Những bức tường ngăn cách thế giới

21/09/2007 21:41 GMT+7

Sau khi bức tường Berlin ở Đức sụp đổ, nhiều bức tường tương tự tiếp tục được dựng lên khắp nơi trên thế giới, từ châu Phi đến Trung Đông, từ nước Mỹ tới cao nguyên Trung Á.

Um Ali là một phụ nữ Hồi giáo dòng Shiite sống tại khu Ghazaliyah với đa số người Hồi giáo dòng Sunni ở phía tây bắc thủ đô Baghdad của Iraq. Bà thường phải đi đường vòng đến chợ ở khu Shuala kế cận để mua đồ ăn thức uống cho gia đình. Sở dĩ bà phải đi đường vòng để sang khu Shuala, nơi có nhiều người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống, là vì đầu tháng này, quân đội Mỹ đã dựng một bức tường cao 5 mét và dài hàng trăm mét ngăn cách giữa 2 khu vực tôn giáo không mấy thuận thảo với nhau này. Trong hơn 4 năm quân đội Mỹ đóng tại Iraq, hàng trăm bức tường đã được dựng lên ở các khu vực dân cư trên khắp Baghdad.

Theo Hãng tin Reuters, những bức tường ngăn cách như thế đã và sẽ được dựng lên trên khắp thế giới với chiều dài lên đến hàng ngàn cây số. Còn có cả hàng rào lẫn hào sâu. Chúng được dựng lên để ngăn chặn khủng bố, bạo lực, nạn buôn lậu, người nhập cư, những kẻ xâm nhập và cả những phần tử bất mãn. Kuwait, nước láng giềng của Iraq, đã xây dựng những hàng rào điện và một hào sâu 2 mét dọc theo đường biên giới dài 217 km với Iraq. Ả Rập Xê Út cũng dự định xây một hàng rào công nghệ cao dọc đường biên giới dài gần 900 km với Iraq.

Nước này đã âm thầm gọi thầu xây dựng hàng rào với thiết bị cảm biến, camera quan sát ban đêm, phần mềm nhận mặt người, dây thép gai. Ở Nam Á, Pakistan cũng vừa khởi công xây dựng một hàng rào dọc theo một phần đường biên giới dài 2.500 km với Afghanistan để ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng Taliban. Theo website Zeenews.com, Iran cũng đang xây dựng một hàng rào bê tông cao 3 mét dọc biên giới với Pakistan. Các dự án đầy tham vọng tương tự cũng đang được tiến hành trên biên giới Pakistan-Ấn Độ và Ấn Độ-Bangladesh.

Tại châu u, tàn tích của 2 bức tường ngăn cách nổi tiếng trong lịch sử - Bức tường Berlin, biểu tượng của Chiến tranh lạnh, ở Đức và Bức tường Hòa bình ngăn cách cộng đồng Công giáo và Tin lành ở Bắc Ireland - đã trở thành điểm tham quan. Trong khi đó, Tây Ban Nha đã cho xây hàng rào kép cao 3-6 mét bao quanh các lãnh thổ Ceuta và Melilla giáp với Morocco để ngăn chặn người nhập cư. Cũng với mục đích tương tự, một hàng rào bằng kim loại cao 5 mét đã được xây dựng dọc ranh giới giữa thành phố San Diego (Mỹ) với thành phố Tijuana (Mexico). Cửa khẩu tại đây nhộn nhịp nhất thế giới với khoảng 17 triệu xe và 50 triệu người qua lại mỗi năm. Từ thành công của hàng rào Tijuana trong việc ngăn chặn người nhập cư từ Mexico, Mỹ đang có kế hoạch xây dựng một hàng rào 2 lớp dài hơn 1.126 km dọc theo một phần biên giới với Mexico.

Trong khi an ninh và kiểm soát tình trạng nhập cư là những lý do thường xuyên được viện dẫn cho việc xây tường rào biên giới, thì ở một số nước, việc xây tường có liên quan đến yếu tố lãnh thổ. Chẳng hạn ở Morocco, có những bức tường bằng đất, đá, cát cao 3 mét với tổng chiều dài 2.700 km được xây dựng vào thập niên 80 để ngăn chặn các vụ tấn công của phong trào độc lập Tây Sahara, Polisario, trên lãnh thổ mà Morocco cho là của mình. Tương tự, bức tường bê tông chia cách Jerusalem với Bờ Tây và những hào sâu băng ngang Bờ Tây cho thấy ý đồ bành trướng của Israel. Theo Reuters, những tường rào mà Israel xây dựng ở Bờ Tây dài hơn các đường biên giới được quốc tế công nhận của Israel và đi theo hướng biến một số khu vực định cư Do Thái ở Bờ Tây thành một phần của Israel. Gần đây, theo Hãng tin AP, Tòa án tối cao Israel đã ra lệnh điều chỉnh hướng đi của tường rào này.

Như vậy là nhiều chục năm sau khi Bức màn sắt - bao gồm hàng loạt tường rào và bãi mìn ngăn cách Đông u với Tây u - chấm dứt tồn tại, hàng loạt tường rào đã và sẽ được dựng lên. Chưa rõ xu hướng "tường rào hóa" này sẽ tiếp diễn bao lâu, nhưng đây đó đã xuất hiện những sự phản đối. Theo Báo Middle East Times, tuần qua, hàng trăm người Hồi giáo Shiite và Sunni ở hai khu vực Ghazaliyah và Shuala (Baghdad, Iraq) đã xuống đường đòi phá bỏ cái mà họ cho là "bức tường hận thù". Israel cũng bị quốc tế phản đối mạnh mẽ về việc xây hàng rào an ninh mà cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho là "bức tường Apartheid".

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.