Lê Quốc Hồ từng lừa đảo ở Lâm Đồng thế nào ?

22/10/2005 00:55 GMT+7

Khi Báo Thanh Niên khởi đăng thông tin vụ “mất trộm 2,5 tỉ USD” thì nhiều người dân và phật tử ở Lâm Đồng mới nhận ra bộ mặt thật của ông Lê Quốc Hồ là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.

Lừa dân mua gần 150 ha đất

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ phòng PA 38, Công an Lâm Đồng thì  ông Lê Quốc Hồ đã nhiều lần đến huyện Lâm Hà chữa bệnh trái phép với  mục đích chính là "dụ" dân bán đất. Cụ thể vào tháng 5.2005,  ông Hồ đã đến trú ngụ tại chùa Bửu Sơn, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, cùng đi có đại đức Thích Truyền Tứ (trụ trì chùa Huyền Trang, huyện Nhà Bè, TP.HCM) và đại đức Thích Huệ Minh (trụ trì chùa Thiên Tứ, Chánh đại diện phật giáo huyện Bình Chánh, TP.HCM). Tại đây, "hòa thượng" Hồ đã chữa "bách bệnh" cho gần 60 người. vừa chữa bệnh ông Hồ vừa gạ dân bán đất để "thầy" xây dựng Tuệ tĩnh đường và trồng cây thuốc Nam  chữa bệnh cho dân lâu dài. Xúc động trước tấm lòng từ bi của "hòa thượng", ngày 19.5.2005, ông Bùi Văn Tịnh (thôn Ngọc Sơn, Phú Sơn) làm giấy sang nhượng cho "thầy" 1.585m2 đất mặt tiền, sát quốc lộ 27, với giá 80 triệu đồng. Thấy ông Tịnh bán đất được nhận tiền ngay, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Thị Liệu đã nhượng luôn cho "thầy" 3.500m2  với giá 105 triệu đồng, nhưng lần này "thầy" chỉ đặt cọc 20 triệu. Tương tự, hộ Nguyễn Thị Ngàn cũng bán rẻ cho "thầy" 1.000m2 nhưng chưa nhận đủ tiền.

 


Giấy cam kết mua bán đất của Lê Quốc Hồ

 

Tháng 7.2005, "hòa thượng" Hồ tiếp tục trở lại Lâm Hà chữa bệnh cho dân và gạ dân bán đất. Ngày 21.7.2005, bốn bố con ông Nguyễn Ngọc Sinh ký giấy bán cho "thầy" 138,5 ha đất nông lâm với giá chỉ có 2 tỉ đồng, nhưng thầy mới trả trước 1 tỉ đồng. Tháng 8.2005, khi trở lại Phú Sơn (Lâm Hà) tiếp tục mua đất, ông Hồ bị Công an Lâm Đồng mời về trụ sở làm việc. Khi bị đề nghị cho xem giấy tờ tùy thân, ông ta chỉ xuất trình được một bản photo CMND số 024593819, ghi tên Lê Quốc Hồ tức Thích Giác Nguyên (?!). Với con mắt nghiệp vụ, các cán bộ công an phát hiện ngay đó là bản photo CMND giả vì trên CMND không được phép ghi pháp danh. Ông Hồ còn "nổ" một loạt học bằng, học vị rất kêu như năm 1981 tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM, năm 1988 lấy bằng tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ, năm 2000 lấy bằng tiến sĩ y khoa tại Pháp. Chưa hết, ông còn khoe rằng cũng trong năm 2000, ông được mời tham dự hội thảo Phật giáo quốc tế tại đảo Hải Nam, Trung Quốc. Và lần đó, ông được các đại biểu suy tôn là "Hòa thượng Viên chủ Hiệp hội Phật giáo quốc tế tại Việt Nam"... Ông còn "lòe" quen  biết với nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Công an Lâm Đồng thu thập hồ sơ, xác minh nhân thân biết những điều ông ta "nổ" là không đúng nên đã trục xuất khỏi địa phương.

 

Làm dấu giả của hiệp hội phật giáo quốc tế

 


“Huy hiệu” của Hiệp hội Phật giáo quốc tế

Không chỉ lừa dân mua đất giá rẻ, ông Hồ còn bạo gan lên Đà Lạt làm dấu giả của Hiệp hội phật giáo quốc tế. Chuyện xảy ra như sau: ngày 6.6.2005, khách sạn Lyla (18 Nguyễn Chí Thanh, P.1, Đà Lạt) "vinh dự" đón đoàn nhà sư gồm: "hòa thượng" Lê Quốc Hồ, đại đức Thích Truyền Tứ (tức Trần Quốc Nam - sinh năm 1954, trụ trì chùa Huyền Trang, 456/35 Huỳnh Tấn Phát, KP7, huyện Nhà Bè, TP.HCM) và chú tiểu Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1989). Cả ba thuê phòng 107 ở chung. Sau một ngày lân la khắp Đà Lạt, "hòa thượng" Hồ chọn tiệm khắc dấu vi tính Thư Nga ở số 14 Tăng Bạt Hổ của anh Nguyễn Văn Thư  nhờ khắc hình biểu tượng bông sen của Hiệp hội Phật giáo quốc tế  (ảnh) để "thầy" đóng lên các tập sách tặng tăng ni phật tử. Ngồi chờ khắc dấu, thầy Hồ "nổ" lung tung về bằng cấp, học vị...  Còn "đại đức" Tứ thì "lòe" đưa cho anh Thư xem thẻ đại biểu Quốc hội (?). Sau đó "thầy" Hồ đề nghị anh Thư khắc luôn dấu tròn của "Hiệp hội Phật giáo quốc tế", thầy sẽ trả tiền gấp hai, gấp ba. Anh Thư nói: Với thầy, con không lấy tiền, nhưng muốn khắc dấu tròn  phải có giấy giới thiệu của hiệp hội và CMND. Sau một hồi lục lọi, "thầy" Hồ đưa cho anh Thư một CMND ghi tên Lê Quốc Hồ tức Thích Giác Nguyên (?!), từng là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng, anh Thư nhận ra ngay tấm thẻ CMND đó là giả và đã tìm cách báo cho Công an Đà Lạt.

 

19 giờ 30 đêm 8.6.2005, Công an TP Đà Lạt cùng đại đức Thích Linh Toàn, Chánh thư ký Ban đại diện Phật giáo TP Đà Lạt đến khách sạn Lyla gặp Lê Quốc Hồ để tìm hiểu sự việc. Vừa mới gặp, ông ta tự xưng mình là "hòa thượng", bác sĩ, tiến sĩ, nhà có nhiều cán bộ cách mạng... để "hù" đoàn kiểm tra. Nhưng sau nhiều lời biện minh quanh co, cuối cùng ông Hồ cũng thừa nhận đã sử dụng CMND giả, nhưng ông lý giải do có rất nhiều tiền gửi trong các ngân hàng, thường xuyên phải đi lại giao dịch, rất sợ bị... móc túi, nên phải làm thêm CMND giả (?!).

 

Sáng 9.6.2005, Công an Đà Lạt tiếp tục đến khách sạn Lyla gặp ông Hồ làm rõ sự việc. Vừa thấy bóng công an, ông Hồ chui ngay vào toa-lét trốn. Ít phút sau, ông Hồ dùng điện thoại di động "cầu cứu" chủ khách sạn kêu dùm chiếc xe ôm để chở "thầy" ra ngay bến xe về TP.HCM có việc gấp. Biết chuyện bất thường, chủ khách sạn báo cho công an phục bắt ngay khi ông Hồ bước xuống cầu thang. Vì chưa thể kiểm chứng ông Hồ là hòa thượng thật hay giả nên Công an Đà Lạt chỉ xử phạt hành chính và trục xuất ông Hồ ra khỏi Đà Lạt.

 

Trước khi vụ "mất trộm 2,5 tỉ USD" đổ bể, "hòa thượng" Hồ còn trở lại Phú Sơn mời 11 người thuộc những gia đình ông ta còn nợ tiền mua đất ra Hà Nội và qua Trung Quốc du lịch để khất nợ. Đến nay, nhiều gia đình dở khóc dở cười khi nghe tin "thầy" bị bắt.

 

Tìm thấy số tiền Lê Quốc Hồ thực sự có trong két sắt

 

16 giờ chiều 21.10, thượng tá Nguyễn Đức Chung, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (CQĐT) Công an TP Hà Nội thông báo cho Thanh Niên: đã tìm thấy phần lớn số tiền USD mà Lê Quốc Hồ khoe với các nhà báo ngày 17.10. Thượng tá Chung cho biết, chính từ bức ảnh đầu tiên đăng trên Thanh Niên về số tiền này mà CQĐT đã quyết định khám xét khẩn cấp nhà tay trùm bịp bợm này tối 20.10.

 


Lê Quốc Hồ và số tiền khoe với các nhà báo

Trong cuộc khám xét chiều 21.10, một két sắt trong gian buồng bí mật của ông Lê Quốc Hồ được mở ra, bên trong có một số cục tiền ghi rõ tổng trị giá 100.000 USD. Qua kiểm tra các cọc tiền này, các điều tra viên đã phát hiện thủ đoạn lừa lọc của Lê Quốc Hồ, 2 tờ tiền ngoài cùng là những tờ mệnh giá 100 USD còn bên trong toàn là tiền mệnh giá 1 USD (đều là tiền thật). Như vậy một số cọc tiền có niêm phong ngân hàng mà Lê Quốc Hồ đưa cho các nhà báo xem ngày 17.10 có tổng trị giá thấp hơn nhiều 100.000 USD. Và đây chính là thủ đoạn mà Lê Quốc Hồ đã dùng để lòe bịp Tập đoàn y dược Bảo Long khi đặt vấn đề mua 55% cổ phần của công ty này. Trước đó, việc khám xét nhà Lê Quốc Hồ tối 20.10 đã phải tạm dừng lại lúc 22 giờ vì trong một gian buồng riêng của y có nhiều tủ và két sắt mà tay bịp bợm này không biết chìa khóa vứt ở đâu. Sơ kết cuộc khám ban đầu, CQĐT tạm giữ các sổ tiết kiệm của Lê Quốc Hồ có tổng trị giá khoảng 40.000 USD và 8 tờ tiền giả mệnh giá 1 triệu USD được ép plastic. Theo thượng tá Nguyễn Đức Chung, trước đây trong một vụ án đô la "đen" xảy ra ở Hà Nội, cơ quan công an đã phát hiện một băng nhóm tội phạm "phù thủy" châu Phi lưu hành những tờ tiền mệnh giá 1 triệu USD. Qua xác minh của cảnh sát Interpol thì phía Mỹ xác nhận không phát hành loại tiền mệnh giá 1 triệu USD. Khi các điều tra viên tìm thấy 8 tờ tiền giả này, Lê Quốc Hồ căn dặn ngay: "Các chú cẩn thận đấy nhé, 8 triệu USD, mất, rách tờ nào là tôi bắt đền đấy!".

 

 Thêm một thông tin nữa, trong quá trình điều tra ban đầu đã phát hiện việc ông chủ tịch của một hội ở trung ương đã hứa "cấp" cho Lê Quốc Hồ một chiếc xe ô tô con để "thầy" đi lại chữa trị cho các con bệnh. Trước đó, trong một lần thuyết giảng khá "hoành tráng" tại trụ sở của Tập đoàn Bảo Long ở Sơn Tây về "tiềm năng" kinh tế và khả năng chữa bệnh của mình, Lê Quốc Hồ khoe y đã "tu nghiệp ở gần một chục trường đại học trong và ngoài nước", và hứa hẹn lần này sẽ "dồn tiền" cho Bảo Long xây một bệnh viện chữa trị cho người nghèo. Chính bài thuyết giảng này đã làm "rúng động" vị chủ tịch của một hội ở trung ương nói trên, nhất là khi sau đó "thầy" Hồ đã tặng vợ chồng ông chủ tịch 2 chuỗi "đá quý".  Việc ông Nguyễn Hữu Khai trả lời một số nhà báo về việc ông Lê Quốc Hồ đã chữa khỏi bệnh gút cho mình bằng một loại "biệt dược" đắt tiền nhưng sau đó lại tố cáo với CQĐT việc Lê Quốc Hồ chiếm đoạt 12.500 USD trong ca chữa bệnh này đã một phần cho thấy mối quan hệ "bí ẩn" giữa Lê Quốc Hồ và Tập đoàn Y dược Bảo Long.

 

Việt Chiến

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.