp... Thành ra, học sinh không chịu sử dụng đúng nơi quy định. Từ năm học 2004 - 2005, trường đã đề xuất, xin ngân sách của UBND Q.1 cải tạo hệ thống nhà vệ sinh để phục vụ cho gần 3.000 học sinh của trường. Với kinh phí khoảng 650 triệu đồng, nhà trường đã cải tạo, xây dựng được 13 nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh và chia thành khu vực nam, nữ riêng biệt. Mỗi nhà vệ sinh có 3 bồn rửa, 7 bồn cầu và các hố tiểu phù hợp cho các đối tượng...".

Nhóm PV Giáo dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.