Bão Chebi chuyển hướng?

11/11/2006 11:05 GMT+7

Rạng sáng nay (11/11), thay vì duy trì mũi tên cảnh báo xuống các tỉnh thành Nam Trung bộ như trước, các mạng dự báo lại đồng loạt hướng mũi tên cảnh báo bão sẽ đổ bộ vào Trung Trung bộ Việt Nam.

Theo ghi nhận của Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Hoa kỳ (JTWC), khi bão “Bò Rừng” Cimaron còn hoạt động, từ chiều 31/10 bão “Chim én” Chebi đã có mầm mống hình thành từ một vùng đối lưu nhiệt ngoài khơi Tây bắc Thái Bình Dương. Qua phân tích 32 ảnh vệ tinh chụp trong 1 tuần, mấy hôm đầu mạng này cảnh báo nó có khả năng mạnh lên thành bão (FAIR) rồi nhiều ngày sau đó lại cho rằng ít có khả năng (POOR). Song, giờ đây bão đã thực sự thành hình qua các giai đoạn đối lưu nhiệt, áp thấp, bão nhiệt đới không tên (no name) rồi cuồng phong Chebi (typhoon) với mắt bão trên ảnh vệ tinh chiều tối 10/11 nhìn rất rõ.

Đà Nẵng, Quảng Ngãi lọt vào "tầm ngắm"

Không chỉ là cơ quan đưa tin sớm nhất về cơn bão này mà JTWC vẫn đang liên tục cập nhật đường đi của nó. Tuy nhiên, đã có sự khác nhau của mạng này trong dự báo xa và nhanh. Sáng 10/11, JTWC dự báo khi vào VN, bão sẽ hướng xuống Nam Trung bộ, chiều cùng ngày lại dự báo bão sẽ đổ bộ gần Đà Nẵng vào 15/11, đến tối thì chuyển mũi tên dự báo ra gần Huế! Theo chân JTWC là vài mạng dự báo quốc tế khác như JMA - Nhật Bản, TSR - Anh... cũng đổi thay tương tự. Thậm chí lúc 1h sáng nay TSR đã chỉ mũi tên lên phía Bắc Thừa Thiên - Huế! Mạng này dự báo 96 giờ tới (tức lúc 1h sáng 15/11) bão sẽ áp sát bờ biển miền Trung với sức gió 119km/giờ đến 153km/giờ. Trong e-mail gửi cho chúng tôi lúc 1h sáng nay, TSR đã đưa Đà Nẵng, Quảng Ngãi (không còn Quy Nhơn như e-mail lúc 19h 10/11) vào mức báo động vàng (cấp II) trong 72 đến 96 giờ tới, xác suất dự báo 10% - 15%. Điều an ủi theo TSR là càng vào gần bờ, sức gió của Chebi càng giảm nhưng vẫn đủ mạnh xấp xỉ cấp 12.

TSR là mạng dự báo khá uy tín của Anh với nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều trang thiết bị tối tân trên bờ, trên biển và trên quỹ đạo... Thế nhưng, dường như TSR cũng đã bắt đầu bộc lộ chút lúng túng trong dự báo trước sức bay nhanh, mạnh và rộng của “Chim én” Chebi.

Những dự báo khác

Lúc 8h52 sáng nay (11/11), thông báo số 8 của Trung tâm Dự báo Bão Hải quân Mỹ, Trân Châu Cảng, Hawaii, cho biết 6 giờ qua bão Chebi di chuyển nhanh hơn tuy sức gió có giảm chút ít: lúc 1h sáng, bão biển typhoon Chebi ở gần 16,3 độ vĩ bắc và 122,7 độ kinh đông. Bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ 25km/giờ. Sức gió tối đa vùng gần tâm bão 212km/giờ, giật 259km/giờ. Cột sóng biển cao tối đa 9,75m. Mạng này dự báo 96 giờ tới, tức lúc 1h sáng 15/11, bão sẽ tiến gần bờ biển miền Trung, tại 16,2 độ vĩ bắc và 109,7 độ kinh đông, sức gió tối đa 120km/giờ, giật 148km/giờ. Bão di chuyển chậm lạI hẳn, chỉ 7,4km/giờ. Các mạng dự báo khác, gần như tương tự.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương của VN (NCHMF), lúc 7h sáng nay (11/11), vị trí tâm bão Chebi ở vào khoảng 16,0 độ vĩ bắc; 121,6 độ kinh đông, ngay sát bờ biển phía đông đảo Ludông (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật trên cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Chebi di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và có khả năng suy yếu đi một ít. Khoảng chiều tối nay (11/11), bão Chebi sẽ vượt qua đảo Ludông vào khu vực phía đông Biển Đông. Đến 7h ngày 12/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 118,1 độ kinh đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão Chebi tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 7h ngày 13/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 114,5 độ kinh đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông Biển Đông gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10; sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, giật trên cấp 13. Biển động dữ dội.

Trước những thay đổi trong dự báo bão chúng tôi đã liên lạc với các nhà khoa học về khí tượng. Rạng sáng 11/11, e-mail của Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh (Mỹ) viết: “Theo như dự báo số 7 của JTWC và nếu không có thay đổi lớn vào giờ chót, chiều 15/11, bão Chebi sẽ đổ bộ gần Đà Nẵng với sức gió từ 101km/giờ đến 129km/giờ”. Đến 1h sáng cùng ngày, Tiến sĩ Peter Yuen, Giáo sư Đại học Camdbrige và là chuyên gia mạng dự báo TSR thông báo: “Typhoon Chebi đã đột ngột mạnh lên trong 12 giờ qua. Bão được dự báo đi thẳng về hướng tây và nó sẽ vẫn duy trì như thế do bị ảnh hưởng bởi trường thời tiết cận nhiệt đới (the mid-latitude weather front). Tôi đồng ý với dự báo của TSR. Thông thường, thời điểm này hầu hết các cơn bão sẽ không đi lên hướng Bắc Hồng Kông. Dù sao, cũng hãy cẩn trọng và tôi hy vọng VN có thể thoát khỏi bão typhoon Chebi”.

Nhìn chung đến từ tối 10/11 đến sáng 11/11 các mạng dự báo cho thấy, bão Chebi vẫn đang trực chỉ hướng tây. Sức gió tối đa tăng cấp báo động đỏ khi đổ bộ Philippines. Tuy nhiên, khi bắt đầu tiến vào biển Đông vào chiều tối 11/11, nếu gặp phải khối gió mùa đông bắc được tăng cường từ ngày 13/11, bão buộc phải di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam như đường đi của bão Cimaron vừa qua, chuyển vùng ảnh hưởng xuống các tỉnh thành Nam Trung bộ và một vài tỉnh thành phía Nam như các dự báo đầu tiên. Khi ấy, sức gió của “Chim én” Chebi có giảm thiểu nhưng nó vẫn đủ sức gây thiệt hại nặng về người và của trên đất liền.

Tất nhiên, dự báo vẫn chỉ là dự báo, nhất là trong dự báo xa từ 72 giờ trở lên. Chebi sẽ đổ bộ vào đâu? Có khi nào “Chim én” sẽ suy yếu ngay trên biển Đông như “Bò rừng” Cimaron? Theo Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh: “Với bão cuối mùa, đường đi phức tạp và thay đổi đột ngột là chuyện bình thường. Chúng ta cần theo dõi thường xuyên”.

Đặng Ngọc Khoa - TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.