Từ bỏ điều cấm kỵ

01/11/2008 01:09 GMT+7

Một trong những tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là đã buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải thay đổi rất đáng kể khi lần đầu tiên cấp phát tín dụng mà không đi cùng điều kiện tiên quyết.

Suốt mấy thập kỷ qua kể từ khi ra đời, IMF luôn gắn những điều kiện khắt khe về kinh tế, tài chính và cả chính trị với những khoản tín dụng dành cho quốc gia cần đến. Chính sách này trở thành bản sắc của IMF. Vậy mà bây giờ IMF có một chương trình tín dụng 100 tỉ USD dành cho các thành viên có nhu cầu đối phó khủng hoảng tài chính mà không kèm theo điều kiện.

Ngay chỉ mới vừa rồi thôi, khi ra tay cứu Iceland, Ukraine và Hungary, IMF vẫn áp dụng chính sách lâu nay: đòi Iceland tăng lãi suất cơ bản, Ukraine tăng thuế xăng dầu và giảm bù trợ của nhà nước, Hungary giảm lương công chức...

Sự điều chỉnh chính sách đáng chú ý này của IMF có lý do của nó. Trong khi chương trình giải cứu thị trường tài chính ở các nước chỉ được những ngân hàng sắp phá sản tận dụng thì chương trình cứu trợ của IMF cũng chỉ được vài nước ngấp nghé bờ vực mất khả năng thanh toán lưu tâm bởi những điều kiện đặt ra cho khoản tín dụng đó có khi gây thêm khó khăn cho họ nên chừng nào còn có cách khác, còn chịu đựng được thì họ chưa tính đến việc sử dụng các chương trình giải cứu này.

Kết quả thực hiện cho tới nay của các chương trình đó là cứu được các ngân hàng và các quốc gia kia, không để hệ thống tài chính và ngân hàng sụp đổ, nhưng hoạt động cung ứng tín dụng chưa phục hồi, do vậy chỉ có tác động tích cực hạn chế tới tăng trưởng kinh tế nói chung. Mặt khác, nếu IMF muốn giữ vai chủ đạo trong cái gọi là “trật tự tài chính thế giới mới” thì phải tự cải tổ để trở thành sự lựa chọn ban đầu chứ không phải cuối cùng của các thành viên cần trợ giúp.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.