Người kể chuyện làng

12/10/2008 23:34 GMT+7

* Kỳ 1: Tôi là Trọng Công... Hầu hết các làng quê nước ta có một loại nhân vật rất giống những người hát rong trong các vở kịch cổ Hy Lạp. Những "người hát rong" đó thường sống rất lâu trong ký ức của mọi người. Có người như là pho từ điển của làng, có những người mang một biệt tài nổi trội... Văn hóa làng đã sinh ra họ, chừng nào văn hóa làng còn thì họ còn. Loạt bài này nói về những con người như thế.

Làng Lộc An tôi có ông Võ Trọng Công, trước làm thông ngôn tiếng Pháp, hòa bình lập lại cho đến sau này khi tôi lớn lên, thấy ông đi bán dầu tràm. Ngày nào cũng đeo một cái bị lác đi hết làng này sang làng khác rao: "Dầu tràm đê ê...".

Lưng ông hơi còng, lúc nào cũng chống cái gậy, nhưng ông rất nhanh nhẹn, đi hai bước lại nhảy một bước. Một tay khua cái gậy lên trời, một tay vuốt chòm râu dưới cằm, vừa vuốt vừa nói vuốt râu ra ta không sợ vợ/vuốt râu vào chẳng sợ chi ai... Thực ra ông vuốt ra bao nhiêu chòm râu cũng cứ quặp vào. Lúc mệt, ông ngồi xuống gốc cây vệ đường, tùy theo bối cảnh mà ứng khẩu đọc vè về thân phận mình. Trưa nắng chang chang/cái miệng khô rang/thèm một giọt nước/ngó sau ngó trước/ngó tới ngó lui/chẳng có chi vui/chẳng có chi uống/thôi thì ngồi xuống/vấn điều thuốc rê/mấy mụ đi về/cái khu ngoay ngoảy... (sau có mấy câu hoang lắm không tiện chép ra).

Người ta kể rất nhiều giai thoại hay về ông, nhưng cũng có những giai thoại không tốt. Rằng ông đi đến làng nào, có đàn bà góa ông đều lân la nói chuyện, đọc thơ, mấy bà mê tơi, rứa là ông "xơi" hết. Chuyện đó thực hư thế nào sẽ nhắc ở phần sau.

Trong làng đồn thổi, ông bị bắt nhiều lần về tội hủ hóa, xã quản lý không cho ông đi bán dầu tràm nữa, khổ thân các bà góa, chiều nào cũng ngồi bậu cửa mong ông bán dầu tràm...

Ông có tài làm vè và "nói lối" để lại nhiều giai thoại trong dân gian. Người ta kể rằng, hôm lùa bò lên đồng làng Thạch, trưa nắng, vào ngồi chuyện phiếm với mấy ông nông dân ở lũy tre đầu làng, nghe một bà trong nhà đi ra, vừa đi vừa với lại dặn con múc chè trong nồi ra, để vô chạn cho nguội, chờ cha mạ về cùng ăn. Ông bảo mọi người, tui phải vô làm chén chè đã. Mấy ông trố mắt, hỏi sao mấy đứa nó cho ông ăn được. Ông nói được chơ, lát sau đi vào.

Đến cửa, ông gọi lớn mấy đứa mô hết rồi, bỏ chè trong chạn đóng lại không chó mèo nó phá nghe. Mấy đứa nhỏ chạy ra hỏi ông là ai, ông chửi yêu, tổ cha bây, cụ (cậu) đây mà không biết à, lâu ngày không đi cúng giỗ, không gặp, quên bà quên con hết, cụ là cụ Công bên làng đây. Cha mạ tụi bây về sau, cụ có việc ghé vô chút rồi đi, mang đây chén chè cụ ăn trước, bây chờ cha mạ về rồi ăn luôn thể. Tổ cha bây, quên bà quên con hết rồi...

Mấy đứa nhỏ trong nhà nghe thế bèn bưng chè ra, cụ xơi xong chén thì chào đi. Vừa đi "cụ" vừa huơ gậy lên trời vừa vuốt râu: Cụ ê cụ vằn/cụ ăn cụ về (ê vằn nói lái là ăn về)

Không bán dầu tràm, ông đi chăn bò cho hợp tác xã. Hôm đàn bò ông chăn có mấy con ăn mất trăm gốc sắn mới trồng, bị HTX phạt, ông vào gặp chủ nhiệm, trình bày: Tôi là Trọng Công/ Chăn bò hợp tác/3 con sớn sác/Ăn sắn đội 5/Đếm bụi: 100/Bắt đền chục bạc/Trong người xơ xác/Không có một xu... Ông cứ đọc thế, đọc mãi, than nghèo kể khổ, đến nỗi ông chủ nhiệm phì cười, bảo khỏi phạt.

Mấy chú trong làng hỏi ông nói răng mà họ không phạt hay rứa, ông bảo thì tau nói: Tôi là Trọng Công/ Chăn bò hợp tác/3 con sớn sác/Ăn sắn đội 5/Đếm bụi: 100/Bắt đền chục bạc/Trong người xơ xác/Không có một xu...

Đến đây thì ông nói khác đi, kiểu "nổ" cho oai: Bèn chổng cái khu/Lên trời mà nói/Bớ làng tui đói/Răng hợp (hợp tác xã) phạt tui... Rứa đo!

Ông Công đi giữ bò, sắm cái bi đông đựng nước, một hôm bị người ta lấy mất, ông bèn làm bài thơ xin phát trên loa truyền thanh hợp tác xã:

(Đọc):

Tôi tên là Võ Trọng Công
Hợp tác giao tôi công việc chăn bò

(Ngâm):

Trời nắng hạn nhiều khi khát nước
Lo nhiệm vụ không rời nửa bước
Sẵn bi đông đựng nước bên mình
Một hôm tôi thật vô tình
Treo lên cột trong chòi, có biết
Ai là người làm chơi hay làm thiệt
Để cho tôi chịu khát bấy lâu nay...
Chuyện bi đông tôi đã trình bày
Xin trả lại cho tôi bằng gián tiếp
Công ơn ấy đời đời kiếp kiếp
Dám đâu quên câu chuyện mất bi đông
Thương nhau lòng hãy dặn lòng
Non mòn bể cạn trả bi đông cho giữ bò.

Hôm sau ông ra chòi, thấy cái bi đông treo y chỗ cũ.

*

Tôi còn nhớ nhiều địa danh làng xóm là do thuộc thơ ông, kiểu Nhất Cồn Dồi An Xá/Nhì Khuông đá Lộc An/Ba Mũi Viết Thạch Bàn/Bốn Nhà Giàng họ Nguyễn... Đó là ông đang nói về các vùng đất quê tôi (thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được gọi là đất phát, có nhiều người thành đạt...

Hồi đó còn ăn tem phiếu, muốn mua gì thêm cũng phải xin ký duyệt, ba tôi lại làm cán bộ ở ngành thương nghiệp. Một hôm ông gửi cho ba tôi lá thư xin mua mấy gói trà loại ba. Sau khi trình bày, ông kết bằng hai câu:

Bà con ba bên bốn bề
Mong anh lưu ý vấn đề trên cho.

Ký tên: Võ Trọng Công.

Tôi về làng, ba tôi gửi biếu ông 5 gói trà loại ba và 2 gói thuốc lá Nhị Thanh. Tôi nghe chuyện ông Công ngày xưa làm thông ngôn cho Pháp, sau này lại hay hủ hóa nên phản đối, ba tôi bảo: "Con cứ mang về, đến thưa gửi cho đàng hoàng, con chưa biết gì về ông Công đâu".

*

Mãi lâu sau đi đây đi đó chán, về làng, tôi được biết ông Công được hưởng chế độ cán bộ tiền khởi, nhận huân chương này nọ oai phong lẫm liệt. Thấy lạ, tôi mang chuyện hỏi ba, ba tôi mới kể, ông làm thông ngôn cho Pháp nhưng là người của cách mạng; sau đó cách mạng phân công ông đi bán dầu tràm để tiếp cận mấy bà vợ quan lớn moi tin tức, ông có công lớn lắm. Chuyện ông đi bán dầu tràm ve vãn mấy bà góa từ đó mà ra.

Tôi à lên một tiếng.

Ông Công qua đời cách đây vài năm. Chủ tịch huyện đích thân về đọc điếu văn, trong đó có câu: Đồng chí Võ Trọng Công đã hy sinh vì Tổ quốc...

Ông Công có người con trai tên Khuyến, giỏi không tả được.

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.