Các trường ĐH áp dụng hệ thống tín chỉ: Liên thông nhưng chưa... liên trường ?

21/09/2007 21:47 GMT+7

Ngày 16.8.2007, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quy chế đào tạo ĐH-CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Theo đó, ngay từ năm học 2007-2008, các trường sẽ tổ chức đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ.

Có lẽ chính vì vậy, mặc dù đang trong đợt cao điểm xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 tuyển sinh ĐH-CĐ, đại diện hơn 200 trường ĐH-CĐ vẫn sắp xếp để có mặt tại TP Hải Phòng cuối tuần qua để tham dự hội thảo "Đổi mới phương pháp dạy - học trong đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) - Xây dựng hệ thống thông tin trong quản lý đào tạo" do Ban liên lạc các trường ĐH-CĐ Việt Nam (VUN) tổ chức. 

Thách thức ập đến

Từ hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH tại Nha Trang hè 1987 và tại Vũng Tàu hè 1998, học chế "học phần" đã ra đời và được triển khai trong toàn bộ hệ thống các trường ĐH-CĐ. Đến năm học 1993-1994, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), và sau đó là các trường ĐH Đà Lạt, Cần Thơ, Thủy sản Nha Trang, Xây dựng Hà Nội... đã bắt đầu áp dụng học chế học phần - đơn vị học trình có phần triệt để hơn. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có trường ĐH nào tại VN xây dựng được mô hình hoàn thiện về đào tạo theo HCTC. Với quy chế đào tạo theo HCTC vừa mới ban hành, việc chuyển đổi đào tạo từ hệ thống niên chế sang HCTC được xem là một thách thức lớn cho cả người dạy lẫn người học, cán bộ quản lý của các trường ĐH.

Áp dụng HCTC, những giáo viên quen giảng dạy theo phương pháp thuyết giảng lâu nay sẽ không khỏi lúng túng vì phải thay đổi một loạt nếp làm việc mới: phải nhanh chóng làm quen với phương pháp giảng dạy hiện đại, tăng cường việc hướng dẫn sinh viên biết tự nghiên cứu ở nhà, tiếp tục tích lũy thêm kiến thức để sẵn sàng giải đáp thắc mắc của sinh viên trong điều kiện người học có nhiều phương tiện để tích lũy kiến thức nhiều hơn qua lượng thông tin tràn ngập trên mạng internet... Đối với người học, HCTC cho phép sinh viên chủ động xây dựng kế hoạch học tập (môn học, thời gian, tiến độ...), tạo cơ hội cho sinh viên tiếp nhận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng những thuận lợi đó cũng chính là thách thức cho người học, buộc người học phải biết sử dụng quyền chủ động của mình đúng mục đích, có kế hoạch hợp lý.

Đặc biệt, với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động đào tạo, thách thức đang ập đến những nhà quản lý ở cấp Bộ GD-ĐT và trong từng trường ĐH. Khi đào tạo theo HCTC, Bộ phải có những quyết sách đúng đắn, các trường ĐH phải chịu hoàn toàn trách nhiệm quản lý, sắp xếp lịch học, tổ chức thi cử, xét tốt nghiệp... cho từng cá nhân sinh viên trên máy tính. 

Các biện pháp kỹ thuật 

Từ hai năm trở lại, ngoài các đợt tập huấn của Bộ GD-ĐT, các đơn vị giáo dục như Viện Nghiên cứu giáo dục (trường ĐH Sư phạm TP.HCM), VUN, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập và một số trường ĐH đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo liên quan đến việc thực hiện HCTC. Riêng VUN, 2/3 cuộc hội thảo gần đây nhất tại Nha Trang (tháng 12.2006) và Hải Phòng (tháng 9.2007) đã dành chủ đề hội thảo cho đề tài này.

Những cuộc hội thảo về HCTC nêu trên đã có tác dụng rất lớn đến việc nâng cao "kiến thức HCTC" đến các đại biểu tham dự, từ đó cũng làm cho các trường ít quan tâm đến việc nghiên cứu HCTC lâu nay bộc lộ rõ nhiều băn khoăn khi việc áp dụng HCTC đang đến cận kề. Ngay trong hội thảo tại Hải Phòng cuối tuần qua, chính tiến sĩ (TS) Lê Văn Hảo (trường ĐH Nha Trang) đã nhận xét: "Cho đến thời điểm này, về góc độ quản lý của một số trường và một số đơn vị ở Bộ GD-ĐT vẫn còn hết sức lúng túng từ các khái niệm cơ bản về HCTC, nhiều nơi chưa nắm rõ triết lý và mục đích cơ bản việc thực hiện tín chỉ là gì, còn dựa vào các "phần ngọn" mà quên đi "phần gốc" trong đào tạo HCTC là lấy người học làm trung tâm".

Tiến sĩ Hảo nêu ra 3 thuộc tính cơ bản của HCTC để các trường tự đánh giá mức độ thực hiện của mình là: 1/ mềm dẻo (có thể tuyển sinh nhiều lần trong 1 năm, nhiều lớp học có thể xuất hiện cùng một lúc trong cùng một môn để sinh viên chọn giờ học thích hợp, có thể định thời gian học theo điều kiện bản thân); 2/ đa dạng (đủ các môn học tự chọn để sinh viên chọn lựa, 1 môn học có nhiều lãnh vực khác nhau); 3/ có thể chuyển đổi (giữa hệ chính quy và phi chính quy, giữa các trường trong nước và nước ngoài). 


Các đại biểu chăm chú theo dõi báo cáo của TS Trương Bá Hà  - Ảnh: N.Q

TS Huỳnh Văn Thông (trường ĐH Đà Lạt) cho rằng các trường ĐH phải nhanh chóng phá vỡ cơ cấu lớp truyền thống sang cơ cấu quản lý cá nhân người học, tiến đến tích hợp các nguồn lực và tài nguyên trong trường ĐH để hướng đến phục vụ dạy-học theo HCTC.

TS Thông đã chủ động trình bày nhanh bài tham luận của mình và nói: "Tôi muốn nhường bớt thời gian của mình để TS Trương Bá Hà (ĐHQG TP.HCM) có thêm thời gian trình bày kỹ lưỡng một vấn đề lớn là các giải pháp kỹ thuật liên quan". Và, với bản báo cáo "Giải pháp thiết kế hệ thống thông tin tích hợp với cổng điện tử phục vụ tổ chức đào tạo theo HCTC của các trường ĐH tại VN" của TS Hà đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu khi đề cập những vấn đề mà nhiều trường đang "vướng" khi áp dụng HCTC như: hoạch định chiến lược xây dựng, kiến trúc tổng thể của hệ thống thông tin của một trường ĐH theo mô hình cổng thông tin, các giải pháp hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp thi cử phục vụ đào tạo theo HCTC bao gồm phần mềm thư viện số, phần mềm trung tâm khảo thí và eLearning.

Ông còn đề xuất thành lập mạng thông tin liên trường ĐH góp phần phục vụ công tác hoạch định phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế của các địa phương và trên quy mô cả nước (Vietnam University Information System Network - VUIS.NET). Trước mắt, có thể triển khai VUIS.NET ở các trường ĐH quốc gia, ĐH vùng; tiến tới mở rộng trên quy mô địa bàn một tỉnh/thành phố như TP.HCM, Hà Nội và sau đó nhân rộng ra toàn quốc. Các vấn đề khác như sử dụng thẻ thông minh đa chức năng kết hợp với thanh toán điện tử trong các trường đại học cũng được đề cập trong báo cáo này đã giúp các trường nhận rõ hơn các bước đi kỹ thuật hỗ trợ mạnh việc thực hiện HCTC.

Nhựt Quang 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.