Chợ đêm Đà Lạt, ngày ấy… bây giờ

09/10/2008 10:40 GMT+7

Trong ký ức của người dân phố núi lẫn du khách, chợ m phủ (nay là chợ đêm Đà Lạt) là một cái gì đó rất riêng, rất lãng mạn. Ở đó, người ta vừa xuýt xoa cái cảm giác hơi sương lạnh giá vừa được thưởng thức món bún bò nóng bốc khói. Cuộc sống ở chợ m phủ phản chiếu một góc đời sống văn hóa ẩm thực của xứ sở sương mù trong hành trình 115 năm hình thành và phát triển…

Đã lâu rồi không đi chợ đêm, tối nay có người bạn từ TPHCM lên và cũng là ngày cuối tuần nên chúng tôi hẹn nhau ra chợ đêm, trước bãi xe ngầm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai dẫn vào chợ Đà Lạt. Mới 19 giờ 30 nhưng chợ đã đông khách, chủ yếu là khách du lịch. Mới dắt xe vào đã có 3-4 cô cậu nhanh nhảu mời chào “vào đây ăn bún phở đi chú”. Chúng tôi gọi một đĩa trứng, gan mề gà và không quên hỏi giá. Chị chủ quán (tên Nguyễn Thị Tuyết Cam) lên tiếng ngay: “Ở đây bán đúng giá niêm yết, em đừng lo”. Nhìn sang các hàng bên, hàng quán ngăn nắp, san sát, đèn điện sáng trưng và khách vào mỗi lúc một đông.

Đà Lạt có khí hậu ôn đới, nhiệt độ quanh năm 18-20 độ C, ban đêm thường xuống thấp, có khi 7-8 độ C nên cuộc sống thường nhật của người dân phố núi thường kết thúc sớm, trừ chợ m phủ. Ban đầu, chợ họp muộn hơn, từ khoảng 6-7 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau, ở ngay cầu thang xuống chợ, chỉ khoảng 20 người bán với đối tượng phục vụ là bà con nhà vườn đi chợ rau đêm, giới xe khách liên tỉnh đến và đi trong đêm (trước bến xe liên tỉnh ở ngay gần chợ).

Với những cái lều dựng tạm, mấy cái ghế gỗ đơn sơ hay ghế nhựa thấp lè tè, ánh đèn điện leo lắt, nhất là vào những đêm sương mù nhìn cứ như chợ ở cõi âm nên có tên m phủ và nó đã tồn tại theo thời gian, sưởi ấm lòng người dân phố núi và sau đến lượt khách du lịch. Giờ đây có thêm người bán đồ len, quần áo gió cũ, hàng mỹ nghệ “ăn theo” hàng ăn, làm nhộn nhịp cả một con đường Nguyễn Thị Minh Khai dẫn vào chợ Đà Lạt, nhất là vào 2 tối cuối tuần có phố đi bộ.

Chợ m phủ bình dân nên các món ăn, nhậu cũng không quá cầu kỳ, thực khách thích nhất vẫn là bún bò giò heo do các mệ gốc Huế nấu, ăn với rau xanh Đà Lạt, nay thêm cháo vịt, thịt vịt, hủ tiếu, nghêu, sò nướng và phía ngoài có các hàng sữa đậu nành, bánh ngọt. Trong những năm bao cấp chỉ với món bún bò Huế nóng hổi, một ít ớt cay, nước bún được ninh kỹ từ xương heo thơm lựng cùng với một đĩa rau xanh Đà Lạt là quá đủ cho một suất ăn đêm. Với người đã đi nhiều nơi thì sữa đậu nành ở chợ đêm cũng rất đặc biệt: vừa thơm, vừa sánh mùi sữa đậu. Không cứ là khách du lịch mà với người phố núi, lâu lâu ra chợ đêm ăn khuya một lần cũng là một thú vui.

Từ ngày bão giá nổi lên, giá nhiều món ăn cũng tăng theo: Một tô bún trước đây 10.000 – 12.000 đồng nay lên 15.000 đồng hay một đĩa cơm sườn trước 10.000 đồng còn bây giờ 15.000 – 20.000 đồng. Như cô Trình bán bánh mì cũng có thâm niên ở chợ đêm, trước đây mỗi tối bán đến 700-800 ổ nhưng số lượng bây giờ giảm chỉ bằng 1/6 so với trước, tiền lời cũng giảm. Bây giờ cuộc sống khá hơn nên có lẽ khách cũng ít ăn bánh mì.

Anh Hồ Thanh Hải (một khách du lịch đến từ thủ đô Hà Nội) bộc bạch: “Đây là lần thứ hai tôi đến ăn khuya tại khu chợ đêm này, lần trước cách đây đã 4 năm rồi, vào chợ bị lôi kéo rất dữ, ăn xong lúc thanh toán tiền xanh cả mặt vì chỉ vài đĩa sò, ốc mà lên tới 200.000 đồng. Bây giờ vào đây thấy thật sự đổi khác, hàng quán nào cũng có bảng giá hẳn hoi, ăn 2 đĩa ốc chỉ 40.000-60.000 tùy lớn nhỏ”. Anh Nguyễn Huy Hùng (Nha Trang) lần đầu đến chợ đêm, nhận xét: "Tôi hài lòng vì ở đây rất sạch sẽ, giá cả hợp lý, phục vụ đàng hoàng”.

Ít ai biết, để có được khu chợ khang trang hôm nay chính quyền phường 1 và TP Đà Lạt phải rất đau đầu trong việc giữ gìn nếp buôn bán trật tự – văn minh ở chợ cũ mà có lúc chính quyền đã tính xóa luôn chợ đêm vì quá phức tạp. Nhưng đã như một thứ không thể thiếu, chợ từng bước được tổ chức lại với quy mô đông hơn nhưng quản lý chặt chẽ hơn.

Theo chị Tuyết Cam: “Trước bán hàng ở cầu thang cực lắm, hì hục căng lều dọn hàng mỗi tối đến sáng lại lo dọn về còn bây giờ mỗi tháng đóng 730.000 đồng là có người dựng sẵn, 16 giờ 30 chiều họ đã dựng lên, tới 5 giờ sáng chỉ việc thu quân về, đã có người dọn”. Đường phố cũng vì thế mà nhanh chóng được thông thoáng sạch sẽ trở lại. Một quy định mới đã được người bán tự nguyện thực hiện: Hộ nào cũng phải đóng thế chân và nếu chém chặt khách hay đánh nhau, gây gổ thì sẽ bị trừ đi tiền thế chân nên đã giảm tối đa tình trạng mất an ninh trật tự.

Những người bán ở chợ giờ đã đến thế hệ thứ ba như con trai của chị Cam và điều đáng mừng là sự tự giác của chính những người bán ở chợ đêm có bước chuyển đáng kể. Chính họ đã góp phần giữ gìn phong cách tốt đẹp của con người và văn hóa ẩm thực của phố núi.

Theo Y Văn / Báo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.