Hợp bạn thì chơi

20/11/2010 01:31 GMT+7

Tôi có cái duyên may được là một trong những cộng tác viên sớm nhất của Báo Thanh Niên, từ ngày báo mới ra đời với măng-sét là Tuần tin Thanh Niên. Bao nhiêu năm nay, tôi là người sống bằng nhuận bút của nghề viết báo, nhưng thú thật, ngày cộng tác với Báo Thanh Niên thời kỳ đầu ấy, thậm chí tôi cũng không hề nghĩ mình sẽ có nhuận bút khi viết cái gì đó cho báo.

Ngày đó còn ít báo in, không có báo mạng, và dù trước đó đã có thâm niên làm báo trong chiến trường, tôi cũng chẳng màng chuyện viết báo để “tăng thêm thu nhập”. Vậy vì sao tôi cộng tác với Báo Thanh Niên?

Cơ sự chỉ vì hai người bạn đứng ra tổ chức và điều hành Báo Thanh Niên ngày đó là Nguyễn Công Khế và Đặng Thanh Tịnh vốn là bạn - ít khiêm tốn hơn thì gọi là em - của tôi từ sau ngày giải phóng, nhất là từ khi tôi về công tác tại trại sáng tác Quân khu 5 do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm “trại trưởng”. Khi đó, Nguyễn Công Khế ở cùng cơ quan với tôi, còn Đặng Thanh Tịnh lại ở cơ quan mà ông anh tôi công tác - Sở Kế hoạch Quảng Nam - Đà Nẵng. Dài dòng một chút vậy để thấy, tôi đến với Báo Thanh Niên ban đầu chỉ là do tình cảm quen biết, kiểu “họp bạn mà chơi”, “hợp bạn thì chơi” vậy thôi! Thấm thoắt thế mà đã 25 năm. Báo Thanh Niên bây giờ đã là một trong những tờ báo lớn ở Việt Nam và được biết tới trên thế giới... Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, tôi biết những anh chị em có mặt ở Báo Thanh Niên từ ngày đầu đã vất vả thế nào để chèo chống tờ báo qua nhiều cơn sóng to gió lớn, và quan trọng hơn, là phát triển tờ báo để “nhật tân hựu nhật tân”.

Tiến tới kỷ niệm 25 năm ngày Thanh Niên ra số đầu tiên (3.1.1986 -3.1.2011), kính mời bạn đọc tham gia góp ý về nội dung, hình thức của báo. Ý kiến xin gửi qua thư theo địa chỉ tòa soạn tại TP.HCM, hoặc qua e-mail: 25nam@thanhnien.com.vn

Thanh Niên

Sẽ có nhiều người bạn khác kể về những việc lớn mà Báo Thanh Niên đã làm được, riêng tôi chỉ xin nhớ một việc nhỏ. Vào cuối năm 1997, sau một đêm ở lại Sơn Mỹ - một vùng đất đau thương và anh hùng nhưng không có... điện, tôi đã viết một bài báo nhỏ:  Sơn Mỹ cần một tượng đài -  điện! Bài báo in ở Thanh Niên đã làm dấy lên những xúc động và cả bức xúc trong bạn đọc. Ngay lập tức, lãnh đạo Báo Thanh Niên đã quyết định mở cuộc vận động quyên góp tiền trong bạn đọc để “đưa điện về Sơn Mỹ” cho kịp dịp kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ -16.3.1968 - 16.3.1998. Nhờ sự nhiệt tình của anh chị em trong tòa soạn Báo Thanh Niên, trong văn phòng đại diện miền Trung, và nhất là nhờ sự hưởng ứng quá nhiệt tình của bạn đọc cả nước cộng với sự vào cuộc khá kịp thời của Tổng công ty điện lực 3 - miền Trung, đúng ngày 16.3.1998 điện đã về từng ngôi nhà dân ở Sơn Mỹ. Trong đời tôi có nhiều khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng thú thật rất hiếm khi tôi cảm thấy hạnh phúc như khi cùng nhân dân Sơn Mỹ đón điện về làng mình. Tôi còn nhớ, trong cuộc vận động quyên góp ấy, có một bạn đọc trẻ tâm đắc của Báo Thanh Niên ở Kiên Giang đã ủng hộ dòng điện Sơn Mỹ bằng chính dòng máu của mình, khi anh tình nguyện hiến máu nhân đạo và dùng toàn bộ số tiền bồi dưỡng ít ỏi gửi cho Báo Thanh Niên mong góp chút… máu mình đưa điện về Sơn Mỹ. Có bao nhiêu tờ báo lớn trên thế giới làm được một cuộc vận động nhỏ như thế nhỉ?

Tôi biết, người làm báo thì lý trí ghê lắm, còn điều hành tờ báo lại cần lý trí gấp nhiều lần. Nhưng tôi lại thích chơi với Báo Thanh Niên ở cái “kênh” tình cảm của nó. Không một yêu cầu nào của tòa soạn Báo Thanh Niên, của biên tập viên Báo Thanh Niên mà tôi không đáp ứng với mức nhanh và tốt nhất trong khả năng của mình.

Báo Thanh Niên lâu lâu lại cải tiến, lâu lâu lại trưng ra một diện mạo mới, có lẽ để bạn đọc cảm thấy cái “nhật tân hựu nhật tân” ấy mỗi khi cầm trên tay tờ báo. Trong số đầu tiên đợt cải tiến gần đây, báo mở cuộc thi viết “Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên” - một cuộc thi hay, một đề mục hay. Nhưng khó. Vì nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên, thì tôi phải sáng tạo làm sao, lãnh đạo thế nào để tờ báo không chỉ tăng lượng phát hành, mà còn tăng sự yêu mến ủng hộ của bạn đọc, ngoài chuyện đó ra, tôi phải có bản lĩnh như thế nào để Báo Thanh Niên vẫn là... Báo Thanh Niên. Không chỉ sáng tạo, mà tồn tại hay còn lại cũng là một nghệ thuật.  

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.