Hãy cứu lấy các em!

25/09/2006 00:05 GMT+7

Đạt điểm A mới được học Trường Lê Quý Đôn mà các em chỉ mức B thì phải về trường mức B để học", Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho biết hướng giải quyết các lớp tuyển sinh thiếu điểm chuẩn tại Trường THPT Lê Quý Đôn, trong buổi công bố quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng.

Vậy là các em học sinh đã trở thành nạn nhân 2 lần cho những toan tính của người lớn. Lần thứ nhất bị buộc phải ngồi vào chiếc ghế không đúng với năng lực của mình và lần thứ hai bị buộc phải trở về đúng vị trí. Cả hai lần các em đều rơi vào tình trạng bị động. Chắc chắn các em sẽ mang những mặc cảm không đáng có khi phải trở về - dù là đúng môi trường học tập thích hợp với mình. Ấy là chưa kể đến phát biểu của ông Giám đốc Sở đã vô tình đặt một ranh giới rõ ràng giữa trường giỏi - hạng A (ở đây là Trường Lê Quý Đôn) và trường yếu (ở đây là bất kể trường nào mà các em học sinh vừa "lỡ" bị đẩy vào Trường Lê Quý Đôn - phải trở về sau sự cố vừa rồi).

Tôi nhớ đến người bạn lớn tuổi, một nghệ sĩ có tiếng trong làng điện ảnh, anh có một cô con gái yêu 6 tuổi. Đợt đi làm phim vừa rồi là mùa hè, cũng là thời gian anh lo lắng nhất cho cô con gái bé bỏng bởi đó là thời điểm các trường tiểu học ở Hà Nội rục rịch tuyển sinh. Một trường học gần nhà, lại là trường điểm, anh cũng phải nhờ cậy như phần lớn phụ huynh học sinh trong môi trường giáo dục VN hiện tại. Cô bé nằm trong top từ 40 đến 50. Mà trường chỉ lấy 40, nghĩa là em sẽ không được theo học tại trường này. Anh bạn tôi mất ngủ mấy đêm liền, không phải vì lo lắng, cô bé của anh thông minh, cháu sẽ học ở đâu cũng được nhưng anh thương nó, nó mới chỉ 6 tuổi mà đã phải vướng vào những tính toán của người lớn. Và cháu không được học ở trường ngay cạnh nhà kia không phải vì năng lực của chính cháu - cháu mới có 6 tuổi, mà chính là do bố cháu không "mạnh vì gạo bạo vì tiền" như bố mẹ của các bạn!

Hãy cứu lấy các em, tiếng kêu cứu khẩn thiết của người điên trong một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Lỗ Tấn dường như cũng đang là suy nghĩ của nhiều người tỉnh táo trước những tin tức gần đây về ngành giáo dục VN.

Hãy cứu lấy các em, vì chúng chẳng có tội gì. Có thể cha mẹ chúng đã có lỗi trong việc đút lót, hối lộ thầy cô giáo. Họ đã dùng những cách không đàng hoàng để con cái mình có được chỗ học hành tốt hơn. Thế nên trước những sai phạm trong việc tuyển sinh, thì họ - theo như lời ông Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - "cần phải chia sẻ trách nhiệm, bởi cả hai bên đều cùng sai!". Vâng, có lẽ với lý lẽ của người lớn, thì đó là chuyện sòng phẳng. Ngọt bùi đã chia đôi, thì cay đắng cũng nên sẻ nửa! Kinh tế thị trường mà, đầu tư nào chẳng có rủi ro! Để những đứa con được bước chân vào Trường Lê Quý Đôn - một trong những ngôi trường đã từng được coi là có chất lượng giáo dục rất tốt ở TP.HCM - cha mẹ chúng chắc hẳn đã phải trả không ít tiền. Đầu tư ấy có thể coi là mất trắng. Những thầy cô đã làm sai quy chế cũng đang và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và công luận. Đúng như lời ông Giám đốc Sở tuyên bố: cả hai bên đều sai! Họ chẳng trách ai được, vì không phải mục đích nào cũng có thể biện minh cho hành động. Trong giáo dục lại càng không thể như thế.

Nhưng còn những đứa trẻ vô tội thì sao? Chúng làm sao hiểu nổi sự phức tạp trong quan hệ xã hội giữa những người lớn. Sau tuyên bố của người có trách nhiệm trong ngành GD TP.HCM, có lẽ sẽ có những đứa trẻ phải cay đắng ra đi. Chia tay bạn bè, chia tay những kỷ niệm, và chia tay cả những ý nghĩ thơ ngây trong sáng về những thầy cô đã dạy chúng những bài học làm người. Năm tháng qua đi và chúng sẽ lớn lên, và dù có làm gì thì chúng cũng là tương lai của đất nước! Một tương lai rất gần! Một tương lai của chính chúng ta!

Thầy cô giáo cũng là con người, và họ cũng rất cần tiền để có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng trong vụ bê bối ở Trường Lê Quý Đôn, những người liên quan có nghèo khó và thiếu thốn vật chất đến mức phải sai phạm quá nhiều như thế ? Và dù có nghèo chăng nữa thì lý do gì có thể biện minh cho những hành động như thầy giáo gạ gẫm nữ sinh đổi tình lấy điểm?

Không phải cái gì trong nền kinh tế thị trường cũng là hàng hóa! Nếu như những người thầy lại coi chính mình như một món hàng có thể mua bán được, thì những đứa trẻ mà họ dạy dỗ sau này lớn lên sẽ ra sao?
Hãy cứu lấy các em!

Tùy Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.