Hoạt động ngoại khóa: "Cơ hội vàng" để khám phá năng lực cá nhân

21/09/2005 23:37 GMT+7

Các chương trình giảm tải liên tục được đề ra. Tuy nhiên, phần lớn học sinh vẫn ì ạch khoác chiếc ba lô nặng chịch đến trường. Những bài giảng vẫn khô khan và những cặp kính vẫn ngày một dày thêm. Trong khi ấy, hoạt động ngoại khóa dường như bị bỏ quên trong chương trình giáo dục của nhiều trường, lớp…

Hoạt động ngoại khóa bị ra ngoài lề

Trong điều kiện kinh tế thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, diện tích nhỏ hẹp khiến không ít trường đành nói "không" với hoạt động ngoại khóa cho học sinh (HS). Nhu cầu hoạt động ngoại khóa là vô cùng cấp thiết nhưng việc đáp ứng được hay không lại là chuyện của từng trường. Còn HS, những mong ước của các em đôi khi vẫn "chỉ là mơ thôi".

Thúy Vân, một HS ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Chúng em rất thích được tham gia những giờ học ngoại khóa, được đi chơi, cắm trại..., vì dù sao em cũng đã học lớp 12 rồi, thời gian bên nhau không còn nhiều, đó sẽ là những kỷ niệm đẹp. Suốt ngày lo ôn thi, nhiều khi bọn em thấy mệt mỏi quá".

4 "bí quyết" để tổ chức hiệu quả

1. Ban giám hiệu nhà trường đánh giá đúng vai trò của hoạt động ngoại khóa, đầu tư kinh phí đúng mức.

2. Thầy cô giáo nhiệt tình, có trình độ và sáng tạo trong việc lồng ghép chương trình học.

3. Xây dựng hạt nhân nòng cốt, phát huy vai trò của cán bộ Đoàn, Đội và những HS nhiệt tình, có óc sáng tạo.

4. Mô hình lý tưởng là để HS tự đề xuất, nhà trường làm tham mưu và phối hợp tổ chức.

Vẫn biết nhu cầu là rất lớn nhưng việc đi vào hoạt động được hay không lại phụ thuộc vào chính những cá nhân có vai trò quyết định. Một cán bộ Đoàn có tới 10 năm công tác hạ một câu xanh rờn: "Nói chung là việc hoạt động ngoại khóa hay không, ngoại khóa đến đâu phụ thuộc rất lớn vào ông thầy hiệu trưởng, nếu thầy hiệu trưởng quyết tâm làm thì mới được, còn nếu không, tiền ở đâu mà làm".

Thêm vào đó, vai trò của những hạt nhân nòng cốt để thực thi chính sách của hiệu trưởng cũng quan trọng không kém. Dòng status hiển thị trên nick chat của cô bé lớp 11 Trường PTDL Hồ Xuân Hương khiến người khác phải tò mò: "Sắp có thầy giáo chuyên nghiệp về phụ trách hoạt động Đoàn rồi bà con ơi". Hỏi ra mới biết, cô bé tên T.N, lớp phó phụ trách văn thể của một lớp 11, cô bé đang háo hức chờ những hoạt động mới vì nhà trường sắp mời về một cán bộ Đoàn đầy kinh nghiệm. T.N hồ hởi: "Năm vừa rồi hoạt động ngoại khóa không có gì nổi bật, nhưng hy vọng sắp tới thầy T. về sẽ cải thiện được tình hình. Trước đó thầy đã làm rất tốt".

Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất thiếu thốn, đặc biệt là tại các trường dân lập, kinh phí hạn hẹp thì việc chi cho hoạt động ngoại khóa cũng còn rất nhiều khó khăn. GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho biết: "Trường đang trong quá trình cải tạo, xây mới hệ thống cơ sở vật chất nên hoạt động ngoại khóa chưa được phong phú, vẫn biết hoạt động ngoại khóa là quan trọng nhưng đôi khi đành lực bất tòng tâm".

Tiền không phải là tất cả

Sinh hoạt ngoại khóa với học sinh trường quốc tế Hà Nội được chia làm hai phần rõ ràng, một phần là các buổi dã ngoại, các chuyến tham quan phục vụ cho chính bài học; phần thứ hai là việc tổ chức học sau giờ chính khóa (after school), nhà trường thành lập các câu lạc bộ: thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ...), âm nhạc, hội họa..., và có điều thú vị là không phải các câu lạc bộ này tồn tại từ đầu đến cuối mỗi khóa học. Với chủ trương cho HS tham gia nhiều hoạt động để chính các em khám phá khả năng bản thân mình nên mỗi câu lạc bộ chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định rồi lại có câu lạc bộ khác. HS có thể khám phá năng lực bản thân trong nhiều môn, nhiều lĩnh vực và sau đó chọn cho mình môn yêu thích.

Không chỉ có vậy, ít nhất một học kỳ, mỗi HS của trường đều được đi tham quan, đi thực tế 2-3 lần. Người ta không còn thấy ngạc nhiên khi có một đoàn HS lớp 6 lớp 7 tóc vàng, da trắng, mắt xanh nắm tay nhau vào thăm bảo tàng hay một làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Lại nói HS trường quốc tế với học phí tính bằng USD thì việc các em HS được hưởng quyền lợi giáo dục lý tưởng là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, với một số trường "nội", họ cũng tìm ra cách đi riêng cho mình. Trên diễn đàn của học sinh Trường Hà Nội Amsterdam (www.hn-ams.org/forum) luôn sôi động: dự án đề thi, bạn có thường xuyên lên thư viện, tài liệu học tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha... đó là những "mỏ vàng" mà bất cứ ai chịu khó cũng có thể tự mình khám phá trên Internet.

Sinh viên tìm hiểu về trà đạo trong lễ hội văn hóa ẩm thực. Ảnh: Đ.N.Thạch

Tự HS đã tạo ra một sân chơi cho chính mình trong hoàn cảnh khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí đã trở thành bí quyết để đẩy mạnh hoạt động phong trào. Một cán bộ Đoàn đã khẳng định: HS làm vì HS là cách tốt nhất để lôi cuốn các em tham gia những sinh hoạt ngoại khóa như thế này. Cầm Thi, một cựu HS chuyên Anh xuất sắc của "Trường Ams" bật mí: "Tụi mình tự tổ chức lấy hoạt động cho chính mình vui chơi, vì vậy mà nó luôn mang màu sắc HS nhất, cuốn hút nhất và cũng thật sự bổ ích".

Tiền ít, cơ sở vật chất thiếu, điều đó có thể trở thành chuyện nhỏ nếu có sự tổ chức khéo léo. Thầy trò Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành tổ chức một chuyến dã ngoại hoành tráng tới Lạng Sơn, kéo co trên núi có khu di tích Thành nhà Hồ, thi leo núi, thăm động Tam Thanh, Nhị Thanh... PGS.TS Vương Dương Minh, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Những hoạt động ấy đã tạo nên sự hào hứng sôi nổi ngay cả trong những thầy cô giáo đã hai thứ tóc trên đầu. Đó thực sự là những hoạt động gắn kết tình cảm thầy trò, bạn bè. Kinh phí tổ chức cũng không hết nhiều lắm, vài triệu đồng cho gần 200 HS, số tiền không lớn nhưng cái “được” thì vô giá. Sau chuyến đi, những bài học trên lớp sẽ sôi nổi hơn, đó sẽ là những kỷ niệm khó quên của HS đối với nhà trường".

* Nguyễn Thị Huyền Ngân, HS lớp 12A3 Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành: Chúng em rất thích hoạt động ngoại khóa, tuy nhiên, đó phải là những hoạt động thật sự vui, bổ ích và được tổ chức vào thời gian hợp lý. Những buổi đi cắm trại xa, nhất là ở một di tích nào đó thì thật là tuyệt. Chúng em được hoạt động cùng nhau, hiểu nhau hơn và có được những kỷ niệm đẹp trước khi ra trường.

* Đinh Thị Thùy Dương, lớp 11 chuyên Anh Trường THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm: Trong các hoạt động ngoại khóa, em thích nhất dạ hội đêm trung thu vừa rồi, có gian hàng ẩm thực, văn nghệ, được vui chơi thoải mái. Điều đó làm tụi em giảm căng thẳng và thấy hào hứng hơn đối với những giờ học trên lớp.

* T.T.N, lớp 11 Trường PTDL Hồ Xuân Hương: Năm vừa rồi, trường chúng em chưa có nhiều hoạt động thật sự lôi cuốn được các bạn HS, mặc dù chúng em rất thích tham gia. Năm nay hy vọng hoạt động của trường sẽ tốt hơn vì sắp có thầy giáo phụ trách mới về.
N.V.N, lớp 12 Trường PTTH Nhân Chính: Em rất ít khi tham gia các hoạt động Đoàn, vì thời gian phải dành vào việc học. Năm cuối cấp rồi, phải tranh thủ học thêm nếu không chắc trượt ĐH mất.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.